Vực dậy du lịch ĐBSCL sau COVID-19: Không thể chỉ dựa vào tiềm năng

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi dịch COVID-19 vừa lắng dịu, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chọn ĐBSCL, với tâm điểm là TP.Cần Thơ, làm điểm đầu tiên phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc năm 2020. Với tiềm năng dồi dào và là điểm đến an toàn, du lịch ĐBSCL hoàn toàn có cơ hội bứt phá sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, để có thể vực dậy ngành Du lịch, chỉ tiềm năng thôi vẫn chưa đủ...

vuc day du lich dbscl sau covid 19 khong the chi dua vao tiem nang

Núi Cấm - điểm du lịch nổi tiếng của An Giang. Ảnh: Lục tùng

Đồng loạt kích cầu

Ông Lê Thanh Phong, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho biết: Hiện ngành du lịch khu vực ĐBSCL đã lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp thiết thực nhằm hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VHTTDL phát động và chương trình Kích cầu du lịch nội địa toàn quốc. Đã có hơn 100 doanh nghiệp du lịch ĐBSCL đăng ký tham gia chương trình với mức giá tour, dịch vụ ưu đãi, giảm từ 20%-50% và đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn du lịch. Chương trình kích cầu đang được triển khai khắp các tỉnh, thành ĐBSCL; trong đó, ưu tiên hợp tác, liên kết với TP.Hồ Chí Minh, trung tâm cụm phía Đông, phía Tây (TP.Cần Thơ, Kiên Giang, Phú Quốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang…) làm trọng điểm.

vuc day du lich dbscl sau covid 19 khong the chi dua vao tiem nang
Du khách tham quan và thưởng thức món bún riêu tại chợ nổi Cái Răng sau dịch COVID-19. Ảnh: TRẦN LƯU

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Sở VHTTDL TP.Cần Thơ, dự kiến trong tháng 6 này, tại Cần Thơ sẽ diễn ra “Ngày hội Du lịch” - sự kiện kích cầu chiến lược cho du lịch Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Tại An Giang, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm XTTMĐT An Giang, cho biết: Các doanh nghiệp đã xây dựng đầy đủ từng hạng mục khuyến mãi các dịch vụ dao động từ 20%-50% so giá cũ.

Đồng Tháp cũng ráo riết vào cuộc. Đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình kích cầu du lịch với sự tham dự của Sở VHTTDL cùng đại diện các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Điểm đáng chú ý là tỉnh này đã cho vận hành thử nghiệm Cổng thông tin du lịch thông minh để hỗ trợ thêm công tác truyền thông, quảng bá du lịch.

Ông Đặng Minh Việt - Trưởng chi nhánh Vietnam Airlines tại TP.Cần Thơ - cho biết: Vietnam Airlines đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các công ty lữ hành có uy tín xây dựng sản phẩm tour ưu đãi giảm tối đa 40% giá vé khi đi theo nhóm tối thiểu 6 người. Từ ngày 12.6, Vietnam Airlinekhai thác trở lại tuyến Cần Thơ - Đà Nẵng với tần suất 1 chuyến/ngày. Trong tháng 6, sẽ khai trương nhiều đường bay mới như: Cần Thơ - Hải Phòng, Cần Thơ - Vinh, Cần Thơ - Buôn Ma Thuột, Hải Phòng - Phú Quốc…

Loay hoay với bài toán cũ

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, thời gian từ tháng 6 đến tháng 12.2020 ngành du lịch phải thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch vừa phục hồi thị trường. Theo các hãng lữ hành, yếu tố hàng đầu hiện nay không chỉ là sản phẩm dịch vụ tốt mà là “du lịch an toàn”. Về điểm này, ĐBSCL đang có lợi thế. Và đó cũng chính là lý do Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chọn ĐBSCL là vùng an toàn không dịch, có nhiều tiềm năng du lịch, một vùng rất đẹp để mở đầu cho chương trình kích cầu du lịch nội địa quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng sẵn có, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề đáng quan tâm của du lịch ĐBSCL là các sản phẩm du lịch còn trùng lặp, đơn điệu, không có sự khác biệt, ít có sản phẩm mới, chủ yếu là các sản phẩm du lịch truyền thống, tính hấp dẫn du khách chưa cao.

Theo ông Nguyễn Sơn Hồng, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, du lịch ĐBSCL còn thiếu các chính sách có tính đột phá làm đòn bẩy cho sự phát triển của cả vùng. Đặc biệt, tính liên kết vùng trong phát triển du lịch còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.

