Trung Quốc "tung hỏa mù" che giấu tàu ngầm hạt nhân, lẳng lặng tiến ra đại dương

Trung Quốc được cho là đã cấu hình lại các tàu ngầm Type 094 thế hệ mới, đồng thời đưa ra các chiến thuật che giấu dấu hiệu nhận dạng của tàu.

Theo báo cáo mới công bố gần đây và các nhà phân tích quân sự, Trung Quốc không chỉ sửa đổi và nâng cấp tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN), tăng khả năng tàng hình và giảm tiếng ồn, mà còn sử dụng các chiến thuật đặc biệt để ngụy trang để che giấu số nhận dạng của tàu.

Báo cáo do Eric Genevelle, tác giả bách khoa toàn thư về tàu ngầm người Pháp và Richard W. Stirn, một cựu kỹ thuật viên tàu ngầm của hải quân Mỹ cùng viết. Theo đó, Trung Quốc đã cấu hình lại các tàu ngầm kiểu 094 thế hệ mới, đồng thời đưa ra các chiến thuật che giấu dấu hiệu nhận dạng của tàu. Vì vậy, rất khó để đánh giá nước này đang chế tạo bao nhiêu tàu.

Trung Quốc 'tung hỏa mù' che giấu tàu ngầm hạt nhân, lẳng lặng tiến ra đại dương - 1
Tàu ngầm hạt nhân Type 094A của hải quân Trung Quốc tại Biển Đông. (Ảnh: Reuters).

Quân đội Trung Quốc phát triển hai loại SSBN, Type 092 và Type 094. Phiên bản nâng cấp của loại sau được cho là có thể bắn JL-3 hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Julang (Big Wave), có tầm bắn hơn 10.000 km, vươn tới lục địa Mỹ.

Ngoài ra, Type 094A và Type 094B, phiên bản nâng cấp của Type 094, được cải tiến thiết kế thân tàu, theo báo cáo. Hai biến thể này được sửa đổi hệ thống sonar để giảm tiếng ồn, tháo các cửa mở và giảm các lỗ nhỏ trên mũi tàu.

Zhou Chenming, nhà nghiên cứu từ Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, nói việc Trung Quốc tiếp tục nâng cấp và sửa đổi vỏ tàu ngầm hạt nhân, kể cả trong cùng một loại là bình thường. “Việc xây dựng để đưa vào vận hành một chiếc tàu ngầm có thể mất tới 8 năm, trong khi các thiết bị điện tử và nhiều thành phần phức tạp sẽ phải tiến bộ nhiều thế hệ", Zhou nói.

“Hải quân Trung Quốc sẽ yêu cầu các nhà đóng tàu lắp đặt các thiết bị tiên tiến nhất vào thân tàu tiếp theo, trong khi các kỹ sư cần phải suy nghĩ về cách đặt những thành phần đó vào đúng vị trí. Tất cả những điều này có thể khiến thiết kế thân tàu thay đổi liên quan đến kích thước, 'cánh buồm', bánh lái, số lượng lỗ khoan và các yếu tố khác".

Quân đội Trung Quốc không tiết lộ có bao nhiêu SSBN đã được chế tạo và đưa vào biên chế, không giống như Mỹ và các nước phương Tây khác. Điều này cũng đặc biệt đúng với dòng tàu ngầm Type 094 thế hệ mới.

Một "biến thể B" của Type 094 gia nhập hải quân Trung Quốc trong lễ kỷ niệm 72 năm thành lập vào tháng 4, tên là “Changzheng 18”, có số hiệu “421”. Như vậy từ chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên mang số hiệu “401” đến chiếc mới nhất “421”, có vẻ như Trung Quốc đã đóng 21 tàu.

Nhưng thực tế, một số thân tàu hạt nhân của nước này đã bị dỡ bỏ, và Trung Quốc không công bố bao nhiêu tàu đã ngừng hoạt động cho đến nay.

Với chiến thuật ngụy trang, hải quân Trung Quốc sẽ in “409” trên 4 thân tàu SSBN Type 094. Ngoài ra, mỗi tàu ngầm được cho là có một đội thành viên trên tàu, còn các tàu "409" có bốn đội.

Báo cáo cho biết: “Mục đích là để giảm thiểu số lượng tàu ngầm hiện có thể bị phát hiện và đánh lừa các nhà quan sát về vị trí của chúng. Nếu một điệp viên quan sát thấy một chiếc '409’, họ sẽ không nghĩ rằng có một chiếc '409’ khác đang tuần tra"

Trung Quốc 'tung hỏa mù' che giấu tàu ngầm hạt nhân, lẳng lặng tiến ra đại dương - 2
Trung Quốc cải tiến tàu ngầm hạt nhân, triển khai chiến thuật 'ngụy trang'. (Ảnh minh họa: National Interest)

Các chiến thuật đánh lừa tương tự cũng được áp dụng với Type 092 thế hệ cũ, mà Bắc Kinh chính thức công bố chỉ có một chiếc, với số hiệu thân tàu là “406”. Tuy nhiên, có ít nhất hai tàu ngầm Type 092 với các kích thước và thiết kế thân tàu khác nhau được phát hiện có chung số hiệu thân tàu “406”.

Một nguồn tin trong quân đội cho biết Trung Quốc từng sở hữu tới 4 chiếc Type 092, đều có số hiệu thân tàu là “406”. “Nhưng Trung Quốc hiện thực sự chỉ sở hữu một chiếc Type 092 đang hoạt động và chiếc cuối cùng sẽ được thay thế bằng Type 094 trong vài năm tới”, nguồn tin của SCMP nói.

Lu Li-Shih, cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, cho biết việc sử dụng số hiệu thân tàu giả hoặc thậm chí che giấu số hiệu này nhằm gây nhầm lẫn cho đối thủ, nhưng điều đó khó có tác dụng trong một trận thực chiến.

Một số lượng nhất định tàu ngầm hạt nhân của quân đội Trung Quốc đã cập bến tại căn cứ hải quân thứ hai của họ ở Yulin, Tam Á, ngay bên cạnh Khu nghỉ dưỡng quốc gia Vịnh Yalong nổi tiếng tỉnh Hải Nam, nơi đón một lượng lớn khách du lịch nước ngoài hàng năm", Lu cho biết thêm. Chụp ảnh tàu ngầm đã trở thành một hoạt động phổ biến của khách du lịch.

“Sử dụng số hiệu thân tàu giả sẽ khiến các nhà quan sát và do thám bối rối khi tàu ngầm nổi lên khỏi mặt nước, nhưng con số này sẽ trở nên vô nghĩa trong các trận hải chiến, vì tàu đằng nào cũng lặn xuống vùng nước sâu”, Lu nói.

PHƯƠNG ANH (Nguồn: South China Morning Post)

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ đâm phải vật thể lạ ở Biển Đông Tàu ngầm hạt nhân Mỹ đâm phải vật thể lạ ở Biển Đông
Vụ va chạm tàu ngầm hạt nhân tại Bắc Cực bị giấu kín suốt 40 năm Vụ va chạm tàu ngầm hạt nhân tại Bắc Cực bị giấu kín suốt 40 năm
Trung Quốc có thể đang đóng tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới Trung Quốc có thể đang đóng tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới

/ vtc.vn