Trung thu quê, kỷ niệm còn đọng mãi

Lại một mùa trung thu tới, không khí háo hức lại ùa về với bao em nhỏ. Năm nay bầu khí không chộn rộn như mọi năm vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tuy thế nhưng lại cơ hội để những người lớn có nhiều thời gian hơn cho các em và cũng là để nhìn về ký ức trung thu ngày xa xưa ấy.

Ngày xưa ấy qua lâu thật lâu rồi. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, những đứa trẻ con chúng tôi ngày ấy giờ chỉ biết hoài niệm. Quay ngược lại thời gian hơn 30 năm về trước, để thấy bầu không khí của một mùa trung thu, tuy nghèo về vật chất, nhưng lại giàu về tinh thần.

Hàng tuần rộn rã chuẩn bị cho Trung thu

Quê tôi, một miền quê hiền hòa với lũy tre xanh và những cánh đồng bát ngát nằm giữa đồng bằng Bắc Bộ. Bắt đầu từ cuối tháng 7 âm lịch, cả làng già trẻ lớn bé đã bắt đầu rục rịch cho công việc chuẩn bị cho trung thu, bao gồm việc làm trại trung thu và chuẩn bị tiết mục văn nghệ để thi vào đúng dịp 15 tháng 8.

Ở quê tôi, các trại trung thu sẽ phân theo khu vực sản xuất nông nghiệp. Thường mỗi thôn sẽ là một trại và trại sẽ được đặt tên theo các vị anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ hoặc chống Pháp.

Trung thu quê, kỷ niệm còn đọng mãi ảnh 1
Ở thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, ánh điện không rực rỡ, nhưng ánh đèn lồng vẫn ngập tràn lung linh trong lòng đám trẻ

Công việc chuẩn bị trung thu được phân chia khá rõ ràng, những người lớn tuổi thì giúp các cháu nhỏ làm đèn trung thu. Các anh chị thanh niên thì chuẩn bị chặt tre, giấy màu, vải, dây thừng... để dựng trại. Một số khác thì được phân công phụ trách tập luyện văn nghệ. Do tính chất công việc làm nông của vùng quê, ban ngày đi làm đồng, nên mọi người chỉ có thời gian buổi tối cho tất cả các công việc trên.

Cứ sau cơm tối tầm khoảng 7 giờ, mọi người đều tập hợp tại sân kho hợp tác xã. Các nhóm phụ trách công việc sẽ tiến hành công tác chuẩn bị. Nếu như việc chuẩn bị vật dụng cho việc dựng trại khá đơn giản, vì đa số là vật liệu vốn rất sẵn, thì khâu văn nghệ là điều nhiêu khê nhất.

Trung thu quê, kỷ niệm còn đọng mãi ảnh 2
Trung thu trên đường quê, hình sưu tầm

Các cô giáo bất kể là dạy về lĩnh vực gì đi chăng nữa, nhưng nếu thuộc người trong xóm thì đều được huy động vào nhiệm vụ huấn luyện văn nghệ để đi thi trại trung thu. Công tác sàng lọc các trẻ em có năng khiếu hát hay, múa giỏi trong xóm cũng rất mất nhiều thời gian, vì thường các cô sẽ không trực tiếp giảng dạy. Nên sẽ phải "test" trực tiếp để lựa ra các em có khả năng nhất.

Thời ấy, trẻ con chúng tôi mà được lựa vào đội biểu diễn văn nghệ thì hạnh phúc lắm. Nhiều đứa chung tôi phải rất cật lực luyện tập múa hát, mong để “lọt vào mắt xanh” của cô giáo phụ trách văn nghệ trại. Khi được lựa rồi thì cảm giác trong lòng nâng nâng khó tả. Điều này giống như một chất xúc tác khiến chúng tôi ngoan hơn, chịu khó hơn.

Dù có được lựa chọn đi tập văn nghệ trung thu đi chăng nữa, nhưng chúng tôi vẫn phải hoàn thiện công việc thường ngày, thường chúng tôi sẽ cố làm xong sớm các công việc được bố mẹ phân công như, vớt bèo, nấu cám cho lợn ăn, quét nhà, quét sân, rửa bát sau ăn tối và các việc vặt linh tinh khác. Khi vừa xong việc là chạy ù ra ngay sân kho hợp tác xã để chuẩn bị cho trung thu.

