Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh: Rác ngập, giá vé tham quan lại rục rịch tăng

Trong khi vịnh Hạ Long ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng nhưng lại đề xuất tăng giá vé thăm vịnh. Điều này khiến du khách bức xúc và kiến nghị phải trích từ nguồn thu vé tham quan cho vấn đề bảo vệ môi trường nơi đây...

vinh ha long quang ninh rac ngap gia ve tham quan lai ruc rich tang
Rác thải ngập đường bao biển TP.Hạ Long. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Thu nghìn tỉ, đầu tư nhỏ giọt

Năm 2017, tiền thu vé tham quan vịnh Hạ Long đạt khoảng 1.020 tỉ đồng - tăng gần 300 tỉ đồng so với năm 2016. Tiền thu phí tham quan sẽ tăng mạnh nếu đề xuất tăng giá vé mới đây của Ban Quản lý vịnh Hạ Long được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, mức đầu tư để bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long lâu nay rất nhỏ bé - chỉ khoảng 10 tỉ đồng, tập trung vào việc dọn rác trôi nổi tại một số điểm, tuyến chính trên vịnh Hạ Long.

Theo ông Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long - nếu triển khai dọn rác khắp vịnh Hạ Long phải cần số tiền khổng lồ. Tuy nhiên, dù ở phạm vi nhỏ, nhưng “vừa dọn xong mặt vịnh lại đầy rác”.

Đáng nói, theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hầu hết rác trôi nổi trên mặt vịnh Hạ Long không thể tái chế. Mỗi chiến dịch dọn rác trên vịnh Hạ Long, do tổ chức này thực hiện nhiều năm qua, trong phạm vi nhỏ và trong thời gian ngắn nhưng gom được hàng tấn rác.

Năm 2017, chiến dịch được thực hiện tại khu vực bãi Áng Dù, trong phạm vi 1,7km, nhưng chỉ trong 3,5 giờ, 112 tình nguyện viên vợt được gần 2,5 tấn rác. Trong đó, mảnh xốp chiếm tới 80%; tiếp theo là nhựa cứng và chai nhựa…

Nếu như vấn đề nước thải từ bờ chưa qua xử lý hiện cơ bản đổ thẳng xuống vịnh Hạ Long đang trông đợi hoàn toàn vào dự án xử lý nước thải trị giá khoảng 150 triệu USD - vẫn đang trong quá trình xin vay vốn ODA thì những giải pháp đối với các loại rác, nước thải do các hoạt động trên biển gây ra cơ bản không hiệu quả.

Về lý thuyết, các tàu du lịch đều buộc phải lắp thiết bị xử lý nước thải la canh và phải đem rác, nước thải về bờ xử lý, nhưng các chủ tàu có thực hiện hay không thì không cơ quan nào quản lý được.

Các đợt khảo sát của IUCN cho thấy, có chủ tàu nói đem rác, nước thải về bờ, nhưng cũng có chủ tàu cho biết xả thẳng xuống vịnh Hạ Long.

“77% số chủ tàu được hỏi cho biết thu gom và xử lý nước thải rồi mới xả xuống vịnh. 20% nói đem nước thải vào bờ để xử lý, nhưng qua quan sát và trao đổi với các thuyền trưởng, nước thải được xả thẳng xuống vịnh bởi không có điểm thu gom nước thải tại các cảng tàu du lịch và trên bờ. Cho nên việc các chủ tàu nói đưa nước thải về bờ xử lý rất đáng nghi ngờ. Trong khi chỉ có 3% chủ tàu nói xả thẳng nước thải xuống vịnh không qua xử lý. Thực tế, con số này có thể cao hơn thế” - báo cáo của IUCN cho biết.

Đề xuất mãi, chẳng ai nghe

Ông Jake Bruner - Trưởng nhóm các nước Đông Nam Á và Myanmar, thuộc IUCN - cho biết IUCN đã nhiều lần đề xuất TP.Hạ Long xây dựng một hệ thống xử lý nước thải từ 500 tàu du lịch, bởi nếu không có đầy đủ hạ tầng phục vụ các tàu thuyền thì rất khó đảm bảo rác, nước thải sẽ được đem vào bờ xử lý. Hệ thống này bao gồm một đội các thuyền nhỏ để thu gom nước thải từ các tàu và chuyển về trạm xử lý trên bờ. Theo tính toán, đầu tư hệ thống này cần khoảng 3 triệu USD - không phải là quá lớn so với tổng thu cả nghìn tỉ đồng/năm từ bán vé thăm vịnh và có thể thu hồi vốn trong vòng 5 năm từ thu phí sử dụng dịch vụ của các chủ tàu.

