Viễn cảnh nào cho thế giới trong năm 2021?

Trước việc ông Trump thất cử trong cuộc bầu cử Mỹ và đại dịch COVID-19 hoành hành trong năm 2020, thế giới mong chờ một viễn cảnh tươi sáng hơn trong năm 2021.

Thông thường, sự kết thúc của một cuộc chiến tranh hoặc sự khởi đầu của một cuộc cách mạng sẽ tạo nên sự chuyển dịch từ chương này sang chương khác. Thế nhưng, năm 2021 được dự báo sẽ là ngoại lệ, không nằm trong quy luật này khi mà khả nang kiểm soát dịch COVID-19 vẫn chưa được khẳng định.

Trong khi đó, mặc dù sự thất bại của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đánh dấu sự kết thúc của một trong những nhiệm kỳ tổng thống gây chia rẽ và tổn hại nhất trong lịch sử Mỹ, thế nhưng vẫn chưa biết chính sách của Mỹ - vốn sẽ định hình quan hệ quốc tế, tới đây dưới thời ông Joe Biden sẽ đi theo chiều hướng nào?

COVID-19 thay đổi mọi thứ

Các chuyên gia cho rằng, đại dịch COVID-19 trong năm 2020 tạo ra cơ hội cho sự tái thiết kinh tế và xã hội. Chính sự xuất hiện của COVID-19 trong năm được xem là lời cảnh báo, khiến thế giới phải “thức tỉnh” để sẵn sàng đón nhận những tác động từ các yếu tố an ninh phi truyền thống mang lại cho xã hội loại người.

Viễn cảnh nào cho thế giới trong năm 2021? - 1
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, mọi người tắm nắng trong các ô chăng dây đảm bảo giãn cách xã hội ở miền Nam nước Pháp. (Ảnh: Getty)

COVID-19 không chỉ gây chấn động nền kinh tế toàn cầu mà còn làm thay đổi quỹ đạo của ba thế lực lớn đang định hình thế giới hiện đại. Theo đó, toàn cầu hóa đã bị rút ngắn, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã được đẩy nhanh hơn và sự cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Đồng thời, đại dịch đã làm trầm trọng thêm một trong những tai họa lớn ngày nay: Bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo. Thất nghiệp gia tăng, danh sách người mất việc làm ngày càng kéo dài do dịch bệnh khiến cho cuộc sống của người dân tại các nước bị dịch bệnh tấn công càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ hai đang trỗi dậy, sự quan tâm hiện nay ở nhiều quốc gia vẫn sẽ tập trung vào việc kiểm soát dịch bệnh. Khi năm 2021 bắt đầu, một loại vaccine sẽ được tung ra thị trường, mặc dù chưa được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, chỉ sau khi vaccine được tung ra thì mới có thể có cái nhìn rõ nét hơn về sự dịch chuyển của dịch bệnh.

Đại dịch đã khiến thế giới chuyển biến sâu sắc, làm cho nhiều thứ đáng lẽ sẽ mất nhiều năm để thay đổi song giờ đây chỉ cần vài tháng để điều đó xảy ra. Trong năm qua, xã hội đã lệ thuộc vào kỹ thuật số nhiều hơn từ việc có nhiều người làm việc từ xa cho đến gia tăng hình thức trao đổi, mua bán trực tuyến. Giờ đây, cách mọi người sống, những gì họ mua và nơi họ làm việc sẽ không còn cố định như trước mà có thể linh hoạt.

Người chiến thắng sau đại dịch này có lẽ là những gã khổng lồ công nghệ, các công ty phát triển mạnh về kỹ thuật số. Đại dịch cho thấy sự lệ thuộc của con người vào đời sống kỹ thuật số ngày càng tăng. Thế nhưng, cần phải khẳng định rằng, chính sự phát triển của công nghệ đã giúp cho cuộc sống của chúng ta thuận tiện và an toàn hơn.

Thay đổi để thích nghi

Trong khi đó, các thành phố lớn sẽ phải tự đổi mới, thích nghi với cuộc sống hiện tại. Năm 2021, dự báo ​​sẽ có nhiều đợt đóng cửa, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và trong các ngành bán lẻ, du lịch và khách sạn trong khi người dân sẽ ít di chuyển, đi lại hơn.