Sân kho hợp tác xã là một khoảng sân rộng rãi, làng quê nghèo nên ánh sáng chỉ là một bóng đèn halogen đã cũ, do đó lượng ánh sáng không đủ. Đã thế có những lúc điện quê đột nhiên yếu, nên ánh sáng của bóng đèn không khác gì đốm le lói của những chú đom đóm đực.

Trung thu quê, kỷ niệm còn đọng mãi ảnh 3
Trung thu xưa luôn là kỷ niệm đẹp của thế hệ 6-7-8X

Ngay vị trí dưới bóng đèn, cũng là chỗ sáng nhất sẽ được giành riêng cho đội cắt hoa giấy trang trí. Phía xa xa mỗi góc là vị trí của từng nhóm làm việc được phân công cụ thể, nhưng ồn ào nhất vẫn là đội tập văn nghệ. Dưới ánh sáng của đêm trăng, chẳng nhìn rõ mặt từng đứa, chỉ nhìn thấy bóng người lố nhó và tiếng hô to của vị phụ trách tập đội danh dự, đây là đội tập hợp khá đông các em thiếu nhi trong xóm, đội này chỉ có nhiệm vụ đứng sắp hàng, và làm theo người hiệu lệnh hô thì sẽ làm theo…

Tuy đơn giản thế chỉ có quay phải, quay trái, quay sau, ấy thế mà hô khàn tiếng cả nửa tháng mà mãi cũng không sao đều được. Có những đứa không hiểu thế nào mà cứ hô bên trái nó quay bên phải, hô đằng sau quay thì nó lại đứng im. Thỉnh thoảng vẫn có đứa làm sai nhiều quá, bị các anh giám sát bực mình quá, véo tai cho cái, nhưng thay vì khóc nó lại cười hềnh hệch, dù nụ cười có phần méo mó vì vựa bị véo tai đau.

Ngay bên cạnh đội danh dự là đội văn nghệ đang tập luyện hăng say, thường các trại sẽ thể hiện những ca khúc cách mạng để đi thi, bên cạnh là đội múa phụ họa. Thời đó tập văn nghệ chả có âm thanh hỗ trợ như bây giờ. Nên "hát chay" là chính. Mặt khác cả người huấn luyện lẫn người hát cũng chả ai biết thanh nhạc. Nên cứ mở băng cassette nghe người ta hát trước rồi bắt chước theo. Lời bài hát thì được chép thẳng ra giấy để học thuộc, cũng chả có khuôn nhạc kèm theo.

Đêm trung thu háo hức, đầy sôi động

Rồi đêm áp trung thu cũng đến, vào ngày 14/8 âm lịch, tất cả sản phẩm bao gồm: cổng trại, dụng cụ dựng trại, hoa giấy, đèn lồng… đều được tập trung tại sân hợp tác xã từ ngay đầu giờ chiều.

Trung thu quê, kỷ niệm còn đọng mãi ảnh 4

Thế là cái chuẩn bị mọi thứ đã xong. Đúng 1 giờ trưa tất cả bọn trẻ trong xóm chúng tôi đồng phục áo trắng mũ trắng, còn quần thì búa xua màu đươc tập trung. Nói đồng phục áo trắng cho oai chứ thật ra cũng có rất nhiều loại.

Có đứa có áo trắng nhưng đã ngả thành màu cháo lòng, lý do là nó đã mặc áo đó trên đường đi học về, thấy có chỗ con ngòi (một loại mương nhỏ để dẫn nước tưới tiêu cho ruộng), đang cạn nên nhào xuống mò cua bắt cá đem về. Thế là chiếc áo trắng nhuốm bùn, về giặt một hồi nó thành ra màu cháo lòng. Có đứa áo trắng lại lốm đốm mấy vệt đen đen nhựa cây chuối. Một phần vì thời đó chúng tôi chả có nhiều áo, nên áo trắng đó vừa là áo đi học, cũng là áo mặc thường này để đi lấy cây chuối về thái làm thức ăn cho lợn, nên nó dính nhựa chuối.

Có đứa quýnh quá vì cái áo trắng độc nhất vừa chơi đùa nên bị rách mà mẹ thì chưa kịp khâu, thế là nó lấy luôn cái áo phông trắng của bố (loại áo phông bộ đội), mặc vào và giấu cái dài, cái rộng thùng thình bằng cách bỏ áo trong quần; nhưng ngặt cái nó lại mặc quần đùi, nên vạt áo phông lòi cả ra khỏi ống quần trông đến ngộ. Khó khăn là thế, ấy vật nhưng có một điểm chung là khuôn mặt của chúng tôi đều rạng rỡ vui tươi.

