Trung Quốc: Căng thẳng Evergrande rồi sẽ qua, "thịnh vượng chung" ở lại

Theo chuyên gia, các biện pháp Trung Quốc đang sử dụng để thay đổi mô hình phát triển kinh tế, hướng tới "thịnh vượng chung" có thể phản tác dụng.

Đầu tháng 11/2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tầm nhìn cho tương lai của Trung Quốc gọi là “Trung Hoa mộng” (giấc mơ Trung Hoa). Tầm nhìn này kết hợp khát vọng của quốc gia và cá nhân, với mục tiêu song hành về lấy lại sự tự hào dân tộc và đạt được cuộc sống tốt đẹp cho mỗi cá nhân.

Giấc mơ Trung Hoa bao gồm các yếu tố như phát triển kinh tế bền vững, nhân rộng bình đẳng và chủ nghĩa duy vật thấm nhuần các giá trị văn hóa.

Theo Andrew Leung, nhà nghiên cứu chiến lược độc lập về Trung Quốc và quốc tế, sự nhấn mạnh của Chủ tịch Tập Cận Bình vào “thịnh vượng chung” gần đây phản ánh một đánh giá là, sau nhiều thập kỷ phát triển chóng mặt, đã đến lúc để Trung Quốc điều chỉnh quỹ đạo nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”.

Đó là để trở thành một đất nước “xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ, dân chủ, văn minh, hài hòa và hiện đại”. Mục tiêu này được mong đợi hoàn thành năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa.

Trung Quốc: Căng thẳng Evergrande rồi sẽ qua, 'thịnh vượng chung' ở lại - 1
(Ảnh minh họa: SCMP)

Từ "Trung Hoa mộng" đến "thịnh vượng chung"

Trong làn sóng cải cách và mở cửa những năm 1978, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình kêu gọi Trung Quốc “hãy để một số người làm giàu trước”. Từ đó, Trung Quốc phát triển chóng mặt.

Theo Forbes, Trung Quốc đại lục có 626 tỷ phú USD, nhiều thứ hai trên thế giới. Hai triệu người Trung Quốc có tài sản có thể đầu tư trị giá trên 1,55 triệu USD, chiếm 12% tài sản của các hộ gia đình. Năm 2020, những người giàu nhất nước này có trong tay 30,6% tài sản của cả nước, tăng so với 20,9% từ hai thập kỷ trước.

Trong khi đó, theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nước này có khoảng 600 triệu người với thu nhập trung bình hàng tháng là 1.000 nhân dân tệ (156,34 USD). Hệ số Gini (thước đo bất bình đẳng thu nhập có giá trị từ 0 đến 1) tại Trung Quốc đang ở mức 0,47, còn Mỹ là 0,41.

Ngoại trừ số ít triệu phú tự thân, cuộc sống tốt đẹp dường như không đến với nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc, khoảng 9 triệu người mỗi năm.

Các công ty lớn chấp nhận văn hóa làm việc “996”, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Cơ hội thăng tiến hạn chế, cạnh tranh không ngừng và chi phí nhà ở quá cao ở các thành phố lớn (dù mức lương cao hơn), tất cả đều khiến giới trẻ thất vọng, chưa nói đến trở ngại tài chính trong nuôi dạy con cái. Nhiều người băn khoăn về việc "lăn vào" guồng xoáy này, hay "nằm im" từ bỏ.

Trung Quốc: Căng thẳng Evergrande rồi sẽ qua, 'thịnh vượng chung' ở lại - 2
Văn hóa làm việc “996”, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần gây mệt mỏi ở Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Thế hệ học sinh thì mắc kẹt trong nhu cầu phải trở nên xuất sắc cho kỳ thi cao khảo (kỳ thi tuyển sinh đại học), để được vào các trường đại học danh tiếng và có một cuộc sống tốt đẹp hơn. "Xúc xắc may mắn" dường như chỉ ủng hộ những đứa trẻ giàu có, có khả năng chi trả học phí ngoại khóa. Tuy nhiên, quá nhiều giờ học ngoại khóa cũng dẫn đến một thế hệ “gà công nghiệp”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng hệ số bất bình đẳng trên 0,4 có khả năng gây bất ổn. Và với lo ngại về bất bình đẳng thu nhập, giới chức đang đứng trước thách thức phải thực hiện một chiến lược ba mặt trận để hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa – bao gồm xóa nghèo, định hướng lại nền kinh tế và khuyến khích thiện nguyện.