Các quốc gia châu Á kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhất cũng là những quốc gia đóng cửa biên giới nghiêm ngặt nhất. Kinh nghiệm của họ sẽ định hình chính sách của những nước khác. Các hạn chế và kiểm dịch ở biên giới sẽ được áp dụng lâu dài sau khi đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát.

Và ngay cả sau khi du lịch khởi động lại, việc đi lại sẽ vẫn khó khăn hơn nhiều. Điều đó sẽ làm giảm triển vọng của các nước nghèo phụ thuộc vào dòng tiền gửi về từ những người lao động nhập cư ở nước ngoài, phản ánh tác hại mà đại dịch gây ra. Theo dự báo, khoảng 150 triệu người có khả năng rơi vào cảnh nghèo đói vào cuối năm 2021.

Thương mại toàn cầu sẽ được tiến hành trong bối cảnh địa chính trị bất ổn. Chủ nghĩa trọng thương mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cao sẽ không còn, nhưng sự nghi ngờ của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không nhanh chóng chấm dứt sau sự ra đi của “người đàn ông thuế quan” - biệt danh của ông Trump. Thuế quan, hiện đánh vào 2/3 hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ vẫn được duy trì, cũng như các hạn chế đối với các công ty công nghệ của nước này.

Việc chia nhỏ thế giới kỹ thuật số và chuỗi cung ứng toàn cầu thành hai phần, một phần do Trung Quốc thống trị và phần còn lại do Mỹ lãnh đạo, sẽ tiếp tục. Sự đối đầu Trung - Mỹ sẽ không phải là nhân tố duy nhất ảnh hưởng đến toàn cầu hóa. Do phụ thuộc vào nguồn cung cấp y tế nhập khẩu và các hàng hóa quan trọng khác (thường từ Trung Quốc), các chính phủ từ châu Âu đến Á sẽ xác định lại phạm vi “các ngành chiến lược” cần được bảo vệ. Viện trợ của nhà nước để hỗ trợ chính sách công nghiệp mới này đã, đang và sẽ vẫn phổ biến trong thời gian tới.

Tất cả những điều này sẽ khiến nền kinh tế thế giới bị chia rẽ và suy giảm. Khoảng cách giữa sức mạnh ở Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á thời hậu COVID-19 và sự yếu kém ở những nơi khác sẽ vẫn còn. Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng vào năm 2020. Trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng của Bắc Kinh được dự báo sẽ vượt quá 7%, nhanh hơn đáng kể so với tốc độ phục hồi ở châu Âu và châu Mỹ.

Và không giống như các nền kinh tế phương Tây, Trung Quốc được dự báo sẽ nhanh chóng hồi phục kinh tế với sự hỗ trợ từ các chính sách tiền tệ của nhà nước. Sự tăng trưởng tích cực về kinh tế và việc nhanh chóng kiểm soát đại dịch COVID-19 sẽ là tiền đề cho một năm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2021.

Sự tương phản của Trung Quốc với phương Tây sẽ rất rõ ràng. Mỹ sẽ bắt đầu một năm với tốc độ tăng trưởng không ổn định. Các nền kinh tế của châu Âu sẽ còn trì trệ lâu hơn, với những kế hoạch kích cầu mới, trói buộc mọi người vào những công việc không giống như trước đây, trong khi các công ty phải tồn tại dưới sự bảo trợ của nhà nước.

Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, chênh lệch trong xã hội sẽ ngày càng gia tăng do tác động của đại dịch COVID-19. Tình trạng mất việc làm tập trung ở những người ít kỹ năng hơn, trong khi sự gián đoạn giáo dục gây tổn hại nhiều đến triển vọng phát triển cho trẻ em nghèo. Sự giận dữ của công chúng sẽ ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở Mỹ, quốc gia sẽ bước vào năm 2021 với rất nhiều chia rẽ sâu sắc.

Viễn cảnh nào cho thế giới trong năm 2021? - 2
Ông Biden đang được kỳ vọng sẽ dất dắt, thay đổi nước Mỹ trong những năm tới đây.