Để giải bài toán này, nhiều địa phương đã xây dựng riêng cho mình các sản phẩm du lịch để thu hút khách. Được xem là địa phương mở cửa du lịch sớm nhất sau đại dịch COVID-19, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTTDL Cà Mau cho biết: “Chúng tôi khuyến khích du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, xây dựng mới các tua, tuyến, điểm tham quan… nhưng tất cả phải an toàn”.

Tại Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết: Trong ngắn hạn, Đồng Tháp xem xét đầu tư phát triển thêm các điểm du lịch thế mạnh như: Di tích Xẻo Quýt, Gò Tháp, Gáo Giồng. TP.Cần Thơ cũng đang đầu tư nhiều sản phẩm mới tại du lịch cộng đồng Cồn Sơn; làng du lịch Mỹ Khánh cũng như mở các tuyến du lịch đường sông, đường biển…

Đáng chú ý là ngay sau dịch COVID-19, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đã lên kế hoạch dài hơi với việc tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển các dự án thuộc 4 vùng du lịch trọng điểm: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Hải, U Minh Thượng, trong đó xây dựng đảo Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ du lịch giao thương quốc tế hiện đại, chất lượng cao trong khu vực.

Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhận định: Khi việc mở lại các đường bay còn hạn chế, khả năng du khách sẽ đến ĐBSCL bằng đường bộ, đặc biệt là các phương tiện cá nhân. Vì thế, thị trường khách du lịch nội địa của ĐBSCL có thể chỉ là TP.Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ trở vào. Nhưng, hạ tầng giao thông chính là điểm yếu cố hữu của khu vực này.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Viettravel, chia sẻ: “Tỉ lệ cao tốc ở miền Tây là ít nhất trong cả nước. Nếu tiếp cận lâu như hiện nay, khách không đủ kiên nhẫn”.

Sau COVID-19, các địa phương đã có sự vào cuộc với quyết tâm vực dậy ngành du lịch. Nhưng với những khó khăn cố hữu và chưa có giải pháp thực sự mang tính đột phá, thành công vẫn còn ở phía trước. Ông Trịnh Công Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bạc Liêu, thẳng thắn nhìn nhận: “Kích cầu là một chuyện, còn có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào du khách”.

Tăng trưởng “bằng 0 hoặc âm”

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2019, lượng du khách đến ĐBSCL ước đạt 47 triệu lượt người, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt người; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 30 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 6 nghìn tỉ đồng so với năm 2018. Sang năm 2020, do ảnh hưởng COVID-19, trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng du khách đến ĐBSCL giảm 41,6%, khách lưu trú giảm 50%, tổng doanh thu giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tại TP.Cần Thơ, trong 4 tháng đầu năm, số lượng khách lưu trú giảm 71,5% và doanh thu đã giảm 73,3% so với cùng kỳ. Con số này ở Sóc Trăng giảm gần 27,8%, An Giang giảm gần 70%, các địa phương khác cũng giảm từ 30 - 50%...

Ông Trịnh Công Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bạc Liêu - cho biết, du lịch Bạc Liêu cũng như du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL gặp phải nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp du lịch lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng, tình trạng hủy tour lên đến 60%-80%, cá biệt trong tháng 4 du lịch gần như tê liệt, tăng trưởng “bằng 0 hoặc âm”.

Tăng trưởng “bằng 0 hoặc âm”

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2019, lượng du khách đến ĐBSCL ước đạt 47 triệu lượt người, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt người; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 30 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 6 nghìn tỉ đồng so với năm 2018. Sang năm 2020, do ảnh hưởng COVID-19, trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng du khách đến ĐBSCL giảm 41,6%, khách lưu trú giảm 50%, tổng doanh thu giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tại TP.Cần Thơ, trong 4 tháng đầu năm, số lượng khách lưu trú giảm 71,5% và doanh thu đã giảm 73,3% so với cùng kỳ. Con số này ở Sóc Trăng giảm gần 27,8%, An Giang giảm gần 70%, các địa phương khác cũng giảm từ 30 - 50%...

Ông Trịnh Công Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bạc Liêu - cho biết, du lịch Bạc Liêu cũng như du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL gặp phải nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp du lịch lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng, tình trạng hủy tour lên đến 60%-80%, cá biệt trong tháng 4 du lịch gần như tê liệt, tăng trưởng “bằng 0 hoặc âm”.

NHÓM PV

vuc day du lich dbscl sau covid 19 khong the chi dua vao tiem nang Đối phó với COVID-19: Du lịch ĐBSCL tìm cách níu chân khách bằng sự an tâm

Hàng loạt các lễ hội tháng Giêng bị đình, hoãn. Những điểm đến giảm khách, các cơ sở lưu trú được giám sát chặt. Tâm ...

/ laodong.vn