Việc nước thải buộc phải đưa về hệ thống này để xử lý cũng giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được các chủ tàu có đem nước thải về bờ hay xả thẳng xuống vịnh Hạ Long.

Theo IUCN, trung bình mỗi tàu nghỉ thải 11,3kg chất thải rắn, tiêu thụ 6,4m3/đêm và 12,2m3 nước thải sinh hoạt, 1,05m3 nước thải từ dầu máy và động cơ/chuyến…

Theo một chuyên gia môi trường, hoàn toàn có thể tính toán được khối lượng rác, nước thải của mỗi tàu, căn cứ vào số lượng khách, để từ đó xác minh xem đã có bao nhiêu nước, rác thải được xử lý hoặc xả thẳng xuống vịnh.

Trong khi đó, rác thải trôi nổi hiện được giao cho 3 Cty thu gom ở 3 khu vực khác nhau, với phương thức chi trả tính theo khối lượng rác thu gom được, chứ không căn cứ vào việc khu vực được giao có sạch rác hay không. Lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho rằng, nếu hợp đồng dọn sạch rác mới trả tiền thì chi phí cực lớn bởi rác quá nhiều, không chỉ từ bờ, mà còn từ Cát Bà, Cẩm Phả trôi về. “Chỉ một trận mưa, hoặc thủy triều lên kèm gió lớn là lại đầy rác dù vừa mới dọn sạch” - vị này chia sẻ.

Ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Cty CP Cây xanh công viên Quảng Ninh, một trong 3 đơn vị trúng thầu thu gom rác trên vịnh Hạ Long - cho rằng, có mỗi việc vớt rác mà giao cho 3 đơn vị, nên nhiều lúc cứ đổ lỗi cho nhau khi rác từ chỗ nọ trôi sang chỗ kia. “Hơn nữa, hợp đồng thu gom rác chỉ ký năm một, nên không ai dám đầu tư trang thiết bị, máy móc, tàu thuyền hiện đại để đi vớt rác, bởi nếu năm sau không trúng thầu thì ném tiền tỉ xuống biển à?” - ông Tuấn Anh chia sẻ.

Lãnh đạo UBND TP.Hạ Long cho biết, hợp đồng năm một đúng là gây khó cho các đơn vị, nhưng cũng không thể làm khác được bởi luật quy định như vậy.

Những câu chuyện đó và cả những khuyến nghị cảnh báo của UNESCO, IUCN vẫn cứ lặp đi lặp lại nhiều năm nay để rồi bỏ đó, khiến vịnh Hạ Long ngày càng thêm ô nhiễm trầm trọng. Rác trên vịnh đang tỉ lệ thuận với số tiền khổng lồ vịnh kiếm về cho ngân sách!

vinh ha long quang ninh rac ngap gia ve tham quan lai ruc rich tang Truy tìm ‘con tàu ma’ lừa gia đình du khách Tây Ban Nha thăm vịnh Hạ Long

Dù không còn hoạt động trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), nhưng con tàu có tên Paragon Cruise vẫn được rao bán tour công khai qua các ...

vinh ha long quang ninh rac ngap gia ve tham quan lai ruc rich tang Bị lừa tour vịnh Hạ Long, gia đình Tây Ban Nha bất ngờ được \'giải cứu\'

- Thấy gia đình khách nước ngoài ngồi vất vưởng ngoài cửa cảng tàu quốc tế Tuần Châu (Quảng Ninh) vì bị lừa tour, một ...

vinh ha long quang ninh rac ngap gia ve tham quan lai ruc rich tang Thăm vịnh Hạ Long qua hướng Cát Bà: Chỉ là trò lừa bịp!

Vụ tàu du lịch đầy tai tiếng liên quan đến những du khách Úc mới đây tại Cát Bà đã lộ ra một sự thật: ...