Vì sao khó xử lý người bán giả “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh?

Người dân khắp nơi tìm về các huyện lỵ xa xôi, sát chân Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam, Kon Tum để hy vọng mua được sâm Ngọc Linh (sâm K5) thật. Nhưng, mua được sâm thật hiện khó như “mò kim đáy bể”, bởi sâm giả bày bán tràn lan. Trong khi đó, cơ quan chức năng chưa có chế tài và khó tìm ra căn cứ pháp lý để xử lý nghiêm minh vấn nạn này.   

vi sao kho xu ly nguoi ban gia quoc bao sam ngoc linh

Khó phân biệt được đâu là củ tam thất quang hay sâm quý Ngọc Linh. Ảnh: TT

Nhức nhối nạn sâm giả

Sâm Ngọc Linh phân bổ ở vùng núi cao thuộc các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, được Chính phủ công nhận là sản phẩm Quốc gia. Ngoài giá trị bổ dưỡng cao, sâm Ngọc Linh (sâm K5) còn có giá trị chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ như thần dược. Các huyện như Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum là những nơi được mệnh danh là thủ phủ sâm Ngọc Linh. Dọc đường đi về các huyện này, dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều người dân bày bán bên vệ đường, bên chợ những sản vật của rừng, trong có cả sâm Ngọc Linh.

Chị Chung Thị Loan - một tiểu thương ở xã Măng Cành, huyện Kon Plông - cho biết, không ai dám đảm bảo người dân bán đúng loại sâm quý. Nơi này, có loại củ tam thất quang, tam thất vũ điệp có hình dáng bên ngoài nhìn rất giống sâm Ngọc Linh. Nhiều đại gia, doanh nhân có tiền đến lùng mua phải củ tam thất mang về nhà ngâm mật ong uống, không tránh khỏi “tiền mất tật mang”.

Trên mạng xã hội Facebook, Zalo… cũng xôn xao cảnh người mua kẻ bán sâm Ngọc Linh. Chủ gian hàng đảm bảo 100% sâm thật, thu mua từ người dân tộc thiểu số. Họ rao bán 1kg sâm Ngọc Linh chỉ với giá khoảng từ 50-70 triệu đồng, giao hàng đến tận nơi trên toàn quốc. Nếu mua trên 7kg thì sẽ được khuyến mại 0,5kg sâm và một lít mật ong rừng nguyên chất.

Theo tìm hiểu, một số đầu nậu thu gom loại củ tam thất ở một số tỉnh phía bắc vào, sau đó phân phối lại cho các tiểu thương mang bán. Khi có khách tới hỏi, tiểu thương đều nói nhờ mối quen là dân đi rừng hoặc người dân tộc thiểu số tìm được mang về bán. Sâm được “chà xát” với lớp bùn đất bản địa để nhìn có vẻ giống sâm thật mới đào từ trên núi về.

Anh Nguyễn Long - người dân ở TP.Pleiku, Gia Lai - cho biết, khi mẹ anh ốm nặng, anh đặt mua nửa ký sâm Ngọc Linh từ đại lý trên mạng với giá 40 triệu đồng. Khi đưa về uống thì không có mùi vị gì, gọi điện phản ánh với chủ hàng thì bấm máy bận hoặc khóa máy. Biết bị lừa, anh Long lên mạng cảnh báo cho bạn bè và người thân biết.

Hiện tại, sâm Ngọc Linh thật được bán với giá khá cao, tùy từng loại. Loại củ nhỏ, thấp nhất là gần 10 triệu đồng/100g, 100 triệu đồng/ký. Loại sâm có giá cao nhất là 35 triệu đồng/100g, đây là những củ sâm lớn có tuổi đời phải trên 15 năm tuổi, được trồng dưới lớp thảm mục cây đại thụ nghìn năm nằm dưới chân núi Ngọc Linh.

Người bán sâm giả lách luật thế nào?

Ông Nguyễn Như Nhất - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum - cho biết, từ khi sâm Ngọc Linh được Chính phủ công nhận là sản phẩm Quốc gia, là hồn cốt, tinh túy, báu vật của đại ngàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác nhận việc bảo tồn, phát triển sâm là nhiệm vụ kinh tế - xã hội quan trọng. Cũng từ khi sâm Ngọc Linh nổi tiếng là một trong những loại sâm quý nhất trên thế giới, Ban chỉ đạo 389 tỉnh tiếp nhận nhiều thông tin về tình hình nạn mua bán sâm giả.