Ở mô hình phát triển kinh tế, Trung Quốc tập trung chuyển từ phụ thuộc xuất khẩu và đầu tư vốn - loại hình có xu hướng có lợi cho doanh nghiệp lớn, sang mô hình cân bằng hơn, “xanh” hơn và chất lượng cao hơn - tập trung vào dịch vụ, tiêu dùng nội địa, tăng năng suất của lực lượng sản xuất trong nước. Mô hình này cũng bao gồm sự tự chủ trong các ngành công nghệ quan trọng, khi đối mặt với sức ép từ Mỹ.

Mục đích cuối cùng là tạo ra nền kinh tế “hình olive”, với ít người giàu hơn ở phía trên và ít người nghèo hơn ở phía dưới, đa số tập trung ở giữa. Trung Quốc hiện có khoảng 400 triệu người sống với thu nhập trung bình, số người này dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2035.

Trung Quốc: Căng thẳng Evergrande rồi sẽ qua, 'thịnh vượng chung' ở lại - 3
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: BBC)

Chuyển đổi không dễ dàng

Evergrande là một minh chứng cho kết luận sự chuyển đối đến với "thịnh vượng chung" ở Trung Quốc không hề dễ dàng.

Hiện tại, các nhà chính sách Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn “khủng hoảng” xảy ra với tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande. Song việc họ có thể tái định hướng mô hình phát triển của nước này hay không vẫn chưa chắc chắn.

Nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc đang gặp “rắc rối chết người”. Khoản nợ lên tới khoảng 300 tỷ USD gây ra rủi ro lớn cho hệ thống tài chính Trung Quốc, với những tác động tiềm tàng cho thị trường toàn cầu. Nhưng theo chuyên gia Stephen S. Roach từ Đại học Yale, chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có nguồn lực để ngăn chặn các vụ vỡ nợ của Evergrande, cũng như khả năng vụ sụp đổ (nếu có) lan sang các tài sản và thị trường khác.

"Evergrande cũng là một hệ quả có ý thức và chủ ý của Trung Quốc, xuất phát từ chính sách giảm thiểu rủi ro và duy trì sự ổn định tài chính. Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong việc giảm các hoạt động ngân hàng phi chính thức trong những năm gần đây", ông nói. Bên cạnh đó, rủi ro của khủng hoảng Evergrande đối với nền kinh tế cũng hạn chế, do nhu cầu bất động sản đô thị ở Trung Quốc vẫn ổn định.

Bỏ qua Evergrande, vấn đề thay đổi mô hình tăng trưởng chung của Trung Quốc rõ ràng thách thức hơn.

Theo chuyên gia Raghuram G. Rajan đến từ Đại học Chicago, trong ít nhất 15 năm, Trung Quốc đã tìm cách tái cân bằng tăng trưởng từ xuất khẩu và đầu tư tài sản cố định, sang tăng tiêu dùng nội địa. Những nỗ lực này càng trở nên cấp bách hơn trước xung đột với Mỹ và một số nước.

Nếu thị trường trong nước mở rộng, Trung Quốc có thể giảm bớt các lỗ hổng chiến lược về việc phụ thuộc vào xuất khẩu, và việc các công ty nước ngoài phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, cũng mang lại đòn bẩy chiến lược mới. Nhưng có những trở ngại nghiêm trọng đối với con đường này.

Trung Quốc: Căng thẳng Evergrande rồi sẽ qua, 'thịnh vượng chung' ở lại - 4
Các nhà đầu tư lo ngại "bom nợ" Evergrande vỡ có thể ảnh hưởng đến thị trường Trung Quốc và toàn cầu. (Ảnh: Reuters)

Để tiêu dùng nội địa Trung Quốc tăng, cả tiền lương và thu nhập hộ gia đình từ các khoản đầu tư tiết kiệm phải tăng lên. Và để điều đó xảy ra, Trung Quốc phải tiến tới các ngành công nghiệp kỹ năng cao hơn, trả lương cho người lao động nhiều hơn; cộng thêm khu vực tài chính có thể đem lại lợi nhuận hợp lý ngay cả khi đầu tư với vốn rẻ.

Quá trình chuyển đổi này trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng khó khăn, nhưng nó đặc biệt thách thức với bối cảnh của Trung Quốc.

Từng chú trọng vào đầu tư tài sản cố định, Trung Quốc hiện phải đối phó với sự gia tăng lớn các khoản vay của các nhà phát triển và các đơn vị nửa chính phủ. Khi tái cấu trúc các tổ chức nợ quá nhiều, chính quyền Trung Quốc thường buộc các nhà đầu tư phải chịu lỗ, khiến niềm tin thị trường giảm sút, đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là lý do vì sao mọi con mắt đều đổ dồn về Evergrande như hiện nay.