Cuộc rước trại thường bắt đầu vào lúc 2h chiều, những đứa to con khỏe mạnh được phân công khiêng trống và cổng trại. Thứ tự sẽ là hai đứa to cao đen cày cạy khiêng quả trống cái đi đầu, thằng đằng sau sẽ cầm cái dùi trống và nó sẽ đánh tùy theo hứng chứ không theo một quy định bài vở nào cả; theo sau là bọn trẻ con chúng tôi cầm theo đèn lồng tíu ta tíu tít, tiếp đến là 4 đứa to con khác khiêng cổng trại, vừa khiêng vừa hò la cười đùa vui vẻ, cuối cùng là một số người lớn cầm những vật dụng sử dụng cho việc dựng trại.

Trung thu quê, kỷ niệm còn đọng mãi ảnh 5
Một trại trung thu

Tất cả các đoàn rước trại đều tập hợp trước sân vận động của xã. Đây là một khoảng đất trống với hai mặt nằm sát con sông cạnh ủy ban xã. Cả xã có 18 đội, tương đương với 18 trại. Sau khi được bốc thăm vị trí cắm trại, trưởng ban tổ chức cũng là vị đứng đầu đoàn thanh niên xã sẽ tuýt còn ra hiệu lệnh, tất cả các trại đều tập trung dưng trại.

Chúng tôi sẽ thi xem trại của đội nào đạt nhất. Các nội dung thi sẽ bao gồm, dựng trại nhanh, trại đẹp, văn nghệ hay. Tổng cộng các tiêu trí này để chọn ra trại này đạt giải nhất. Giải đặc biệt trị giá 200 ngàn đồng, các giải còn lại có trị giá lần lượt là 150 ngàn, 100 ngàn và cuối cùng là 50 ngàn. Thời đó số tiền đó cũng kha khá đối với làng quê nghèo chúng tôi.

Trung thu quê, kỷ niệm còn đọng mãi ảnh 6
Các Chi đoàn thi trại Trung thu đẹp

Thường cuộc dựng trại sẽ hoàn thành vào khoảng 5 giờ chiều. Lại nói về trại, thời đó trại được làm chủ yếu từ tre, rơm, lá dừa, xốp và vải kết hợp với dây thừng. Do không có loại vải bạt nên trại trung thu thường dùng vải bình thường tuy nhiều màu sắc, nhìn thì có đẹp, nhưng mỗi khi mưa thì chúng tôi dù ngồi trong trại cũng lãnh đủ. Những hạt mưa có thể xuyên qua vải trại và làm chúng tôi ướt như chuột lột, vì vậy sau khi dựng trại xong sẽ chấm liền hai tiêu chí là: dựng nhanh và trại đẹp, vì nếu không mưa sẽ hủy hoại phần lớn vẻ đẹp của trại trung thu.

Miền Bắc dịp trung thu lại trùng vào mùa mưa, nên hiếm lắm mới có trung thu không có mưa, những cơn mưa có lúc bắt đầu ngay buổi chiều, có lúc lại vào 8 hoặc 9 giờ tối làm gián đoạn văn nghệ, có lúc sau 12 giờ đêm. Nhiều đứa trẻ con chúng tôi cứ túm tụm vẻ mặt đầy lo lắng, khi thấy sấm chớp ầm ầm và tròi kéo dông lúc dựng trại, chúng tôi không ai bảo ai đều thầm khấn Trời, xin Phật rằng, nếu mưa thì mưa vào lúc 12 giờ đêm, khi mà buổi văn nghệ trung thu đã kết thúc để chúng con có buổi vui trung thu trọn vẹn.

Trung thu quê, kỷ niệm còn đọng mãi ảnh 7
Trại Trung thu như thế này thuộc dạng cầu kỳ, đẹp

Sau khi dựng trại xong, chúng tôi sẽ ùa về nhà, tắm rửa sạch sẽ, ăn cơm nhanh để chạy ù ra sân vận động, nơi buổi văn nghệ trại trung thu sẽ diễn ra vào lúc 7h tối. Ngoài các bộ trang phục đẹp nhất thì chúng tôi sẽ được bố mẹ cho ít tiền. Đứa ít thì được 1, 2 ngàn đồng đủ để mua nửa cây mía với vài múi bưởi, đứa nhiều cũng được 5, 7 ngàn đồng. Khi có tiền ăn no rồi đến tiết mục xem văn nghệ trung thu.

