Xới lại thủy điện nhỏ

Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn (về lý thuyết khoảng 35.000 MW với điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm) và có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời, sinh khối,... Đây là những tài nguyên quý giá, nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý.

Chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa thủy điện

Thế nhưng, việc xây dựng thủy điện ồ ạt từ những năm 2010-2014 đã làm nảy sinh một số bất cập, trong đó phải kể đến những dự án thủy điện nhỏ gây ra hàng loạt các sự cố về môi trường và thực trạng xả lũ không đúng quy trình.

Thủy điện Sông Bung 2 xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn dòng gây hậu quả nghiêm trọng (Ảnh: Nam Cường).

Hẳn dư luận vẫn chưa thể quên hàng loạt sự cố liên quan đến thủy điện đã xảy ra khiến dư luận xã hội vô cùng hoang mang, như sự vụ vỡ đường ống dẫn nước tại Nhà máy Thủy điện Đambol (Lâm Đồng); thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) xuất hiện nhiều vết nứt ở thân đập làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra.

Hay sự cố tại Thủy điện sông Bung 2 (Quảng Nam) và sự cố xả lũ tại thủy điện Hố Hô hồi tháng 10/2016 gây ra những thiệt hại lớn về người, tài sản, hoa màu…

Những sự cố đó thực sự cho thấy hiểm họa từ những “trái bom nước” luôn rình rập, có thể gây ra những tai nạn, mà nói đúng hơn là “nhân tai” bất cứ lúc nào. Giới chuyên gia trong ngành nhận định, chúng ta đang phải đánh đổi quá nhiều để có thể sở hữu một dự án thủy điện.

Song, đó chỉ là một khía cạnh, thiệt hại lớn hơn cả chính là sự mất an toàn, ảnh hưởng đến tính mạng con người từ các dự án thủy điện nhỏ đã và đang gây ra trong thời gian qua.

Các sự cố vỡ đập hay xả nước tại các hồ thủy điện không đúng quy trình đều là kết quả của những hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý vận hành các đập thủy điện của cơ quan chức năng.

Nhận ra được những hệ lụy của sự phát triển thủy điện ồ ạt, báo chí lên tiếng một cách mạnh mẽ, phản đối thực trạng phát triển tràn lan các dự án thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ. Quốc hội cũng đã đồng ý loại khỏi quy hoạch tới 468 dự án thủy điện.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan về những mặt tích cực mà các dự án thủy điện nhỏ và vừa mang lại cho nền kinh tế trong thời gian qua.

Cụ thể, trên 300 dự án thủy điện vừa và nhỏ được xây dựng với công suất khoảng 3.000 MW đã góp một phần không nhỏ vào mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nhiều dự án thủy điện hoạt động ổn định, nhiều dự án đã trồng lại rừng và không ảnh hưởng đến tái định cư cũng như đời sống nhân dân vùng thượng lưu và hạ du…

Số liệu thống kê minh chứng, các nhà máy thủy điện hiện có đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (năm 2016, đã đóng góp khoảng 44% công suất và gần 40% điện lượng; trong 8 tháng đầu năm 2017, đã đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống điện), điều tiết hợp lý giá điện ở nước ta; tạo ra nhiều công việc và thu nhập cho lực lượng lao động trên cả nước; đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước,...

Tại một số tỉnh (như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng...), các nhà máy thủy điện đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách.

Cùng với phát triển thủy điện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm,...) và điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các địa phương có dự án được cải thiện, hoàn chỉnh.

Nhìn chung, việc phát triển thủy điện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; người dân tái định cư ngày càng ổn định cuộc sống, tăng thu nhập của người dân địa phương.

Theo dự tính, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt 100 tỉ kWh điện và con số này tăng lên 300 tỉ kWh vào năm 2030. Trong bối cảnh nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời là quá sức do với năng lực kinh tế hiện nay, thì việc duy trì và phát triển thủy điện vẫn rất cần thiết cho mục tiêu an ninh năng lượng. Do đó, thuỷ điện vừa và nhỏ vẫn là lĩnh vực được ưu tiên.

Có lẽ, đây cũng là lý do tại sao thời gian gần đây, dư luận lại thấy việc xây dựng các dự án thủy điện lại được “xới lại” sau một thời gian chìm lắng.

Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm cấp quốc gia được tổ chức gần đây tiếp tục xoay quanh vấn đề này. Và ngày hôm qua (5/10), một cuộc hội thảo với chủ đề “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ phát triển năng lượng tái tạo an toàn, hiệu quả, bền vững” do Bộ Công thương tổ chức, câu chuyện “mở cửa” cho thủy điện nhỏ lại được đưa ra “mổ xẻ”.

Tại cuộc hội thảo này, nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng thủy điện ở Việt Nam còn rất lớn nhưng chúng ta mới khai thác được một phần nhỏ.

Và tiếp tục đề cao những điểm mạnh mà thủy điện nhỏ mang lại, PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đưa ra quan điểm rằng: Phát triển thủy điện nhỏ vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn rất nhiều lần so với việc phát triển nhiệt điện ở Việt Nam. Bởi, theo vị chuyên gia này, có thể còn những mặt chưa tích cực đối với an sinh xã hội như vấn đề xả nước về hạ du, song chỉ cần được quản lý giám sát quá trình vận hành các hồ thủy điện một cách chặt chẽ, các hệ lụy đó sẽ không xảy ra. Trong khi đó, nếu ưu tiên phát triển nhiệt điện, những tác động của nó tới môi trường là vô cùng lớn, nếu không muốn nói là thảm họa, chưa kể đến việc Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than.

Nhìn nhận một cách khách quan, vị chuyên gia này cho rằng, trong hiện tại và tương lai, thủy điện vẫn là một trong ba nguồn năng lượng chính đáp ứng nhu cầu điện quốc gia.

Tuy nhiên, phát triển thủy điện thế nào để vừa đảm bảo tính hiệu quả đối với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, vừa đảm bảo sự an toàn đối với người dân vùng hạ du, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là bài toán khó những cần phải có lời giải thỏa đáng.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/xoi-lai-thuy-dien-nho-381841

/ Duy Phương/daidoanket.vn