Vết sẹo chưa lành ở Vũ Hán

Gần một năm trôi qua, gia đình Koh vẫn nhớ rất rõ nỗi hoang mang và hoài nghi của họ khi nghe tin Vũ Hán sẽ bị phong tỏa.

Thông báo phong tỏa được đưa ra rạng sáng 23/1, trong bối cảnh giới chức Vũ Hán đang nỗ lực kiểm soát một dịch bệnh lạ đang bùng phát mạnh mẽ tại thành phố 11 triệu dân. Dịch bệnh giống như viêm phổi này nhiều tuần sau được đặt tên chính thức là Covid-19.

"Suy nghĩ đầu tiên của tôi là sao điều này có thể xảy ra? Bạn phong tỏa cả một thành phố bằng cách nào cơ chứ?", Joshua Koh chia sẻ với Channel News Asia tại nhà riêng của anh ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. "Nhiều câu hỏi bật lên như chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Liệu những người khác có an toàn không?".

4740 swuhan emotional toll 5 6349 1609129113
Người dân tham quan triển lãm do chính quyền Vũ Hán tổ chức về cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: CNA.

Koh và vợ, Kay Lin Lee, cho hay họ biết nhiều người đã chủ động rời khỏi Vũ Hán ngay sau khi thông báo phong tỏa được đưa ra vào 2h sáng, trước thời điểm lệnh có hiệu lực.

Đôi vợ chồng Singapore với 4 người con trai, tuổi từ 4 đến 17 tuổi, đã coi Vũ Hán là nhà suốt 7 năm qua.

"Câu hỏi hiện lên trong đầu chúng tôi là: Làm thế nào để kiếm đồ ăn? Làm thế nào để lấy nước? Chúng ta sẽ được chăm sóc y tế ra sao nếu bị ốm", Lee nói.

Gia đình 6 người phải đưa ra lựa chọn khó khăn: Ở lại Vũ Hán hay quay trở về Singapore trên một chuyến bay sơ tán công dân.

Koh cho hay họ ban đầu quyết định ở lại nhằm đảm bảo công việc của mình tại một trường quốc tế trong thành phố không bị ảnh hưởng. Nhưng khi tình trạng phong tỏa tiếp tục kéo dài, họ đã xin lên chuyến bay sơ tán thứ hai trở về Singapore vào tháng hai.

"Thật sự là một khoảnh khắc đau lòng khi bạn quyết định rời đi và biết rằng không phải ai cũng rời đi giống mình. Một số người bị bỏ lại và quan trọng hơn, các nhân viên Trung Quốc tại ngôi trường của chúng tôi không thể đi đâu cả", Koh chia sẻ. "Cảm giác chúng tôi đã bỏ rơi họ đến giờ vẫn còn. Nó rất chân thực và giống như tra tấn vậy. Tôi nghĩ nó đã để lại vết sẹo trong tôi".

Lee cho biết gia đình cô không muốn tạo thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá tải của Vũ Hán lúc bấy giờ nếu họ không may mắc bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến họ quyết định trở về Singapore.

Hai người vẫn nhớ những cuộc nói chuyện với các nhân viên người Trung Quốc của trường mà họ rất thân thiết.

"Hay trở về đi. Các bạn có 4 đứa con, các bạn phải chăm sóc chúng. Chúng tôi ổn mà. Các bạn sẽ an toàn hơn nếu trở về nhà", Koh nhớ lại những lời mà đồng nghiệp nói với mình trước khi ra quyết định.

Chuyến về nhà họ nghĩ chỉ khoảng một tháng cuối cùng bị kéo dài 8 tháng. Tuy nhiên, thời gian ở Singapore không phải là kỳ nghỉ vì họ vẫn làm việc từ xa. Gia đình cũng tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, phân phát nước rửa tay và nhu yếu phẩm cho những lao động nước ngoài.

4739 swuhan emotional toll 2 4071 1609129114
Gia đình Koh tại nhà riêng ở Vũ Hán. Ảnh: CNA.

Tháng 10, gia đình Koh trở lại Vũ Hán. "Cuộc sống đã về trạng thái bình thường. Nhưng bạn biết đấy, có điều gì đó không đúng lắm bởi bạn có thể cảm thấy nhiều thứ đã thay đổi", Koh nói, chỉ vào dòng người đeo khẩu trang đang đi lại trên phố và những cửa hàng kinh doanh đã phải đóng cửa trong thời gian họ rời Vũ Hán.

Giờ đây, họ cố tránh những nơi đông đúc như trung tâm thương mại vào dịp cuối tuần và dành nhiều thời gian hơn ở nhà hay các không gian mở như công viên.

Với Mdm Jin (không phải tên thật), 42 tuổi, 2020 là năm đáng quên của cô. Là một người gốc Vũ Hán, Jin nhiễm Covid-19 hồi tháng một sau khi trở về quê ở tỉnh Hà Nam lân cận.

Triệu chứng của Jin khá nhẹ nhưng cô lo lắng nhất là mình có thể lây bệnh cho con trai và cha mẹ già mà không hay biết.

"Lúc đó, tôi cảm thấy rất suy sụp nhưng sau đó tôi nghĩ rằng mình sẽ không dễ chết như vậy, dù tôi đã chuẩn bị cho điều đó", Jin nói. "Miễn là con trai và cha mẹ tôi ổn, không còn điều gì khác quan trọng hơn".

Nỗi lo lắng của Jin cuối cùng không trở thành hiện thực, nhưng cô không ngờ rằng mình vẫn tiếp tục phải đối mặt thách thức sau khi đã xuất viện.

Jin phải chịu sự ghẻ lạnh của hàng xóm và thậm chí cả người thân ở Hà Nam, đến mức cô không thể trở về nhà. Cô buộc phải thuê khách sạn để lưu trú khi về quê.

"Cha mẹ tôi đã cầu xin họ cho tôi trở về, họ muốn tôi về", Jin chia sẻ. "Ông bà nói rằng: Con gái tôi đã khỏe, nó đã được bệnh viện xác nhận khỏi bệnh, tại sao mọi người không để nó về nhà".

Giờ đây, gần một năm trôi qua, Jin trở lại Vũ Hán, nơi cô tiếp tục làm việc.

Jin vẫn phải chịu những vấn đề sức khỏe dai dẳng, như thường xuyên mất hết sức lực. Tuy nhiên, theo cô, những vết thương về tinh thần mới khó vượt qua hơn.

Jin không chắc có trở về quê vào dịp Tết Nguyên đán năm nay không. Jin lo nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, cô sẽ bị nhiễm virus một lần nữa. "Tôi cố quên đi mọi chuyện nhưng không thể", cô cho hay.

Mới đây nhất, Jin muốn mua bảo hiểm, nhưng bị từ chối đơn chỉ vì cô từng nhiễm Covid-19. Sự cố này một lần nữa khiến Jin cảm thấy đau lòng. "Đó là lúc tôi nhận ra rằng Covid-19 tác động tới chúng tôi lớn như thế nào", cô nói.

Vũ Hoàng (Theo Channel News Asia)

Chợ hải sản Vũ Hán hoang vắng sau một năm đại dịch Chợ hải sản Vũ Hán hoang vắng sau một năm đại dịch
Nỗ lực thay đổi câu chuyện Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán Nỗ lực thay đổi câu chuyện Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán
Trung Quốc nói Trung Quốc nói "nCoV có mặt nhiều nước trước khi đến Vũ Hán"
/ vnexpress.net