Tướng Mỹ thừa nhận vụ thử nghiệm vũ khí của Trung Quốc đáng lo ngại

Quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ, Tướng Mark Milley, lần đầu xác nhận vụ thử vũ khí siêu thanh “đáng lo ngại” của Trung Quốc.

Theo Financial Times, Lầu Năm Góc đã cố gắng tránh xác nhận trực tiếp vụ thử vũ khí của Trung Quốc hồi mùa hè, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức khác bày tỏ sự lo ngại chung về việc Trung Quốc phát triển vũ khí siêu thanh.

Nhưng ông Milley mới đây xác nhận một cách rõ ràng về cuộc thử nghiệm và nói rằng nó "rất gần" với khoảnh khắc Sputnik - đề cập đến việc Nga phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào năm 1957, đưa Moskva vượt lên dẫn đầu trong cuộc chạy đua không gian thời Chiến tranh Lạnh.

"Những gì chúng tôi thấy là một sự kiện quan trọng của cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí siêu thanh. Và nó rất đáng lo ngại", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Milley nói.

Tướng Mỹ thừa nhận vụ thử nghiệm vũ khí của Trung Quốc đáng lo ngại - 1
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley. (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia về vũ khí hạt nhân cho rằng, vụ thử vũ khí của Trung Quốc dường như được thiết kế để chống lại hàng rào phòng thủ của Mỹ theo hai cách. Thứ nhất, một vũ khí siêu âm di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh, tức khoảng 6.200 km/h, khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn hơn.

Thứ hai, theo các nguồn tin, các vụ thử nghiệm của Trung Quốc liên quan đến một loại vũ khí đi vòng quanh Trái đất. Các chuyên gia quân sự nói đây là một khái niệm thời Chiến tranh Lạnh, gọi là "bắn phá theo quỹ đạo phân đoạn".

Tháng trước, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall ám chỉ ông đang quan tâm đến một hệ thống như vậy. Trong đó một loại vũ khí sẽ đi vào quỹ đạo và lao xuống mục tiêu. “Nếu bạn sử dụng kiểu tiếp cận đó, bạn không cần phải sử dụng quỹ đạo ICBM (tên lửa đạn đạo liên lục địa) truyền thống – quỹ đạo trực tiếp từ điểm phóng đến điểm tác động. Đó là một cách để tránh các hệ thống phòng thủ và cảnh báo tên lửa”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ việc đây là một vụ thử vũ khí. Họ khẳng định chỉ thực hiện một cuộc thử nghiệm định kỳ và là “một phương tiện không gian”.

Hệ thống phòng thủ của Mỹ vốn không đủ khả năng chống lại một cuộc tấn công quy mô lớn từ Trung Quốc hoặc Nga. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc Mỹ công khai theo đuổi các hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng tiên tiến hơn đã khiến Moskva và Bắc Kinh phải xem xét các cách khác nhau để đánh bại những hệ thống này.

Mỹ và Nga đều đã thử nghiệm vũ khí siêu thanh.

/ vtc.vn