Hà Nội muốn Nhà Hát lớn nhất thủ đô: Để làm gì?

Xây nhà hát Hoa Sen Hà Nội phải tính toán thận trọng đến hiệu quả và hiệu suất phục vụ của dự án để tránh lãng phí.

Bà Bùi Thị An - nguyên ĐBQH khóa XIII nhấn mạnh, nhu cầu xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa mang dấu ấn cho thủ đô là cần thiết.

ha noi muon nha hat lon nhat thu do de lam gi

Phối cảnh dự án nhà hát Hoa Sen được giới thiệu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Nội giữa năm 2016. Ảnh: VnE

Đề cập tới chủ trương kêu gọi đầu tư cho Nhà hát Hoa Sen với 2.000 chỗ ngồi tại công viên CV1 Cầu Giấy của Hà Nội, theo bà An, trước khi triển khai thực hiện dự án phải có nghiên cứu, đánh giá rất cụ thể về nhu cầu sử dụng của người dân, hiệu suất hoạt động của nhà hát như thế nào, những tác động tiêu cực tích cực có thể có từ dự án đối với kinh tế, xã hội, đời sống của người dân ra sao...

Phân tích kỹ hơn, nguyên ĐBQH Khóa XIII chỉ rõ từng vấn đề như sau:

Thứ nhất, Dự án nhà hát Hoa Sen được lên phương án xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa và sẽ là nhà hát lớn, hiện đại nhất Thủ đô.

Theo đó, dự án có quy mô dự kiến trên 4 ha có quy mô 6 tầng, cao 54m được thiết kế như bông sen nổi trên mặt nước.

Dự kiến có công suất 2.000 chỗ ngồi, xung quanh nhà hát đảm bảo cho khoảng 25.000 người có thể vào vui chơi hàng ngày. Trong nhà hát có văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí…

Đáng chú ý, vào khoảng cuối tháng 5/2018, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất dừng triển khai dự án Nhà hát Hoa Sen do nhà đầu tư không có nhu cầu đầu tư nữa.

Bà An đặt câu hỏi: "Vì sao nhà đầu tư lại dừng không triển khai dự án và bây giờ Hà Nội lại muốn tìm kiếm, kêu gọi nhà đầu tư cho dự án này?

Có phải do tính hiệu quả của dự án không cao hay còn lo ngại dự án xây dựng xong cũng lại có chung số phận như những dự án khác mà chủ đầu tư e ngại?".

Theo đó, bà An đề nghị Hà Nội phải đánh giá thận trọng trước khi thực hiện triển khai dự án để tránh tạo ra những gánh nặng cho xã hội và nguồn ngân sách quốc gia.

Trường hợp Hà Nội quyết tâm kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức xã hội hóa thì cũng cần phải làm rõ:

"Hà Nội đã kêu gọi đầu tư là phải tính tới hiệu quả sử dụng và nguồn thu mang về. Đầu tư không thể để nhà đầu tư bị thiệt nhưng chắc chắn cũng không thể chỉ hướng tới cái lợi của nhà đầu tư được.

Vì thế, Hà Nội muốn kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa thì cũng phải công khai đó là hình thức xã hội hóa nào? Nếu đổi đất lấy hạ tầng thì đổi đất ở đâu? Diện tích bao nhiêu? Giá đổi thế nào...? Dự án xây song sẽ vận hành, quản lý theo hình thức nào? Dự kiến thu hồi vốn trong bao nhiêu năm?

Tất cả phải rất minh bạch, rõ ràng vì đất đai cũng là tài sản của nhà nước, của người dân, không thể tùy ý trao đổi, giá nào cũng được", bà An nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai, bà Bùi Thị An lo ngại tính lãng phí, không hiệu quả của dự án này. Theo bà An, thực trạng bỏ không, lãng phí hoặc hoạt động trong tình trạng cầm chừng, phải cho thuê bán cafe, tổ chức sự kiện đám cưới, sinh nhật để kiếm thêm thu nhập của hàng loạt các nhà hát lớn tại Hà Nội hiện nay cũng là mối quan tâm lớn của thành phố.

Cụ thể, thống kê cho thấy Hà Nội hiện có khoảng 20 nhà hát do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao quản lý. Trừ Cung Văn hóa Hữu Nghị có 1.200 ghế ngồi, số còn lại đều có quy mô từ 100 đến hơn 800 chỗ.

Nhà hát lớn Hà Nội luôn được giới nghệ sĩ xem là “thánh đường nghệ thuật”. Khán phòng Nhà hát cao 3 tầng tổng cộng 870 ghế ngồi.

Mỗi tháng trung bình có khoảng 8 chương trình được tổ chức, từ hòa nhạc giao hưởng, nhạc vũ kịch, ballet đến bolero, đêm nhạc nhẹ, đêm thơ, lễ kỷ niệm, show trình diễn của nghệ sĩ tóc.

Thế nhưng, nguồn thu chủ yếu của Nhà hát lớn lại kiếm được từ tiền cho thuê rạp chứ không phải nhờ tổ chức các show diễn.

Hay Nhà hát của đoàn nghệ thuật truyền thống, Trung tâm Âu Cơ... cũng phải than phiền khó khăn, kiếm tiền nhờ cho thuê rạp, thuê địa điểm bán cafe.

Mới đây nhất, Hà Nội đã phải quyết định dừng triển khai dự án Nhà hát Thăng Long nằm trong trong quy hoạch khu đô thị mới Tây Hồ Tây (quận Tây Hồ), quy mô chiếm đất khoảng 22,263 ha.

Nhà hát Thăng Long bao gồm một khối biểu diễn hòa nhạc cổ điển từ 1.200-1.500 chỗ, một khối biểu diễn đa chức năng 1.800 chỗ. Ngoài ra, có không gian tổ chức biểu diễn ngoài trời. Tống vốn đầu tư dự kiến hơn 2.398 tỷ đồng.

Đây cũng là dự án được kỳ vọng sẽ đem lại điểm nhấn cho Hà Nội, tuy nhiên, suốt cả chục năm trời dự án vẫn nằm im trên ý tưởng, không được động thổ. Thực trạng trên theo bà An buộc Hà Nội phải có đánh giá, nghiên cứu rất thận trọng.

"Hà Nội phải thống kê, đánh giá toàn diện nhu cầu sử dụng nhà hát hiện nay tại Hà Nội đang ở mức nào?

Bao nhiêu nhà hát đã xây và tình hình hoạt động ra sao? Hiệu suất sử dụng các nhà hát trên thế nào? Nguồn thu từ các nhà hát cụ thể lỗ, lãi ra sao? Có cần phải xây thêm nhà hát mới nữa không và xây để làm gì?", bà An đặt vấn đề.

Bà An cho rằng, khi chưa có đánh giá cụ thể, Hà Nội chưa nên vội vàng thực hiện. Yêu cầu công khai, cụ thể, chi tiết thông tin về dự án theo bà An là cách tốt nhất giúp người dân có thể tham gia giám sát, giúp thành phố đánh giá tính hiệu quả của dự án tốt hơn.

/ http://baodatviet.vn