Xã hội hóa huy chương

Vận động viên của Singapore có thể là luật sư, chuyên viên tài chính. Sáng, chiều họ làm việc tại văn phòng, tối và cuối tuần xỏ giày luyện tập. 

Vận động viên của Singapore có thể là luật sư, chuyên viên tài chính. Sáng, chiều họ làm việc tại văn phòng, tối và cuối tuần xỏ giày luyện tập.

Chiều mùa hè năm 2017, khi tôi đang làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia ở Singapore, cậu thực tập sinh Clement Chow đến gặp tôi và bảo: "Anh ơi, cho em xin nghỉ cả tuần tới nhé". "Ủa, làm gì mà nghỉ nhiều thế hả em?", tôi có chút phiền lòng vì dự án đang trong giai đoạn căng thẳng. "Dạ, em đi SEA Games thi ba môn phối hợp Triathlon", Clement Chow trả lời.

Tôi cứ tưởng cậu ấy đùa cơ chứ. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, tôi vẫn hình dung các vận động viên chuyên nghiệp phải được chọn đào tạo từ bé, rồi ăn tập trên tuyển, thời gian đi học đã ít chứ nói gì tới việc làm công ăn lương. Ấy thế mà Clement Chow đang theo học tại đại học hàng đầu Singapore. Năm đó, cậu đem về tấm huy chương đồng môn Triathlon cho thể thao nước này.

Sau đó tôi mới biết, ở Singapore, phần lớn các vận động viên chuyên nghiệp đều có công ăn việc làm ổn định, các môn thể thao được cấp kinh phí rất nhiều từ nguồn xã hội hóa. Các vận động viên nước này có thể là nhân viên của các hãng thể thao hay cá biệt có những người là luật sư, chuyên viên tài chính, công ty chứng khoán. Đây cũng là mô hình rất phổ biến ở Nhật Bản, nơi các vận động viên điền kinh thường đầu quân cho các doanh nghiệp. Sự cạnh tranh của các công ty trong những giải điền kinh ở Nhật thậm chí còn gắt gao hơn giải điền kinh quốc gia ở Việt Nam.

Xã hội hóa thể thao, theo tôi, chính là câu trả lời cho các vấn đề mà thể thao Việt Nam đang gặp phải.

Đầu tiên là xã hội hóa các giải thể thao. Chưa bao giờ phong trào thể thao quần chúng phát triển rầm rộ ở Việt Nam như hiện nay. Nếu trước đây ta chỉ nghe nói tới giải chạy việt dã toàn quốc thì giờ đây, mỗi tháng có trung bình 2-3 giải marathon do doanh nghiệp tổ chức. Các giải chạy này đã thu hút hàng nghìn người không ngần ngại bỏ ra vài triệu đồng để đăng ký, và cả nhiều vận động viên chuyên nghiệp như Hà Văn Nhật, Lê Quang Hòa hay huy chương đồng marathon SEA Games Phạm Thị Hồng Lệ. Những sân chơi đó vừa để vận động viên chuyên nghiệp rèn luyện, vừa giúp họ giành được tiền thưởng, trang trải cuộc sống.

Khi các giải đấu xã hội hóa ngày càng nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và cộng đồng, người chuyên nghiệp cũng có điều kiện chuyển đổi bộ môn thi đấu và kéo dài tuổi thọ thi đấu đỉnh cao. Đơn cử như vận động viên chạy 5.000 mét Johan Jauhari của Indonesia, sau khi đoạt huy chương bạc tại SEA Games 2011, anh đã chuyển sang thi tập luyện Triathlon và Duathlon và giành huy chương vàng tại SEA Games 2019 ở tuổi 36.

Thứ hai là xã hội hóa công tác quản lý và huấn luyện. Ngày 2/12/2019, dưới cái nắng thiêu đốt ở Subic, Philippines, Nguyễn Thị Phương Trinh đã đánh bại tám đối thủ từ các quốc gia khu vực để giành huy chương đồng môn Duathlon cho đội tuyển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên đội Việt Nam tham dự môn này tại SEA Games dù là môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic.

