Trong mắt “Nobita” Bartomeu, “Doremon” Messi chưa bao giờ là bạn

“Ở Barca, Messi là Doremon có thể giải quyết mọi chuyện. Vì thế, tôi đã trở thành Nobita”, Chủ tịch Barcelona Bartomeu nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2016.

Khi Barcelona đến Nhật Bản dự FIFA Club World Cup cuối năm 2015, một fan bản địa đã ví Bartomeu như Nobita vì vẻ ngoài của ông rất giống với nhân vật trong bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản. Trả lời phỏng vấn kênh Barca TV tháng 3.2016, ông đã tự nhận mình là Nobita, còn Lionel Messi là Doremon – chú mèo máy luôn có những bảo bối để làm nên những điều kỳ diệu.

Tuy nhiên, tình bạn giữa Nobita và Doremon chỉ tồn tại ở truyện tranh. Còn ngoài đời, mối quan hệ giữa Bartomeu và Messi đã đi vào đổ vỡ.

Con đường thăng tiến của Bartomeu

Bartomeu sinh năm 1963, năm 11 tuổi ông chính thức trở thành hội viên của Barca, số hiệu 16836. Ông thích môn bóng rổ và có năng khiếu thật sự nhưng không được nhận vào đội 1 vì… thiếu chiều cao.

Bartomeu được ví như Nobita, bởi có ngoại hình giống với nhân vật trong bộ truyện tranh của Nhật Bản. Còn ông ví Messi như Doremon. Ảnh: FC.
Bartomeu được ví như Nobita, bởi có ngoại hình giống với nhân vật trong bộ truyện tranh của Nhật Bản. Còn ông ví Messi như Doremon. Ảnh: FC.

Khi theo học tại ngôi trường danh tiếng ESADE, Bartomeu đã gặp người bạn và cũng là người thay đổi cuộc đời mình là Sandro Rosell. Năm 2003, 2người nằm trong đội ngũ cố vấn cho Joan Laporta tranh cử Chủ tịch Barcelona. Sau khi Laporta đắc cử, Rosell giữ vị trí Phó chủ tịch, còn Bartomeu là thành viên Hội đồng quản trị phụ trách… bóng rổ, bóng ném và khúc côn cầu.

Chỉ sau 2 năm, Laporta đã không còn đặt niềm tin vào Rosell và Bartomeu nữa. Khi Bartomeu bị sa thải, Rosell đã chọn cách đứng về người bạn của mình, chống đối Laporta, và điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến giai đoạn sau này.

Cuối năm 2010, Laporta thất bại, Rosell trở thành Chủ tịch Barcelona với số phiếu cao nhất trong lịch sử. Bartomeu trở thành ứng viên duy nhất cho vị trí Phó chủ tịch. Trong kỷ nguyên Rosell từ năm 2010 đến 2014, Barcelona đạt 8 danh hiệu nhưng cũng phá vỡ đi những giá trị truyền thống.

Đầu tiên là việc Barca quảng cáo trên áo đấu sau 110 năm lịch sử, khi bắt tay với Qatar Foudation. Sau đó, Rosell tước danh hiệu Chủ tịch danh dự của cố huyền thoại Johan Cruyff, người từng phản đối ra mặt việc Rosell ký hợp đồng với Ronaldinho năm 2003.

Dưới thời Rosell, ban giám đốc cũ của lò La Masia cũng bị cho ra đường. Thiago, một sản phẩm tiêu biểu của La Masia phải buộc bán xới qua Bayern Munich. Khái niệm “hơn cả một câu lạc bộ” dần rời xa Barcelona.

Sandro Rosell (trái) là người tiền nhiệm của Bartomeu và có ảnh hưởng lớn đến chiến lược điều hành của ông sau này. Ảnh: FC.
Sandro Rosell (trái) là người tiền nhiệm của Bartomeu và có ảnh hưởng lớn đến chiến lược điều hành của ông sau này. Ảnh: FC.

Tháng 1.2014, Rosell phải từ chức vì gian lận 38 triệu euro trong thương vụ chuyển nhượng Neymar. Với tư cách Phó chủ tịch thứ nhất, Bartomeu lên làm quyền Chủ tịch. 1 năm sau đó, ông ngồi vào vị trí quyền lực nhất đội bóng sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử.

