Vì sao quân đội Afghanistan dễ dàng bị Taliban đè bẹp?

Sự thất bại của Mỹ trong việc xây dựng và đào tạo một lực lượng chiến đấu độc lập có tính gắn kết ở Afghanistan đã bắt nguồn từ nhiều năm.

Điều này một phần đến từ những đánh giá quá lạc quan của các quan chức Mỹ.

Trong một số trường hợp, họ đã làm ngơ, thậm chí cố tình che giấu bằng chứng về nạn tham nhũng sâu rộng và tinh thần chiến đấu kém cỏi của quân đội Afghanistan. Và cùng với đó là sự xuất hiện của những "binh sĩ ma" - những người không hề làm việc nhưng vẫn ăn lương từ biên chế của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Afghanistan.

Quân đội Afghanistan gặp quá nhiều vấn đề khi các lực lượng phương Tây rút quân
Quân đội Afghanistan gặp quá nhiều vấn đề khi các lực lượng phương Tây rút quân

Theo một số lãnh đạo từng tham gia vào quá trình đào tạo này, kể cả những đơn vị chiến đấu tốt nhất của quân đội Afghanistan cũng không được kỳ vọng sẽ thắng trận trước Taliban nếu không có sự trợ giúp từ trên không của liên quân Mỹ và các đồng minh.

Thất bại của lực lượng chính phủ bắt đầu từ Zaranj khiến Afghanistan rơi vào hỗn loạn, liên tục mất quyền kiểm soát hàng loạt thành phố vào tay Taliban.

Sự chấm dứt hiện diện của các lực lượng Afghanistan tại Zaranj, thủ phủ tỉnh tây nam Nimroz, trung tâm mậu dịch gần biên giới Iran, được một chỉ huy Taliban tuyên bố tuần trước.

Zaranj thất thủ vào 6/8. Đây là thành phố lớn đầu tiên bị Taliban chiếm đóng sau nhiều năm. Sau nhiều tuần chiếm đóng các huyện nông thôn và cô lập Zaranj, Taliban bất ngờ chiếm đóng thành phố khi quân nổi dậy vượt qua các tuyến phòng thủ.

Quân số ít hơn nhưng lực lượng Taliban hiếu chiến và có động lực chiến đấu cao hơn
Quân số ít hơn nhưng lực lượng Taliban hiếu chiến và có động lực chiến đấu cao hơn

Trong vòng vài ngày, nhiều thành phố khác bị chiếm đóng với chiến thuật tương tự, đó là thành phố trọng điểm Kunduz ở phía bắc, cùng căn cứ không quân của nó, hôm 8/8, vài ngày sau là Pul-e-Khumri và Ghazni, những khu vực chiến lược hướng tới thủ đô Kabul. Trong vòng 7 ngày kể từ cuộc tấn công chớp nhoáng của Taliban, dự đoán của chỉ huy phiến quân trên đã đúng, khi hết thành phố này tới thành phố khác của Afghanistan rơi vào tay Taliban.

Trong những ngày qua, hai thành phố lớn thứ 2 và thứ 3 của Afghanistan là Ghazni và Herat đã rơi vào tay Taliban. Không quân Mỹ và Afghanistan, bao gồm máy bay ném bom B-52 của Mỹ, cũng không thể làm chậm bước tiến của Taliban. Ngày 13/8, thủ phủ tỉnh Helmand là Lashkar Gah cũng nằm trong tầm tiến công của Taliban. Các quan chức quốc phòng Mỹ ngày càng hoài nghi về khả năng phòng thủ Kabul của quân đội Afghanistan và Washington đã chuẩn bị cho kế hoạch Taliban tiến sát cửa ngõ thủ đô.

Sự kết hợp của việc các lượng lượng phương Tây rút quân cùng sai sót nghiêm trọng của chính phủ Afghanistan và các lãnh đạo quân sự, đã dẫn tới thảm họa.

Sai lầm nghiêm trọng nhất là quân đội Afghanistan quyết định không tranh giành vùng nông thôn khi các lực lượng nước ngoài rút quân, mà tập trung vào bảo vệ thành phố. Sai lầm này cho phép Taliban cô lập và bao vây các tỉnh lỵ, cắt đứt đường dây liên lạc, cuối cùng là bóp nghẹt Kabul.

Lầu Năm Góc vẫn tin tưởng khả năng phòng thủ của Kabul, bất chấp việc Mỹ đã gửi 3.000 lính đến đây để giúp sơ tán các nhân viên ngoại giao. Những người này được chỉ định tiêu hủy các tài liệu nhạy cảm trước khi rời đi.