Buổi văn nghệ trung thu sẽ là phần biểu diễn giữa các trại, mỗi trại sẽ đăng ký một đến tối đa hai tiết mục văn nghệ. Ban tổ chức tiến hành bốc thăm theo thứ tự để biểu diễn trên một ụ đất vuông cao hơn mặt sân tầm một mét ở phía đầu sân. Đêm đó sân vận động được trang trí với nhiều ánh đèn hơn.

Tiết mục của trại nào thì trại đó chuẩn bị âm thanh, có trại thì sang thuê được cả dàn trống, còn trại thì chỉ có một hai cây guitar đệm, phổ biến nhất vẫn là một cây đàn organ sẽ làm nhiệm vụ cho cả một dàn nhạc.

Trang phục cho “ca sĩ” hay “diễn viên múa” trong đêm văn nghệ trung thu cũng là tận dụng và tự chế từ đồ sẵn có, không có việc đi thuê trang phục đẹp đẽ như bây giờ. Trang phục cho “ca sĩ” hát thì không bàn, vì có sao dùng vậy; có bạn "ca sĩ" mặc quần xanh áo trắng bỏ trong quân (đồng phục học sinh chúng tôi thời ấy), nhưng do bạn ấy lớn nhanh mà bố mẹ chưa kịp may quần mới, nên vô tình lại trở thành trang phục quần lửng trên mắt cá chân gần tấc, kiểu quần này vô tình sau đó lại trở thành trào lưu cho các bạn thanh nữ vào những năm 2005-2010.

Về phần trang phục múa mới là thứ đáng bàn, vỏ chăn bông và màn ri đô cửa được tận dụng tối đa cho phần trang phục múa, với thứ đó mặc sức để các anh chị Đoàn thanh niên sáng tác các trang phục cho đội múa phụ họa. Tuy các bài hát phần nhiều được thể hiện lạc tông; chuyện giọng hát một nơi, nhạc đánh một kiểu là chuyện thường xảy ra, ấy vậy mà chúng tôi lại chăm chú xem với sự thích thú riêng.

Trung thu quê, kỷ niệm còn đọng mãi ảnh 8

Do số lượng người xem đông, không những trẻ con chúng tôi mà còn rất nhiều người lớn cũng đi xem văn nghệ đêm trung thu, nên nếu không may mắn chen chân lên gần sân khấu, thì chúng tôi sẽ phải tìm cách để có thể xem được. Thường thì chúng tôi sẽ lấy các chiếc xe đạp xếp dựa vào nhau, rồi đứng lên trên đó để xem.

Sân vận động 2 mặt là sông, hai mặt còn lại là tường rào bao quanh, nhiều đứa chọn cách leo lên trên đó xem. Có nhiều đứa hấp tấp chưa kịp an vị trên đỉnh tường lại ngã chổng vó xuống dưới đất, bức tường cũng cao cả 2 mét, ấy vậy mà chúng nó ngã xong lại đứng lên cười toe toét, mặc cho cái đau rồi lại tìm cách leo lên tiếp.

Cứ thế một buổi tối tràn ngập ánh sáng từ các trại phát ra, tràn ngập âm thanh ca hát. Trại của tôi đặt tên chị Võ Thị Sáu. Tôi năm đó cũng tham gia văn nghệ và trình diễn bài “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Với giọng hát có phần lanh lảnh của tôi, dù hát đúng lời nhưng xét về nhạc lại chỗ đúng chỗ không, ấy vậy mà tiết mục của tôi vẫn được các bạn vỗ tay nhiệt liệt. Còn tôi thì vui sướng với cảm giác khó tả.

Hạnh phúc ngập tràn như ánh trăng rằm

Hồi đó trung thu chúng tôi không có gì ngoài mấy cái bánh đa, ăn kèm với bát lạc rang và miếng cùi dừa. Bố tôi từ xưa đã là người của công việc, nhưng không bao giờ bố quên lên phố thị để mua cho chúng tôi những chiếc bánh trung thu, thời đó thường bánh dẻo trắng sẽ được làm hình con cá và bánh nướng truyền thống thì hình vuông hoặc tròn có hoa văn. Cái tuổi thơ chung tôi cứ đơn giản thế mà lại vui vẻ hạnh phúc vô cùng.

