Twitter trở thành 'mặt trận ngoại giao' mới của Trung Quốc

Ngày càng nhiều quan chức ngoại giao Trung Quốc sử dụng Twitter để giới thiệu chính sách đối ngoại của Bắc Kinh ra cộng đồng quốc tế.

twitter tro thanh mat tran ngoai giao moi cua trung quoc

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải. Ảnh: Reuters.

Phó đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Zhao Lijian hồi đầu tuần đăng một bài viết lên Twitter với nội dung "nếu bạn là người sống ở thủ đô Washington, bạn sẽ biết người da trắng không bao giờ tới một khu vực nhất định vì đó là nơi của người da đen và Latin".

Bài đăng của ông Zhao lập tức gây chú ý, bởi các quan chức Trung Quốc thường tránh chia sẻ quan điểm trên mạng xã hội. Phát ngôn của ông cũng vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Mỹ, châm ngòi cho một cuộc đấu khẩu trên "mặt trận ngoại giao Twitter".

Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice lên tiếng đáp trả trên Twitter ngày 15/7, cho rằng ông Zhao là "một kẻ phân biệt chủng tộc đáng xấu hổ" và "dốt nát". Đáp lại, ông Zhao khẳng định cáo buộc của bà Rice "đáng hổ thẹn và kinh khủng", nhưng sau đó đã xóa bài viết ban đầu trên Twitter.

Phó đại sứ Zhao cũng sử dụng Twitter để phản hồi những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế về chính sách tại Tân Cương của Trung Quốc. Theo ông Zhao, Mỹ nên "nhìn vào chính mình trong gương trước khi chỉ trích người khác" sau khi Washington cùng 21 quốc gia khác cùng gửi thư lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hồi tuần trước, cáo buộc Trung Quốc giam khoảng một triệu người Hồi giáo thiểu số tại các "trại dạy nghề" ở Tân Cương.

Việc các chính trị gia hoặc lãnh đạo quốc gia chia sẻ quan điểm hoặc đưa ra những thông báo quan trọng trên Twitter không phải là hiếm, điển hình là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, việc thi hành chính sách ngoại giao qua Twitter của các quan chức Bắc Kinh là điều hiếm thấy.

Theo Elizabeth Economy, Giám đốc Nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Mỹ, các quan chức Trung Quốc hiếm khi bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội một phần vì việc này sẽ thu hút nhiều bình luận và có thể dẫn tới các rắc rối.

"Chính sách đối ngoại có tính tập trung rất cao tại Trung Quốc", Elizabeth nói. "Các nhà ngoại giao Trung Quốc thường không tự ý đưa ra những phát ngôn chưa được phép". 

Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như cho rằng phương Tây đang chiếm ưu thế trong việc vẽ ra hình ảnh về Trung Quốc trên trường quốc tế nên đã đến lúc Trung Quốc tự định hình hình ảnh của mình trong mắt dư luận toàn cầu.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tuần trước lập tài khoản Twitter và ngay lập tức chỉ trích Mỹ vì kế hoạch bán lô vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD cho Đài Loan. "Không âm mưu chia cắt Trung Quốc nào có thể thành công. Những kẻ đùa với lửa thì sẽ bị bỏng. Chấm hết", ông Thôi viết trên Twitter ngày 12/7. 

Dù bình luận của ông Thôi không khác mấy so với quan điểm chính thức của Bắc Kinh với vấn đề Đài Loan, bài viết này giúp "lan tỏa nhận thức" về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Ankit Panda, một nhà phân tích chính trị tại New York, nhận định. "Nhiều người Mỹ không theo dõi sát tình hình Trung Quốc khó có thể biết tới những phát biểu chính thức từ Bắc Kinh".

Thu Hương (Theo AFP)

twitter tro thanh mat tran ngoai giao moi cua trung quoc Trung Quốc phát 17.000 đồng hồ thông minh giúp phụ huynh giám sát con

Chính phủ Trung Quốc cho biết sau khi triển khai ở trường tiểu học, chương trình phát đồng hồ thông minh sẽ được áp dụng ...

twitter tro thanh mat tran ngoai giao moi cua trung quoc Thụy Sĩ đồng ý dẫn độ nhà khoa học Trung Quốc sang Mỹ

Nhà nghiên cứu gốc Hoa có thể bị Thụy Sĩ dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc thông đồng với em gái đánh cắp các ...

/ https://vnexpress.net