Vì sao các nước rục rịch coi COVID-19 là bệnh đặc hữu... như cúm?

Các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới đều nhận định ít có khả năng COVID-19 biến mất hoàn toàn và các chính phủ cần cân nhắc sớm coi đây là một loại bệnh đặc hữu như cúm, bởi con người đã có được hiểu biết nhất định và công cụ hữu hiệu chống lại dịch bệnh.

Thái Lan "đi trước" WHO

Trong bước đi được mô tả là nhằm tìm kiếm cách thức ứng phó linh hoạt hơn với dịch bệnh nhằm sớm "hồi sinh" nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch, Thái Lan ngày 27/1 cho hay nước này có thể sớm tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu theo một bộ tiêu chí riêng và không cần chờ hướng dẫn hay quyết định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thế giới rục rịch coi COVID-19 là bệnh đặc hữu -0

Các bạn trẻ xếp hàng chờ tham dự một sự kiện âm nhạc ở Pattaya, Thái Lan. Ảnh: Getty Images

Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiattiphum Wongrajit tiết lộ, kế hoạch này được đưa ra sau một cuộc họp của Ủy ban chống bệnh truyền nhiễm quốc gia.

Ông Kiattiphum khẳng định, các tiêu chí thực hiện kế hoạch trên có thể gồm việc nước này không ghi nhận nhiều hơn 10.000 ca mắc mới/ngày, tỷ lệ tử vong thấp hơn 0,1% và hơn 80% số người có nguy cơ mắc bệnh được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine.

Ông Kiattiphum nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Y tế Thái Lan là COVID-19 đã lây lan trong hơn hai năm qua. Các xu hướng cho thấy dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát và hiện không quá nghiêm trọng, nhất là với người đã tiêm đủ vaccine.

"COVID-19 có thể lây lan nhưng hiện không nghiêm trọng. Tỉ lệ tử vong có thể chấp nhận được. Các đợt bùng phát dịch vẫn có thể xảy ra, nhưng quan trọng là người dân có khả năng miễn dịch. Họ cần được tiêm phòng, còn chúng ta cần một mạng lưới điều trị hiệu quả.

"Sau khi các tiêu chí này được đáp ứng một thời gian, COVID-19 có thể được công bố là bệnh đặc hữu ở Thái Lan", ông Kiattiphum nói.

Thế giới rục rịch coi COVID-19 là bệnh đặc hữu -0

Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ chủng ngừa COVID-19 khá cao. Ảnh: ITN

Theo ông Kiattiphum, giới chức y tế Thái Lan sẽ nỗ lực hành động để đẩy nhanh quá trình tiến tới tuyên bố trên thay vì chờ đợi căn bệnh này tự nhiên trở thành bệnh đặc hữu, bởi như vậy có thể tốn nhiều thời gian hơn.

Thái Lan hiện đã tiêm từ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 trở lên cho gần 70% dân số, theo Our World in Data. Trong số này, khoảng 17% dân số đã được tiêm mũi ba. Tại một số địa phương mũi nhọn của ngành du lịch Thái Lan, lực lượng y tế đã bắt đầu triển khai tiêm mũi thứ tư.

Ngay khi có quyết định cuối cùng, các bệnh viện của Thái Lan sẽ chuyển sang điều trị bệnh nhân theo nhu cầu cá nhân và có thể yêu cầu tất cả mọi người hoặc chỉ riêng bệnh nhân đeo khẩu trang. Ủy ban Bệnh truyền nhiễm quốc gia Thái Lan hiện yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Nhiều nước rục rịch coi COVID-19 như cúm

Xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc năm 2019, COVID-19 đến nay đã cướp đi hơn 5,6 triệu sinh mạng trong tổng số gần 367 triệu ca nhiễm trên toàn cầu, trở thành dịch bệnh chết chóc nhất mà loài người đối mặt trong hàng chục năm qua.

Trong 2 năm, virus SARS-CoV-2 đã biến đổi với sự xuất hiện của nhiều biến chủng nguy hiểm mới. Tuy nhiên, cũng chừng đó thời gian, các chính phủ, nhà khoa học trên toàn cầu đã nỗ lực tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả, phát triểu nhiều mẫu vaccine hay các loại thuốc giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ nhập viện hoặc tử vong của người bệnh.

Thế giới rục rịch coi COVID-19 là bệnh đặc hữu -0

Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez cho rằng COVID-19 cần được ứng xử như những loại virus khác. Ảnh: Getty Images

WHO cũng như các chuyên gia y tế toàn cầu gần đây nhận định, COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, nhưng có thể sớm trở thành một loại bệnh đặc hữu như cúm hoặc sởi, có nghĩa là tỷ lệ người dân có kháng thể cao nhờ được tiêm chủng hoặc do đã nhiễm bệnh, số ca mắc mới tăng ở mức thấp ổn định và tỷ lệ người gặp biến chứng nặng giảm.

Các chính phủ khi đó có khả năng đảm bảo nguồn vaccine, phương pháp điều trị và thuốc men, nhưng không cần huy động quá nhiều nguồn lực để ứng phó như tình trạng khẩn cấp và không cần ban bố các biện pháp hạn chế khắt khe.

WHO đặt kì vọng 2022 là năm mà con người kết thúc giai đoạn cấp tính của dịch COVID-19. Để thực hiện mục tiêu đó, WHO nỗ lực vận động các nước giải quyết tình trạng bất công bằng vaccine, hướng tới chủng ngừa COVID-19 khoảng 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.