Đúng ngày rằm, hợp tác xã sẽ trao quà cho chúng tôi, buổi sáng mỗi đứa chúng tôi sẽ đến nhà trưởng thôn để nhận một cặp bánh bao gồm một cái bánh nướng và một cái bánh dẻo. Buổi trưa chúng tôi được hợp tác xã cho ăn cỗ. Thời đó đời sống chưa được sung túc như bây giờ, trẻ con có khi chỉ đến ngày tết mới được ăn thịt thỏa thích, nên trung thu được ăn cỗ thịnh soạn chúng tôi thích lắm.

Tôi còn nhớ rõ, tiệc trung thu được tổ chức tại hội trường của hợp tác xã, thời gian đầu chúng tôi còn phải tự đem bát đũa đến ăn, sau đó thì khá hơn khi hợp tác xã đã thuê được bát đũa đầy đủ và chúng tôi chỉ việc đến ăn. Trẻ con chúng tôi thường ham chơi, nên một số đứa đến trễ hơn giờ quy định ăn cỗ, chúng đến khi mà mọi đứa đã ăn gần xong, thấy vậy liền khóc dỗi inh ỏi; người lớn thất vạy chạy ra dẫn chúng vào. Thường mỗi trại đã có sẵn danh sách, đứa trẻ nào đến trễ đã có để phần, nên những đứa vào sau sẽ đợi xếp chúng chung vào mâm ăn cỗ. Ăn xong, mặt đứa nào đứa đó rạng rỡ và đi về, chuẩn bị cho buổi rước đèn trung thu vào buổi tối.

Trung thu quê, kỷ niệm còn đọng mãi ảnh 9
Rước đèn trung thu trên làng quê, hình sưu tầm

Buổi tối đến, cánh trẻ con chúng tôi thì mang những chiếc đèn lồng tự chế để khoe với nhau, rồi bình chọn xem đèn lồng đứa nào đẹp nhất sẽ thành tân hoàng tử hay công chúa lồng đèn của năm ấy.

Dưới sự hướng dẫn của người lớn, bọn trẻ con chúng tôi tha hồ mà sáng tạo đèn lồng trung thu. Có những chiếc đèn lồng tự chế nhìn khá đẹp, nhưng cũng có những chiếc thì đến giờ tôi cũng không biết phải gọi là gì, vì thực ra nó chả giống một hình thù cụ thể nào để mà liên tưởng.

Mấy đứa con trai trong xóm, tụi nó không thích “bánh bèo” như tụi con gái nên tự chế đèn từ những chiếc lon sữa, hay lon bia đã dùng hết. Tụi nó hì hụi đục, khoét các kiểu mới ra được chiếc lồng đèn.

Phổ biến nhất vẫn là đèn ông sao, đây là loại được làm từ những thanh tre vát mỏng, cột lại thành hình ông sao và được dán giấy màu. Có hai loại giấy được chọn là giấy bóng kiếng và giấy bình thường. Ưu điểm của giấy bóng kiếng thì đèn sẽ đẹp và khi đốt nến bên trong sẽ thấy rõ, nhưng nhược điểm là dễ bị biến dạng khi chả may để quá gần ngọn lửa, và khó trong khâu dán vào thanh tre. Loại giấy màu bình thường thì dễ dán, đôi khi chỉ là hạt cơm miết ra là có thể dán vào được, nhưng nhược điểm là không sáng khi thắp vào trời tối.

Trung thu quê, kỷ niệm còn đọng mãi ảnh 10
Đèn trung thu tự chế, hình sưu tầm

Đèn chúng tôi làm ra đều là hàng handmatd "độc bản", nhưng thực ra chẳng có chiếc đèn lồng nào là ra dáng nếu so với các sản phẩm được bày bán bây giờ, dù là hoàng tử hay công chúa lồng đèn năm ấy cũng vậy, ông sao cũng xiên vẹo, méo mó các kiểu. Nhưng chẳng sao cả, đối với chúng tôi đó vẫn là sản phẩm đẹp nhất, bọn trẻ chúng tôi vẫn vui tít mắt khi có lồng đèn để đi chơi.