Định hình trật tự thế giới hậu COVID-19

Với việc phương Tây bị “vùi dập” và Trung Quốc “kêu gào” trước tác động của đại dịch, rất nhiều chuyên gia tuyên bố COVID-19 là “hồi chuông báo tử” cho một trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo. Điều này sẽ được chứng minh sớm. “Chính sách ngoại giao vaccine” mà Trung Quốc đang áp dụng tạo ra sự sợ hãi và hoài nghi nhiều hơn là sự ngưỡng mộ.

Một lần nữa, Mỹ được cho là nước có khả năng dẫn dắt, định hình trật tự thế giới hậu đại dịch. Người gánh trọng trách khẳng định vị thế của Washington là người đàn ông 78 tuổi - Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ông là một chính trị gia ôn hòa, hướng đến việc xây dựng sự đồng thuận và thúc đẩy các giá trị Mỹ.

Trong bối cảnh chính sách của Mỹ dưới thời Trump đặt ra nhiều hoài nghi cho các đồng minh, dường như Biden được xem là người phù hợp nhất để hàn gắn quan hệ Washington với đồng minh. Nền tảng chính sách của ông Biden là vốn kinh nghiệm quý giá khi làm phó cho Tổng thống Barack Obama. Sau khi được tuyên là người thắng cử trong bầu cử Mỹ, ông Biden đưa ra khẩu hiệu “xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn”.

Về chính sách đối ngoại, ông Biden sẽ sửa chữa các mối quan hệ và tái khẳng định các giá trị và vai trò toàn cầu của Mỹ. Là một người kỳ cựu trong lĩnh vực ngoại giao, đồng thời là người theo chủ nghĩa đa phương, ông Biden sẽ nhanh chóng gửi đi những tín hiệu mạnh mẽ: Mỹ sẽ gia nhập lại hiệp định khí hậu Paris, ở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tham gia COVAX - liên minh toàn cầu để phân phối vaccine COVID-19 .

Ông Biden sẽ nhanh chóng đến châu Âu để tái khẳng định cam kết của Mỹ với NATO và liên minh xuyên Đại Tây Dương - mặc dù điểm dừng đầu tiên của anh ấy sẽ là Berlin hoặc Paris, thay vì London của Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ông Biden cũng sẽ khẳng định lại tầm quan trọng của nhân quyền và dân chủ đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng chờ đợi rằng Joe Biden sẽ đưa ra những lời chỉ trích cứng rắn, gay gắt hơn đối với Trung Quốc về cách hành xử của nước này đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và sự áp bức của Bắc Kinh ở Hong Kong.

Tuy nhiên, đối với những vấn đề quan trọng nhất, nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Biden sẽ đưa ra nhiều thay đổi về cách tiếp cận. Mỹ sẽ vẫn lo ngại về mối đe dọa từ một Trung Quốc đang trỗi dậy. Về điều này, chính quyền Trump xứng đáng được ghi nhận vì đã tập trung cho nỗ lực ngăn chặn tham vọng bành trướng, bá quyền của Trung Quốc. Nhưng thay vì tấn công bằng thuế quan đơn phương, nhóm của ông Biden sẽ tập trung vào việc xây dựng một liên minh đa phương để chống lại Trung Quốc.

Dưới thời ông Biden, thế giới mong chờ bước đi mới của Mỹ để xoa dịu các đồng minh châu Âu vốn bị chia rẽ sâu sắc bởi chính quyền Trump. Biden sẽ nỗ lực để kêu gọi các nước châu Âu có chung cách tiếp cận, ngăn chặn ảnh hưởng của các công ty công nghệ Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều người cũng mong chờ một liên minh toàn cầu mới, gắn kết châu Á vào liên minh phương Tây để đối phó với Trung Quốc, có thể là trật tự thế giới mới do Mỹ dẫn dất.

KÔNG ANH

GDP Việt Nam 2020 tăng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới GDP Việt Nam 2020 tăng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới
Vaccine Covid-19 vô tình khoét sâu bất bình đẳng kinh tế toàn cầu Vaccine Covid-19 vô tình khoét sâu bất bình đẳng kinh tế toàn cầu
Ca Covid-19 toàn cầu vượt 80 triệu, thêm nhiều nước ghi nhận biến chủng nCoV từ Anh Ca Covid-19 toàn cầu vượt 80 triệu, thêm nhiều nước ghi nhận biến chủng nCoV từ Anh

/ vtc.vn