Tương lai bóng đá Việt Nam và tấm gương Campuchia

Trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Campuchia vào lúc 19h30 tối ngày 19/12 có thể chứng kiến một sự chênh lệch rất lớn về đẳng cấp. Nhưng ở một góc độ trong tầm nhìn phát triển bóng đá, đây là cuộc chiến của thành quả hiện tại và niềm hy vọng tương lai.

Đầu tư của bầu Đức, bầu Hiển sắp đạt đến cực đại thành công

Không phải nói dông dài, những đầu tư không biết mệt mỏi dựa trên tâm huyết của bầu Đức, bầu Hiển với hai lứa cầu thủ 1995 – 1997 và 1997 – 1999 đã đem lại thành công đậm nét cho các đội tuyển Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn 4 năm qua với những chiến tích hào hùng từ đấu trường Đông Nam Á cho đến châu Á.

Đến hiện tại, lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường,… kết hợp với thế hệ Quang Hải, Tuấn Anh, Xuân Trường chuẩn bị đạt đến thời kỳ đỉnh điểm của độ chín. Trước khi nghĩ đến chức vô địch AFF Cup 2020, một cột mốc nữa chuẩn bị được họ xô đổ. Đó là chuỗi trận bất bại dài nhất lịch sử của giải đấu.

Tương lai bóng đá Việt Nam và tấm gương Campuchia -0

Campuchia đã trẻ hoá lực lượng mạnh mẽ và có sự chuẩn bị cho một cuộc trỗi dậy sau 3-4 năm nữa.

13 năm trước, Singapore ở thời kỳ cực thịnh đã chinh phục cả Đông Nam Á với chuỗi 13 trận liên tiếp bất bại, kéo dài từ cuối AFF Cup 2006 cho đến gần cuối AFF Cup 2008. Cũng nhờ thế, Singapore đã giành cú đúp vô địch các năm 2006, 2007 và vào tới top 4 chung cuộc tại giải đấu này. Với đội tuyển Việt Nam, chúng ta cũng đã trải qua 12 trận liên tiếp không thua ở mặt trận này. Nếu như không thua Campuchia – điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra, Việt Nam sẽ cân bằng kỷ lục của Singapore cách đây 1 thập kỷ. Thậm chí với đẳng cấp của mình, thầy trò HLV Park Hang-seo hoàn toàn có thể tạo nên một kỷ lục thành công hơn cả Singapore nữa.

Cho đến lúc này, thế hệ kim cương của bóng đá Việt Nam đã trải qua 33 trận bất bại (ở riêng cấp độ ĐTQG là 19 trận) liên tiếp dưới thời HLV Park Hang-seo. Đấy là điều mà chưa một HLV nào trong quá khứ có thể làm được trong lịch sử đội tuyển Đông Nam Á nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng.

Nhưng nghiệt ngã của chu kỳ hình sin đến ở việc khi bạn đạt đến trạng thái cực đỉnh thì cũng là khởi điểm cho giai đoạn cực suy. Và với thế hệ của bóng đá Việt Nam lúc này, dù cho những Công Phượng, Quang Hải vẫn còn 3-4 năm thi đấu đỉnh cao đi chăng nữa, nhưng nếu không có sự chuẩn bị ngay từ hiện tại, bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể rơi vào thảm cảnh giống như Singapore của 10 năm về trước.

Tương lai tươi sáng của Campuchia

Đối đầu với một Việt Nam ở độ chín sự nghiệp là một Campuchia giàu sức trẻ và nhiệt huyết. Nòng cốt của lực lượng đội tuyển Campuchia tham dự AFF Cup 2020 lần này có sự hiện diện của 10 cầu thủ ở đội U18 đã tham gia giải U18 Đông Nam Á 2019.

Ở giải đấu đó, U18 Campuchia dù bị loại ngay ở vòng bảng nhưng để lại ấn tượng cực kỳ đậm nét với 2 chiến thắng trước U18 Thái Lan (4-3) và U18 Việt Nam (2-1), qua đó khiến 2 đội bóng này mất tấm vé vào vòng bán kết. Riêng thắng lợi 2-1 trước Việt Nam đã giúp U18 Campuchia đi vào lịch sử. Bởi đó là trận thắng đầu tiên trong lịch sử của bóng đá Campuchia trước bóng đá Việt Nam ở các cấp độ đội tuyển gia.

Lúc bấy giờ, ngay khi U18 Campuchia về nước, Chủ tịch Sao Sokha của Liên đoàn bóng đá Campuchia đã chúc mừng toàn đội, đồng thời vận động các nhà tài trợ hỗ trợ thưởng 124 triệu Riel (hơn 700 triệu đồng ) cho thầy trò HLV Gyotoku Koji khi đó. Ngoài tiền thưởng và những chiến thắng lịch sử ấy, U18 Campuchia cũng trở thành lực lượng được người hâm mộ nước nhà dành rất nhiều sự kỳ vọng.