Xong phần bình chọn, cả nhóm cùng nhau đi rước đèn trung thu. Nhưng ngày đó đi chơi vất vả lắm, phải đi thành một tốp và đi chụm vào nhau để che gió cho cây nến trong lồng đèn không bị tắt, thời đó 100% đèn lồng là sử dụng nến, không có những loại sử dụng điện như bây giờ. Những chiếc lồng đèn trung thu bây giờ nhiều màu sắc, chạy bằng pin nên tụi trẻ con tha hồ cầm vui chơi, chạy nhảy mà không cần lo sợ đèn tắt làm mất đẹp, mất vui như bố mẹ chúng thời xưa.

Trung thu quê, kỷ niệm còn đọng mãi ảnh 11
Rước đèn trung thu tại làng quê, hình sưu tầm

Chúng tôi cứ tíu tít đi rước đèn, đôi khi các anh lớn hơn còn lôi quả trống ra để bày trò múa lân đi khắp hàng cùng ngõ xóm, tiếng trống cũng không hẳn là trống lân và điệu nhảy thì cũng chả có họ hàng gì với con lân cả, nhưng điều đó cũng chả làm chúng tôi bận tâm, trong lòng mỗi đứa khi ấy là cảm giác vui vẻ, háo hức và thích thích với điệu cười tít mắt, cứ thế chúng tôi chơi dưới ánh trăng rằm tới gần khuya mới chịu về ngủ.

Trung thu ngày nay với nhiều ý nghĩa hơn, nhưng…

Đến bây giờ trung thu có tất cả, đèn ông sao, đèn lồng đẹp hơn.... bánh trái các loại nhiều hơn. Cái gì cũng có nhưng chắc chắn rằng các con trẻ sẽ có không nhiều kỷ niệm như cha mẹ chúng ngày đó.

Trung thu quê, kỷ niệm còn đọng mãi ảnh 12

Có mua bánh trái trung thu hết rằm các con không ăn, đồ chơi trung thu có mua nhiều về hàng đống, các bé cũng chỉ chơi một chút là chóng chán, bởi nó không còn có hấp dẫn, không lôi cuốn bằng các trò chơi điện tử.

Trung thu bây giờ cũng khác hơn ngày xưa khi mà đời sống vật chất được nâng lên. Dịp này giờ không còn là mùa riêng của con trẻ nữa, mà trung thu còn là dịp để người lớn bày tỏ sự biết ơn, thương yêu và trân trọng đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp qua những hộp bánh trung thu đa kiểu dáng, mẫu mã.

Ở thành phố nhộn nhịp này, tôi ít được nghe tiếng trống lân đùng đùng khắp các ngõ xóm về đêm, không còn nhìn thấy cảnh trẻ con ríu rít cầm theo đèn lồng tự chế, chạy lon ton chạy theo các đầu lân trên những con đường làng không đèn điện.

Giờ trăng vẫn còn đấy, vẫn tròn mỗi dịp trung thu về, nhưng không hiểu sao vẫn thấy không sáng tỏ bằng thứ ánh sáng trong vắt xuyên qua mấy bụi tre làng trên những con đường thiếu vắng ánh điện đường của những ngày xa xưa ấy.

Tết Trung thu 2021: Ai từng có món đồ chơi Trung thu này chắc không còn trẻ Tết Trung thu 2021: Ai từng có món đồ chơi Trung thu này chắc không còn trẻ

Tết Trung thu 2021: Nhắc đến Tết Trung thu, nhiều người rưng rưng nhớ về món đồ chơi trung thu mà bố mẹ hay chính ...

Ảnh: Người Hà Nội đổ xô mua sắm đồ chơi Trung thu bất chấp dịch COVID-19 Ảnh: Người Hà Nội đổ xô mua sắm đồ chơi Trung thu bất chấp dịch COVID-19

Tối 20/9, rất đông người Hà Nội đổ về hiệu sách, cửa hàng văn phòng phẩm, quà lưu niệm trên các tuyến phố lớn để ...

Cảnh bán đồ chơi trung thu lạ đời ở Hà Nội Cảnh bán đồ chơi trung thu lạ đời ở Hà Nội

Tết Trung thu 2021 cận kề nhưng do vẫn phải tuân thủ giãn cách xã hội nên nhiều cửa hàng đã "sáng tạo" các kiểu ...

/ anninhthudo.vn