Tuy nhiên, thay vì chờ đợi thụ động vào WHO, tại các khu vực có dân chúng tiêm chủng đạt tỉ lệ cao, giới chính khách và một số chuyên gia y tế công cộng đang thúc đẩy cách tiếp cận mới đối với COVID-19: Xem căn bệnh này là một phần của cuộc sống.

Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sánchez cách đây hơn 2 tuần tuyên bố người dân sẽ "phải học cách sống chung với dịch bệnh, giống như cách chúng ta làm với nhiều loại virus khác", đồng thời nhấn mạnh rằng đất nước sẽ sớm điều chỉnh cách tiếp cận với COVID-19.

Thế giới rục rịch coi COVID-19 là bệnh đặc hữu -0

Sẽ đến lúc người dân có thể ra ngoài mà không cần đeo khẩu trang thường xuyên. Ảnh: Getty Images

Giới chức quốc gia châu Âu này đang cân nhắc dừng ứng phó với COVID-19 như một cuộc khủng hoảng, mà tiếp cận nó giống như bệnh cúm hoặc bệnh sởi, tức chấp nhận nguy cơ xuất hiện những đợt bùng phát, nhưng bố trí nguồn lực y tế để chăm sóc người bệnh, theo AP.

Tiến sĩ Salvador Trenche, người đứng đầu Hiệp hội Y học Cộng đồng và Gia đình Tây Ban Nha, kêu gọi ứng xử với COVID-19 như những loại bệnh tật khác. Theo ông, khi hệ thống y tế quá tập trung vào xử lý COVID-19 sẽ khiến việc điều trị những căn bệnh khác bị đình trệ, gây ra những ảnh hưởng không đáng có với nhiều người.

Trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan nhanh ở châu Âu, nhưng những dữ liệu thực tế cho thấy nó ít gây tình trạng bệnh nặng và tử vong, Thủ tướng Sánchez đang nỗ lực tìm kiếm cách tiếp cận tương tự của các thành viên còn lại trong Liên minh châu Âu (EU).

Cùng lúc đó, Anh cũng đã cải tiến chiến lược đối phó với COVID-19 ngay từ những ngày đầu năm 2022. Các thay đổi bao gồm thời gian cách ly ngắn hơn và loại bỏ quy định xét nghiệm cho những du khách tới Anh. Nguyên nhân chủ yếu là do chủng Omicron đã lan rộng ở Anh nên việc xét nghiệm cũng không khiến tốc độ lây lan giảm là bao.

Thế giới rục rịch coi COVID-19 là bệnh đặc hữu -0

Số ca nhiễm mới gia tăng nhanh, nhưng số ca tử vong vì COVID-19 tại các vùng thuộc Vương quốc Anh thấp hơn nhiều so với đợt đỉnh dịch hồi tháng 3 và tháng 11/2020. Ảnh: Our World in Data

"Không thể áp dụng tình trạng khẩn cấp mãi", Graham Medley, giáo sư về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London, nói, đồng thời lưu ý rằng đại dịch có thể kết thúc theo từng giai đoạn. Hiện tại, nhiều người bắt đầu sử dụng thuật ngữ "mùa COVID-19", ám chỉ khoảng thời gian virus bùng phát mạnh vào mùa Đông.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm đầu tuần thì khẳng định: Mọi người "phải học cách chung sống với COVID giống như cách chúng ta chung sống với bệnh cúm".

Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết số ca nhiễm lớn và tỉ lệ phủ vaccine cao trong nước cũng đồng nghĩa đợt dịch hiện tại có thể là đợt dịch nghiêm trọng cuối cùng.

Thế giới rục rịch coi COVID-19 là bệnh đặc hữu -0

Tiêm chủng đầy đủ là cách thức tốt nhất giúp tạo kháng thể chống lại COVID-19. Ảnh: Getty Images

Ông Christian Drosten, nhà virus học nổi tiếng của Đức, đánh giá rất có thể cuối cùng Đức sẽ phải chuyển sang xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. "Chúng ta không nên mở toang cánh cổng. Nhưng ở một số nơi, chúng ta phải hé một chút cho virus", ông nói.

Đan Mạch, một quốc gia EU khác, mới đây quyết định sẽ dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng dịch vào tuần tới và xem COVID-19 là căn bệnh không còn gây ra mối đe dọa cho xã hội, ngay cả khi ca mắc mới đang ở mức cao. "Đại dịch chưa qua nhưng chúng tôi tin rằng đã qua giai đoạn nguy cấp", Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói.

Theo tờ National Post, Nam Phi, nơi Omicron lần đầu được ghi nhận, chuyên gia dịch tễ Shabir Madhi nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng chúng ta đã đi đến điểm ngoặt của đại dịch. Những gì chúng ta cần làm là học cách sống chung với virus và quay lại với một xã hội bình thường nhất có thể".

Tại Canada, chính quyền British Columbia thông báo họ đã ngừng truy vết ca nhiễm và kêu gọi những ai có triệu chứng nhiễm COVID-19 chỉ phải ở nhà đến khi cảm thấy khoẻ lại.

Số ca mắc Covid-19 tại Hàn Quốc cao kỷ lục Số ca mắc Covid-19 tại Hàn Quốc cao kỷ lục

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), ngày 28/1, Hàn Quốc ghi nhận kỷ lục 16.096 ca mắc Covid-19, ...

Dòng chủng phụ Omicron dễ lây lan Dòng chủng phụ Omicron dễ lây lan

Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho biết, dù chưa có bằng chứng cho thấy dòng chủng phụ Omicron gây bệnh nặng hơn ...

/ cand.com.vn