Niềm tin ấy càng được củng cố khi lực lượng trẻ trung của ĐT Campuchia thi đấu đáng khen tại AFF Cup 2020. Bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu với các đội mạnh hơn của cầu thủ trẻ Campuchia từng bước được trui rèn và khẳng định. Cụ thể hơn, trước Indonesia, Malaysia lẫn Lào, Campuchia đều vượt trội hơn về tỷ lệ kiểm soát bóng. Tuyên bố Campuchia không biết sợ ai được thể hiện rõ qua con số thống kê. Campuchia kiểm soát bóng 64,7% trước Lào. Khi đấu với Indonesia, đội bóng này kiểm soát bóng tới 54,8%. Trong trận thua trước Malaysia ở lượt đầu tiên, Campuchia cũng kiểm soát bóng tới 56,9%. Rõ ràng, đó là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử bóng đá Campuchia ở các kỳ AFF Cup trước đó. Một Campuchia không biết sợ trước các đội cửa trên đã hiện diện tại giải đấu lần này.

Thêm vào đó, sau 3 trận đầu tiên, Campuchia ghi đến 6 bàn thắng. Con số này giúp họ vượt qua thành tích tốt nhất trước đó của chính mình ở các năm 2000 và 2002. Khi đó, đội bóng này chỉ ghi tối đa 5 bàn thắng. Sự hiệu quả trên con số bàn thắng và cầm bóng đủ để thấy Campuchia thành công với cách đá kiểm soát thế trận, sẵn sàng chơi đôi công với các đội tuyển mạnh mà cặp bài trùng Nhật Bản - Honda và Hirose đã và đang hướng tới.

Bóng đá Việt Nam đi lên từ một cuộc cách mạng trẻ hoá nhân sự ở năm 2013. Sau 5 năm, chúng ta thu được trái ngọt với khởi đầu là VCK U23 châu Á 2018. Nhưng suốt 4 năm qua, thành công quá lớn của thế hệ 1995-1997 và 1997-1999 vô tình đã phủ bóng khiến cho những thế hệ sau không thể lớn nổi.

Có lẽ, bóng đá Việt Nam hãy nên giật mình. Bởi bóng đá trẻ Campuchia đang đi trên chính lộ trình thành công của chúng ta cách đây vài năm. Và rất có thể sau đây 5 năm nữa, họ lại khiến chúng ta phải ôm hận.

Điểm mạnh và yếu của Campuchia

6 bàn thắng mà Campuchia ghi được chia làm hai kịch bản. Trong 2 trận đầu tiên trước Indonesia và Malaysia, Campuchia ghi 3 bàn từ các tình huống cố định (penalty, phạt góc và đá phạt trực tiếp). Ba bàn thắng trước Lào thể hiện rõ tâm thế “cửa trên” hơn của Campuchia. Họ tổ chức triển khai bóng từ dưới lên một cách mạch lạc, tận dụng phá bẫy việt vị của đối phương trước khi thực hiện các pha chọc khe cho Chan Vathanaka và Sieng Changthea thoát xuống và ghi bàn.

Campuchia rõ ràng là một đối thủ rất khác so với những đội mà Việt Nam đã gặp ở 3 lượt đầu tiên. Bởi trước đó, đoàn quân của HLV Park Hang-seo luôn áp đảo về thời gian cầm bóng và tỷ lệ kiểm soát thế trận, khi Lào, Indonesia, Malaysia đều chủ trương tử thủ để mong hạn chế số bàn thua hoặc cầu hoà Việt Nam. Nhưng khác với 3 đối thủ kể trên có phần sợ Việt Nam, Campuchia tuyên bố sẵn sàng chơi tấn công, kiểm soát bóng.

Theo chiều ngược lại, điểm yếu đến từ chất lượng hậu vệ của Campuchia từ cá nhân đến hệ thống còn khiêm tốn. Điều đó cũng là dễ hiểu khi nòng cốt chính của đội tuyển này là những cầu thủ dưới 22 tuổi. Họ dễ dàng bị chọc thủng lưới từ những pha đá phạt góc. Họ cũng dễ dàng để đối phương qua mặt trong những tình huống đối đầu 1-1. Những ví dụ điển hình khi Malaysia, Indonesia có thể chọc thủng lưới Campuchia là minh chứng tiêu biểu.

  • HLV Park Hang-seo và cuộc cách mạng của bóng đá Việt Nam
  • Khi bóng đá Việt Nam cần nhiều thứ hơn VAR

/ cand.com.vn