Không có tình bạn dành cho Messi

Với quan hệ bạn bè lâu năm, tương đồng về nền tảng kinh doanh và giáo dục, Bartomeu về cơ bản tuân theo chiến lược kinh doanh thực dụng như Rosell khi tiếp quản Barca. Giai đoạn đầu, mọi thứ rất tuyệt vời. Ở mùa 2014-2015, Barca đã đầu tư 200 triệu Euro trên thị trường chuyển nhượng, mang về 6 tân binh gồm Luis Suarez, Ter Stegen, Rakitic, Bravo, Mathieu và Vermaelen. Mùa đó, Barca đoạt cú ăn ba với đỉnh cao là danh hiệu Champions League.

Tuy nhiên, ấn tượng tốt của fan Barca với vị “sếp” mới không kéo dài lâu. Tháng 1.2015, Bartomeu sa thải Giám đốc thể thao Andoni Zubizaretta, người đã mang về Suarez, Ter Stegen và ủng hộ việc Luis Enrique lên dẫn dắt đội thay cho Martino. Mất đi sự sáng suốt của Zubizaretta, Barca liên tục phạm sai lầm trên thị trường chuyển nhượng. Hàng loạt các bản hợp đồng được mang về như Coutinho, Dembele, Andre Gomes, Arda Turan, Paco Alcacer đều có rất ít đóng góp dù số tiền bỏ ra cho họ rất lớn. Chỉ riêng Dembele và Coutinho đã ngốn của Barca hơn 300 triệu Euro.

Messi gắn bó với Barcelona từ năm 2000 nhưng bây giờ anh nhất quyết ra đi bởi mâu thuẫn sâu sắc với Bartomeu. Ảnh: FC.
Messi gắn bó với Barcelona từ năm 2000 nhưng bây giờ anh nhất quyết ra đi bởi mâu thuẫn sâu sắc với Bartomeu. Ảnh: FC.

Trong hoàn cảnh đó, Bartomeu không tự cứu mình mà còn sử dụng những phương pháp của Rosell để loại bỏ những người “bất đồng chính kiến”, củng cố quyền lực. Bê bối “Barcagate”, dùng một công ty CTY I3 Ventures để đăng các bài trên mạng xã hội nói xấu các công thần trong lịch sử đội bóng như Messi, Gerald Pique… ép họ giảm lương có bàn tay của Bartomeu. Trong bức tâm thư gửi truyền thông, Messi cũng đã ngầm ám chỉ ban lãnh đạo "chơi chiêu" nhằm khiến các cầu thủ nhanh chóng phục tùng mệnh lệnh.

Cũng chính Bartomeu là người châm ngòi cho mâu thuẫn giữa Messi và Giám đốc thể thao Eric Abidal, trong vụ sa thải huấn luyện viên Valverde thay bằng Quique Setien. Cần biết rằng, Messi là cầu thủ có thâm niên nhất tại Barcelona còn sót lại từ thời Laporta còn làm Chủ tịch. Vốn rất kín tiếng và ít nói, Messi cũng không thể chịu đựng được cách Bartomeu điều hành đội bóng, đến nỗi công khai "bật" lại và đối đầu.

“Nobita” Bartomeu có vẻ ngoài thật thà, chất phác nhưng có lẽ ngay từ đầu đã không xem “Doremon” Messi là bạn của mình. Mối quan hệ giữa 2 bên gần như không thể hàn gắn, khi Bartomeu vẫn quyết không từ chức và đòi Messi bỏ ra 700 triệu Euro mới được tự do ra đi.

"Chúng tôi muốn thông báo rằng những quan chức ký tên dưới đây đã quyết định từ chức. Chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định này bởi không thể đảo ngược những tiêu chí và cách thức quản lý câu lạc bộ của Chủ tịch Bartomeu trước các thách thức trong tương lai, đặc biệt là sau dịch COVID-19", thông báo chính thức của 6 thành viên trong ban lãnh đạo Barca khi họ từ chức hôm 10.4 vừa qua, vì không cùng phe với Bartomeu.

"Chúng tôi muốn thông báo rằng những quan chức ký tên dưới đây đã quyết định từ chức. Chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định này bởi không thể đảo ngược những tiêu chí và cách thức quản lý câu lạc bộ của Chủ tịch Bartomeu trước các thách thức trong tương lai, đặc biệt là sau dịch COVID-19", thông báo chính thức của 6 thành viên trong ban lãnh đạo Barca khi họ từ chức hôm 10.4 vừa qua, vì không cùng phe với Bartomeu.

NGUYỄN ĐĂNG (Theo Football Conferences)

Mới nhất: Với 700 triệu Euro, Messi đồng ý các điều khoản với Man City Mới nhất: Với 700 triệu Euro, Messi đồng ý các điều khoản với Man City
Barcelona sẵn sàng cứng rắn để giữ chân Messi Barcelona sẵn sàng cứng rắn để giữ chân Messi
/ laodong.vn