Việt Nam gia nhập thỏa ước quốc tế về kiểu dáng công nghiệp

Bên lề Kỳ họp lần thứ 59 của Đại hội đồng WIPO khai mạc sáng 30/9 tại Geneva,Việt Nam đã trao văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay. 

Đại hội đồng WIPO (tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đến từ 191 quốc gia thành viên. Đoàn Việt Nam có Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Geneva chủ trì phiên họp, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh tham dự và phát biểu tại sự kiện. Tại đây Bộ trưởng đã trao văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay (về kiểu dáng công nghiệp) tới Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry.

Với việc gia nhập này, Việt Nam hiện là Thành viên của 3 điều ước về đăng ký quốc tế cho sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp do WIPO quản lý. Việc gia nhập điều ước này là một biện pháp nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đăng ký kiểu dáng ra nước ngoài và tạo thuận lợi hơn nữa cho môi trường kinh doanh của Việt Nam.

viet nam gia nhap thoa uoc quoc te ve kieu dang cong nghiep
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh (giữa) và đại biểu đoàn Việt Nam tại sự kiện. Ảnh: TTTT

Tại kỳ họp này các đại biểu đến từ 191 quốc gia thành viên sẽ thông qua các báo cáo của các Ủy ban về sở hữu trí tuệ và phát triển; quyền tác giả và quyền liên quan; sở hữu trí tuệ và nguồn gene; nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý... Việc cùng nhau thống nhất và thực hiện các quy định về sở hữu trí tuệ sẽ giúp mỗi quốc gia và nền kinh tế khai thác tối đa quyền và trách nhiệm đối với các tài sản trí tuệ.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định nền kinh tế ASEAN vẫn thể hiện xu thế tăng trưởng năng động, dự kiến ở mức 4,9% trong năm 2019, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,3% trong năm 2018, đạt mức 154.7 tỷ USD. Các nền kinh tế hiện nay đang dựa vào các tài sản vô hình, trong đó một số ngành như công nghệ tài chính, chế tạo và kết cấu hạ tầng đang tận dụng các thành quả của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn nhằm thay đổi mô thức kinh doanh. Trong bối cảnh đó, ASEAN đang đẩy mạnh triển khai các sáng kiến về đổi mới sáng tạo để bắt nhịp với cuộc cách mạng này.

"Để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ASEAN đang triển khai kế hoạch hành động về Sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2025 và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống sở hữu trí tuệ ASEAN đang hội nhập sâu với hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới, biểu hiện thông qua việc gia nhập một số điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói và cho biết tại Đại hội đồng lần này, Malaysia sẽ nộp văn kiện gia nhập Nghị định thư Madrid về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu, nâng số thành viên của ASEAN gia nhập điều ước này lên thành 9 thành viên. Campuchia cũng nộp văn kiện gia nhập Công ước Bern và Việt Nam nộp văn kiện gia nhập Thỏa ước La Hay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhiều năm qua Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục tăng, trong đó năm 2018 tăng 3 bậc lên vị trí 42, đứng đầu trong các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Cuộc họp Đại hội đồng WIPO 2019 dự kiến kết thúc ngày 9/10.

viet nam gia nhap thoa uoc quoc te ve kieu dang cong nghiep Hiện thực giấc mơ những "kỳ lân tỷ USD" Việt Nam
viet nam gia nhap thoa uoc quoc te ve kieu dang cong nghiep Bộ Chính trị ra Nghị quyết về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
viet nam gia nhap thoa uoc quoc te ve kieu dang cong nghiep Công nghiệp sản xuất Mỹ lao dốc vì thương chiến
viet nam gia nhap thoa uoc quoc te ve kieu dang cong nghiep Tạo sức bật cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
/ vnexpress.net