Tuyển Việt Nam không có biên chế xe tăng T-72 nhưng vẫn cực kỳ xuất sắc

Việt Nam là đội duy nhất ở Bảng 1, Tank Biathlon 2021 không có xe tăng T-72 trong biên chế nhưng thành tích các kíp xe đạt được lại cực kỳ xuất sắc.

Cùng với lượt trận cuối cùng của vòng loại Bảng 1, Tank Biathlon 2021 (Xe tăng hành tiến), đội tuyển xe tăng Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam đã không làm phụ lòng người hâm mộ cũng như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Quốc phòng giao phó. Dù vậy việc đội tuyển xe tăng Việt Nam không thể đi tiếp vào vòng bán kết cũng mang lại nhiều tiếc nuối.

Trả lời PV VTC News về thành tích của đội tuyển xe tăng QĐND Việt Nam trong vòng loại Xe tăng hành tiến, Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân đã có những chia sẻ chân tình.

- Theo ông kết quả vòng loại Tank Biathlon 2021 (Xe tăng hành tiến) cho thấy điều gì ở đội tuyển xe tăng Việt Nam sau 4 lần tham dự Hội thao quân sự quốc tế Army Games?

Kết quả vòng loại Bảng 1, Tank Biathlon trong khuôn khổ Army Games 2021 đã phản ánh đúng thực lực của các đội tham gia bảng đấu này. Đội xe tăng của QĐND Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt nhất có thể để tham gia thi đấu trong lần đầu tiên được lên hạng.

Tuyển Việt Nam không có biên chế xe tăng T-72 nhưng vẫn cực kỳ xuất sắc - 1
963.png
Việt Nam là đội duy nhất ở Bảng 1 không có trong biên chế xe tăng T-72

Đại tá Nguyễn Minh Tâm

Thành tích trụ hạng của đội tuyển xe tăng Việt Nam tại giải đấu Tank Biathlon 2021 đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng và Binh chủng tăng thiết giáp đã đề ra: "Trước hết là phải đạt mục tiêu 'trụ hạng'; nếu có khả năng thi đấu tốt hơn thì phấn đấu vào vòng bán kết".

Đội tuyển xe tăng Việt Nam đã đạt được mục tiêu “trụ hạng” với tổng thành tích được ghi nhận của 3 kíp xe là 81 phút 25 giây; xếp trên các đội Syria (82 phút 43 giây) và Venezuela (87 phút 41 giây).

- Điều gì khiến ông cảm thấy tiếc nuối nhất khi đội tuyển xe tăng Việt Nam phải dừng bước sớm ở vòng loại Tank Biathlon 2021? Các kíp xe và cả đội tuyển có những khó khăn gì trong quá trình chuẩn bị trước giải đấu cũng như trong quá trình thi đấu?

Dĩ nhiên đây không phải là thành tích khả quan như mong đợi cao nhất của Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ tư lệnh Tăng-thiết giáp và lãnh đạo đội xe tăng QĐND Việt Nam tại cuôc thi lần này. Nhưng tổng thành tích thi đấu của cả 3 kíp xe đã phản ánh đúng thực lực của toàn đội khi Việt Nam là đội duy nhất trong số 11 đội của Bảng 1 không có trong biên chế dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72.

Tuyển Việt Nam không có biên chế xe tăng T-72 nhưng vẫn cực kỳ xuất sắc - 2
Đội tuyển xe tăng Việt Nam trong lễ khai mạc Tank Biathlon 2021. (Ảnh: Quân đội Nhân dân)

Mặc dù chúng ta đã chắc chắn “trụ hạng” nhưng điều đáng tiếc nhất là kíp xe số 2, nhất là pháo thủ đã bỏ lỡ cả 3 mục tiêu xe tăng địch (bia số 12) trong 3 phát bắn đầu tiên; dẫn đến việc phải bốc xếp thêm đạn và bắn bù (mất khoảng hơn 4 phút) và cũng chỉ bắn hạ được 2/3 mục tiêu; để rồi mất thêm 90 giây cho vòng chạy phạt.

Với kết quả chung cuộc 31 phút 42 giây, kíp xe số 2 có thành tích thấp nhất trong 11 kíp xe số 2 và xếp thứ 3 từ dưới lên trong tất cả 33 kíp xe đã thi đấu. Chỉ trên kíp số 1 của Syria (39 phút 35 giây) và kíp số 1 của Venezuaela (31 phút 55 giây).

Trong quá trình tập luyện và chuẩn bị thì dịch COVID-19 đã làm gián đoạn thời gian tập trung và huấn luyện của đội tuyển xe tăng Việt Nam. Vì phải chờ đợi để tiêm đầy đủ các mũi vaccine cũng như cách ly kiểm dịch tại Nga, chúng ta đã mất khá nhiều thời gian.

Nguyên nhân thứ hai, là vì không có xe tăng T-72 trong biên chế nên các kíp xe của Việt nam phải tập luyện trên xe tăng T-54 đã lạc hậu rất nhiều so với xe tăng thi đấu là T-72B3. Mặc dù chúng ta đã khắc phục khó khăn bằng cách đưa loại xe cứu kéo có khung gầm của xe tăng T-72 với vị trí lái xe ở giữa (khác với T-54/55 có vị trí lái xe bên trái) vào tập luyện nhưng cũng chỉ khắc phục được một phần.

Vần đề quan trọng nhất vẫn là xạ kích pháo chính 125mm trên xe T-72B3 với kính ngắm quang-điện tử SOSNA-U, một thiết bị hoàn toàn không có trên xe tăng T-54.