Tương tự, các chính sách của Trung Quốc đối với quyền sở hữu tài sản trí tuệ (IP) trong quá khứ đã khiến các nền kinh tế tiên tiến cảnh giác với việc chia sẻ IP của họ với nước này.

Trung Quốc hiện phải tạo ra nhiều tài sản trí tuệ của riêng mình. Và dù họ có các trường đại học và các tập đoàn tư nhân có thể làm điều này, câu hỏi quan trọng quay về vấn đề là liệu các tổ chức có động lực đổi mới giữa một “rừng” quy định và chính sách hay không.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sau khi khởi động các chiến dịch để tiêu diệt tham nhũng, đã cố gắng tăng cường vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, mặc dù năng suất của họ có thể không ở nhóm đứng đầu trong nền kinh tế.

Các nhà chức trách nhấn mạnh rằng việc thắt chặt quy định đối với các công ty lớn như Alibaba của Jack Ma được thực hiện vì lợi ích của "sự thịnh vượng chung", được nhìn nhận như động thái phản ứng với sự giàu có tột độ của các cá nhân, sự độc quyền của các công ty, và việc bóc lột người lao động bằng văn hóa “996”. Động thái này cũng được cho là nhằm ủng hộ quyền riêng tư dữ liệu, chống lại các luồng dữ liệu xuyên biên giới và bị ảnh hưởng từ nước ngoài.

Trung Quốc: Căng thẳng Evergrande rồi sẽ qua, 'thịnh vượng chung' ở lại - 5
Alibaba hồi tháng 4 bị phạt hơn 2 tỷ USD vì bị cáo buộc có hành vi độc quyền. (Ảnh: Barron)

Nhưng vấn đề không nằm ở các mục tiêu đã nêu, mà là ở việc theo đuổi chúng trong một hệ thống thiếu cân bằng, theo chuyên gia Rajan.

"Mặc dù các nhà chức trách đã cẩn thận nhấn mạnh rằng chiến dịch tập trung vào những doanh nhân giàu có và nổi bật nhất, đặc biệt là những người dường như đang không đóng góp nhiều giá trị xã hội, nhưng thực tế nó vẫn có thể nhắm đến bất cứ ai. Bên cạnh đó, bằng cách siết chặt quy định với những người cực kỳ giàu có, chính phủ Trung Quốc có nguy cơ khiến những người giàu ít hơn mất động lực tạo ra giá trị.

Hơn nữa, ai là người quyết định điều gì có giá trị về mặt xã hội? Các quan chức. Họ đã xác định rằng trò chơi điện tử và dạy gia sư không quan trọng bằng sản xuất chip", chuyên gia bình luận.

Như vậy, các biện pháp siết chặt quy định mới với các ngành công nghiệp có thể phản tác dụng ở Trung Quốc: ngăn cản khu vực tư nhân mong muốn đổi mới và chấp nhận rủi ro, trong khi áp đặt quá mức bảo thủ quan điểm của giới chức trách đối với các hoạt động đang cần được khuyến khích.

Theo chuyên gia Stephen S. Roach, Đại học Yale, cách tiếp cận mới của Trung Quốc đang đi ngược lại với điều đã làm nên sức mạnh kinh tế lớn nhất của nước này trong 4 thập kỷ qua - hoạt động kinh doanh, văn hóa khởi nghiệp mạnh mẽ, sự năng động của khu vực tư nhân và sự đổi mới. “Căng thẳng Evergrande rồi sẽ qua còn thịnh vượng chung thì ở lại. Việc siết chặt các lĩnh vực dường như đang tua ngược lại thước phim về sự kỳ diệu Trung Hoa. Nếu không thể kết nối các vấn đề với nhau, các nhà lãnh đạo Trung quốc có nguy cơ đưa ra tính toán sai lầm”, ông nói.

PHƯƠNG ANH (Nguồn: SCMP, Project Syndicate)

"Bom nợ" Evergrande hủy kế hoạch bán 2,6 tỷ USD cổ phần trả nợ "Bom nợ" Evergrande hủy kế hoạch bán 2,6 tỷ USD cổ phần trả nợ
Guangzhou Evergrande, gã khổng lồ Trung Quốc trên bờ đổ vỡ Guangzhou Evergrande, gã khổng lồ Trung Quốc trên bờ đổ vỡ
Khủng hoảng của Evergrande lan sang Thụy Điển Khủng hoảng của Evergrande lan sang Thụy Điển

/ vtc.vn