Có hàng trăm cuộc gọi điện báo về Cục Quản lý thị trường phản ánh cửa hàng, đối tượng rao bán sâm giả. Đơn vị cho người mặc thường phục, giả làm khách hàng đến hỏi mua. Nhưng như có tin báo từ trước, chủ cửa hàng đóng cửa không tiếp hoặc khai báo gian dối việc tàng trữ sâm là được tặng cho, mua lại, chứ không có chuyện mang sâm đi bán buôn, bán lẻ.

“Có trường hợp, cán bộ Quản lý thị trường xác định có giấy tờ giao dịch giữa bên mua và bên bán, tịch thu hàng chục ký sâm. Nhưng vấn đề mấu chốt là không căn cứ nào để xác định được sâm giả vì cán bộ chỉ “thẩm định” bằng mắt thường. Nếu biết rõ thì phải mang sâm đi xét nghiệm, phân tích thành phần các hoạt chất ở trong đó. Cả một lô hàng hàng chục kg thì không thể xét nghiệm 1 củ sâm mà phải hàng loạt củ mới kết luận được.

Trong khi thời gian chờ xét nghiệm các chỉ số, hoạt chất trong sâm nhanh nhất là một tháng và tốn kém kinh phí, trên 20 triệu đồng/lần/củ. Thực tế chưa có quy định cụ thể là cơ quan nào sẽ chi trả số tiền xét nghiệm đó. Bởi vậy, ở các vụ việc rất khó để có căn cứ để xác định các đối tượng mua bán sâm giả” - ông Nguyễn Như Nhất nói.

Không chỉ sâm củ Ngọc Linh mà các loại khác như hồng đẳng sâm (sâm giây), sâm đá Ngọc Linh cũng bị đánh tráo hàng giả. Năm 2018, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum phát hiện vụ việc điển hình khi kiểm tra xe ôtô tải chở hàng chục tấn cốm sâm, rượu sâm giả được sản xuất tại Lào Cai. Tuy vậy, trên nhãn mãn lại ghi xuất xứ tại Ngọc Linh, Kon Tum. Cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy lô hàng trị giá hơn 300 triệu đồng, xử phạt chủ lô hàng hơn 90 triệu đồng.

Ông Trần Việt Cường - Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch, Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum - cho biết, hiện nay trên địa bàn chỉ có 2 công ty là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum được UBND tỉnh cho phép trồng, nhân giống chuẩn sâm Ngọc Linh hơn chục năm nay. Sâm phải trồng dưới thảm thực vật với độ cao trên 1.500 mét so với mực nước biển.

Theo ông Cường, mặc dù biết nhiều nơi người dân trồng trong vườn loại củ tam thất để giả sâm mang bán nhưng cơ quan chức năng không xử lý được. Chỉ có đi vận động, tuyên truyền người dân mua bán sâm giả là vi phạm đạo đức, pháp luật.

“Việc mua bán sâm củ giữa người dân là tự nguyện giao dịch với nhau. Có khách hàng khi mua sâm về dùng mới biết là sâm giả, liền quay lại trình báo. Tuy nhiên, đối tượng bán lại không thừa nhận mình bán củ sâm đó và cũng không có giấy tờ, không có ai chứng kiến việc mua bán sâm nên khó có cơ sở để xử lý. Dù biết hành vi của họ là dùng thủ đoạn gian dối nhằm mục đích kiếm lợi bất chính và có ý đồ lừa đảo”, ông Trần Việt Cường chia sẻ.

THANH TUẤN

vi sao kho xu ly nguoi ban gia quoc bao sam ngoc linh Hòa thượng Thích Huệ Đăng tặng sâm Ngọc Linh tại các bệnh viện

Vừa qua, Hòa thượng Thích Huệ Đăng cùng các học trò đã đến trao tặng sâm Ngọc Linh cho cán bộ và bệnh nhân tiều ...

vi sao kho xu ly nguoi ban gia quoc bao sam ngoc linh Chợ sâm Ngọc Linh thu gần 3,5 tỷ đồng khi bán 40kg sâm củ

Phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 26 ở Quảng nam bán ra khoảng 40kg sâm củ và thu về gần 3,5 tỷ đồng.

vi sao kho xu ly nguoi ban gia quoc bao sam ngoc linh Là dược liệu quý, nhưng phát triển sâm Ngọc Linh ở Kon Tum vẫn gặp khó

Với giá trị kinh tế cao và là dược liệu quý nhưng để phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Kon Tum luôn là một ...

/ laodong.vn