Tuyển Việt Nam không có biên chế xe tăng T-72 nhưng vẫn cực kỳ xuất sắc - 3
Việc chỉ được huấn luyện với xe tăng T-54 là một hạn chế lớn đối với đội tuyển xe tăng Việt Nam. (Ảnh: Quân đội Nhân dân)

Nguyên nhân thứ ba, là trận đấu của kíp xe tăng số 2 của đội Việt Nam bị gián đoạn tới gần 60 phút do hoạt động của sân bay dân sự gần thao trường Alabino. Điều này đã làm cho tâm lý thi đấu của các thành viên kíp xe bị “chùng xuống”.

Nguyên nhân cuối cùng thuộc về pháo thủ Kíp xe số 2. Sau phát bắn đầu tiên “cày đất”, pháo thủ của Kíp xe số 2 đã không kiên quyết sửa bắn, dẫn đến hai phát đạn sau đó cũng “cày đất” ngay trước mặt bia. Nhưng đến phát bắn bù thứ nhất (phát thứ tư), pháo thủ lại sửa bắn quá mức khiến viên đạn bay qua đỉnh bia. Và chúng ta đã dùng tới 6 viên đạn nhưng chỉ diệt được 2 mục tiêu, kèm theo thời gian ngắm bắn, căn chỉnh và chạy phạt bị thêm vào tổng thời gian thi đấu.

- Trong vòng loại Tank Biathlon 2021, trình độ cả ba kíp xe Việt Nam có cách biệt quá lớn khi so với các đội đồng hạng như Mông Cổ, Serbia, Venezuela? Lợi thế của Việt Nam ở giải đấu lần này là gì?

Trong Bảng 1 nội dung Xe tăng hành tiến (thường gọi là “bảng chiếu trên”) không có đội yếu. Bởi tất cả các đội của bảng này (trừ Việt Nam) đều đã sở hữu và tập luyện trên xe tăng T-72. Thậm chí, đội Syria còn có các kíp xe có kinh nghiệm thực chiến trên xe tăng T-72 trong cuộc chiến chống khủng bố ở nước này. Do đó, mức độ chênh lệch về trình độ, năng lực thi đấu của các đội không có khác biệt quá lớn như ở Bảng 2 (bảng chiếu dưới).

Tuy nhiên, nhìn vào thành tích vòng loại của 11 đội, chúng ta có thể thấy có 2 nhóm rõ rệt. Nhóm thứ nhất gồm Nga, Trung Quốc, Belarus, Kazakhstan, Azerbaijan và Uzbekistan đều có thành tích tương đối đồng đều với tổng thành tích cao. Nhóm thứ hai gồm các đội Mông Cổ, Serbia, Việt Nam, Syria và Venezuela có thành tích chênh lệch khá lớn giữa các kíp xe và tổng thành tich không cao. Điều này phản ánh trình độ huấn luyện và làm chủ khí tài của các đội Nhóm 2 thua kém so với các đội Nhóm 1 của Bảng 1.

Việt Nam chỉ có lợi thế lớn nhất so với các đội đồng hạng ở kỹ năng, ý chí và sự hiệp đồng của kíp xe. Đặc biệt là kỹ năng chỉ huy và xạ kích của các trưởng xe. Lợi thế còn lại của đội tăng Việt nam là đã có một trường bắn TB2 (Trường bắn Quốc gia khu vực 2) được nâng cấp và thiết kế giống như thao trường Alabino, giúp cho các kíp xe quen thuộc hơn với các điều kiện, hoàn cảnh thực tế khi thi đấu.

Tuyển Việt Nam không có biên chế xe tăng T-72 nhưng vẫn cực kỳ xuất sắc - 4
Xe tăng T-72B3 của Kíp số 3 Việt Nam trong vòng chạy cuối trong ngày thi đấu hôm qua. (Ảnh: Quân đội Nhân dân)

- Với kết quả ở vòng loại Tank Biathlon 2021, đội tuyển Việt Nam có rớt xuống Bảng 2 trong giải đấu Tank Biathlon 2022? Đội tuyển xe tăng Việt Nam cần phải làm gì để cải thiện thành tích ở lần tham dự sắp tới?

Với kết quả xếp trên các đội Venezuela và Syria, đội tuyển xe tăng QĐND Việt Nam tuy không được vào vòng bán kết nhưng đã trụ hạng thành công. Một trong hai đội Syria hoặc Venezuela (hoặc cả hai) sẽ phải xuống hạng.

Đội tuyển xe tăng Việt Nam trong giải đấu 2022 và các giải đấu tiếp theo cần phải có sự chuẩn bị tốt hơn nữabao gồm:

Thứ nhất, là đầu tư củng cố và nâng cấp tiếp theo cho trường bắn TB2 tiệm cận với tiêu chuẩn với thao trường Alabino.

Thứ hai, đội tuyển xe tăng Việt Nam cần được huấn luyện nhiều hơn với dòng xe tăng T-72 hoặc các dòng xe tăng tương đương, bởi đây là mấu chốt để các kíp xe có thể tự tin thi đấu cũng như xử lý các tình huống phát sinh.

Thứ ba, là tăng cường huấn luyện trong binh chủng tăng-thiết giáp, tổ chức nhiều cuộc thi đấu để tuyển chọn được các kíp xe có thành tích cao và ổn định để có thể đọ sức trên đấu trường Tank Biathlon.

/ vtc.vn