Đáng nói ở chỗ, toàn bộ kinh phí tập luyện và đi thi đấu SEA Games của đội tuyển Triathlon đều được xã hội hóa từ một số cá nhân và doanh nghiệp. Nhờ đó, ban huấn luyện có nhiều quyền hạn và chủ động hơn. Chúng tôi chủ động mời huấn luyện viên người Singapore tập luyện cho đội tuyển, cấp được kinh phí cho các vận động viên tham gia hai đến ba giải tiền SEA Games để tích lũy kinh nghiệm. Các giải này đều có sự tham gia của các đối thủ trực tiếp tại SEA Games nên đây là cơ hội cọ xát quý giá.

Và rồi khi thông tin về việc các vận động viên phải chờ dài cổ và vạ vật ở sân bay do ban tổ chức nước chủ nhà không sắp xếp đủ xe buýt tràn ngập mặt báo thì ban huấn luyện đội Triathlon đã kịp bố trí xe riêng chở đội ngay khi mới xuống máy bay. Dù chi phí cho việc này không nhiều, nhưng hiệu quả đem lại rất cao, giúp các vận động viên thoải mái tinh thần trước khi thi đấu.

Thứ ba, xã hội hóa thể thao sẽ giúp nhà nước rất nhiều. Ngân sách nhà nước dành cho thể thao hiện được phân chia không đồng đều, nhiều khi các môn Olympic không được chú trọng đầu tư chỉ vì khả năng giành huy chương vàng tại SEA Games không cao. Thành ra câu chuyện "đầu tư trọng điểm" luôn là đề tài muôn thuở.

Công bằng mà nói, việc quản lý ngân sách và đầu tư đúng đắn rất khó, một mình nhà nước sẽ không thể đảm đương nổi tất cả các môn. Nhà nước đã làm rất tốt việc phát hiện tài năng và huấn luyện vận động viên trẻ, nhưng không có đủ điều kiện để phát triển họ về lâu dài khi họ bắt đầu có tuổi. Vì vậy, sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc tạo sân chơi và tiếp tục đầu tư cho các vận động viên trong dài hạn sẽ giúp xây dựng một môi trường thể thao chuyên nghiệp và bền vững.

Trước mắt, chúng ta nên cho phép thành lập liên đoàn trực thuộc Tổng cục Thể thao ở những bộ môn mới, nhất là những môn Olympic như Triathlon. Điều này vừa giúp nhà nước quản lý tốt hơn phong trào, lại vừa giúp các nhà quản lý liên đoàn cử vận động viên đi thi đấu ở những giải cấp khu vực và châu lục nhiều hơn để nâng tầm vận động viên nước nhà.

Cũng tại SEA Games 30 đang diễn ra, tôi gặp lại Clement Chow. Cậu thực tập sinh năm đó đã trở thành chuyên viên kiểm toán và là đại diện Singapore thi môn Triathlon, còn tôi là quản lý của đội Việt Nam. Dù thành tích có thế nào thì sự nghiệp thể thao của Clement vẫn sẽ còn dài vì ít bị ảnh hưởng bởi cơm áo gạo tiền. Tôi hy vọng ngày nào đó thể thao Việt Nam cũng sẽ được như vậy. Và các vận động viên sẽ là người hưởng lợi đầu tiên vì có thể cống hiến hết mình cho tổ quốc mà không phải khổ sở kiếm kế sinh nhai khi đã qua sườn dốc của sự nghiệp.

Phạm Minh Quang.

xa hoi hoa huy chuong Nguyễn Thị Huyền - khi xa con là động lực chiến thắng
xa hoi hoa huy chuong Kình ngư 16 tuổi của Việt Nam phá kỷ lục SEA Games
xa hoi hoa huy chuong U22 Việt Nam trước trận chung kết: Bài học của 10 năm!
xa hoi hoa huy chuong Lần thứ 6 lên ngôi tại SEA Games, tuyển nữ Việt Nam được hứa thưởng hơn 10 tỷ
xa hoi hoa huy chuong Vô địch SEA Games 30, tuyển nữ Việt Nam nhận thưởng lớn
xa hoi hoa huy chuong Tuyết Dung: "Chúc U22 Việt Nam vô địch để bóng đá nam nữ đều vui"

/ vnexpress.net