Một chỉ huy quân đội Mỹ ở Afghanistan từng tuyên bố cách đây một thập kỷ rằng lực lượng vũ trang nước này "chiến đấu bằng kỹ năng và lòng dũng cảm".

Người kế nhiệm ông năm 2015 nhận định quân đội Afghanistan "ngày càng chứng tỏ được năng lực của họ". Gần đây nhất, vào tháng trước, người phát ngôn Lầu Năm Góc khẳng định quân đội Afghanistan "biết cách bảo vệ đất nước của họ".

Quân đội Afghanistan không có sức mạnh và sự đoàn kết như báo cáo của Mỹ
Quân đội Afghanistan không có sức mạnh và sự đoàn kết như báo cáo của Mỹ

Nhưng các số liệu về năng lực chiến đấu của quân đội chính phủ Afghanistan thường không được công bố, đơn giản vì đây được coi là thông tin mật.

Những dấu hiệu trong nhiều năm cho thấy các đánh giá lạc quan của quân đội Mỹ không phản ánh thực tế trên chiến trường.

Trong bất cứ quân đội nào, các đơn vị bộ binh luôn phải đối mặt với tỷ lệ mất người cao. Nhưng điều này khá đặc thù ở Afghanistan, khi các binh sĩ từ bỏ vị trí của họ với nhiều lý do, từ việc phải về nhà thu hoạch mùa vụ cho đến bị thương và đào ngũ. Tỷ lệ hao mòn cao dẫn tới sự thiếu gắn kết trong hàng ngũ.

Thêm vào đó, khả năng sát thương cao của Taliban trong những năm gần đây khiến cho tổn thất của quân đội Afghanistan tăng lên nhanh chóng. Quy mô nhỏ hơn, với khoảng 60.000 tay súng nòng cốt và trang bị vũ khí thô sơ hơn, nhưng Taliban đã lôi kéo được các tay súng dựa vào tôn giáo và quan hệ văn hóa. Còn các lực lượng an ninh Afghanistan phân hóa hơn, động lực chiến đấu yếu hơn, chưa kể tới yếu tố lương bổng.

Theo ông Michael O'Hanlon, chuyên gia quân sự của Viện Brookings, mỗi năm quân đội Afghanistan phải đối mặt với tỷ lệ hao mòn lên tới 20%.

Trong khi đó, Không quân Afghanistan mặc dù được Mỹ đào tạo, nhưng chỉ có trong tay một số ít máy bay chiến đấu cũng như các trực thăng đã cũ. Không quân Afghanistan cũng phải vật lộn để ứng phó với nhiều cuộc đụng độ lẻ tẻ diễn ra trên khắp lãnh thổ rộng lớn của quốc gia này.

Sự yếu kém của Không quân khiến cho Bộ binh Afghanistan chọn việc rút lui thay vì cố thủ, theo một quan chỉ huy cấp cao của quân đội Mỹ từng tham chiến ở quốc gia này.

Một số chuyên gia cũng cho rằng vấn đề của quân đội Afghanistan mang tính hệ thống, với nạn tham nhũng thấm sâu trong hàng ngũ, cũng như "độ chính xác kém của dữ liệu thực tế về sức mạnh của lực lượng". Thêm vào đó, không có cách nào để đánh giá những yếu tố vô hình như "ý chí chiến đấu".

Báo cáo của thanh tra độc lập cho thấy việc xuất hiện nhiều hồ sơ nhân sự giả mà các đối tượng tham nhũng sử dụng để bỏ tiền túi. Việc này diễn ra trong cả quân đội và cảnh sát Afghanistan.

Phóng viên (t/h)

https://nghenghiepcuocsong.vn/vi-sao-quan-doi-afghanistan-de-dang-bi-taliban-de-bep/?fbclid=IwAR2V3usDRtCfDRPVNdzm4oO83rCuPIdb-xMcaOSPAndfgMh-2Mb1PUD1Q3s

Taliban chiếm "thành trì" cuối cùng ở bắc Afghanistan, tiếp cận Kabul Taliban chiếm "thành trì" cuối cùng ở bắc Afghanistan, tiếp cận Kabul
Taliban tiến sát Kabul, Mỹ bắt đầu triển khai 3.000 quân tới Afghanistan Taliban tiến sát Kabul, Mỹ bắt đầu triển khai 3.000 quân tới Afghanistan
Liên hợp quốc kêu gọi Taliban ngừng các cuộc tấn công ở Afghanistan Liên hợp quốc kêu gọi Taliban ngừng các cuộc tấn công ở Afghanistan
Bài toán khó với ông Biden khi Taliban trỗi dậy mạnh mẽ tại Afghanistan Bài toán khó với ông Biden khi Taliban trỗi dậy mạnh mẽ tại Afghanistan

/ Nghề nghiệp & Cuộc sống