Trở ngại điều trị bệnh nhi Covid-19

Bệnh nhi Covid-19 không có phụ huynh chăm sóc thường gặp vấn đề tâm lý lúc đầu, một số bé thuộc diện nguy cơ cao do có bệnh nền.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Đếm, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia được điều phối về Bệnh viện dã chiến số 2, Hải Dương, cho biết Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương đang điều trị 13 bệnh nhi Covid-19. Trong đó, cháu lớn nhất 12 tuổi, cháu nhỏ nhất mới chỉ 21 ngày tuổi khi nhập viện.

Hiện các nước và Việt Nam đều chưa có phác đồ chuẩn điều trị Covid-19 cho trẻ em, bởi số lượng bệnh nhi không nhiều. Tuy nhiên, việc chữa cho trẻ cũng gần giống với người lớn, tức điều trị triệu chứng. Nếu bệnh nhi diễn tiến nặng lên, bác sĩ sẽ cho dùng thêm các thuốc kháng virus.

Bệnh nhi nhỏ nhất đang điều trị vừa tròn một tháng tuổi. Bác sĩ nhận định trẻ sơ sinh 0-28 ngày tuổi được xếp vào nhóm nguy cơ do dễ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nguy cơ ngừng thở cao. Với nhóm này, bệnh nhi được theo dõi kỹ để kịp thời xử lý nếu có tình huống xấu. Do trẻ nhỏ diễn biến bệnh rất nhanh, các bác sĩ phải thường xuyên lưu tâm tới vấn đề ăn uống, nhịp thở, nhiệt độ của trẻ hoặc các biểu hiện ở đường tiêu hóa như nôn trớ, tiêu chảy.

Đến nay, toàn trạng bé khá ổn, bú tốt, không nôn trớ, không sốt, không có các biểu hiện của khó thở.

Trường hợp nhỏ tuổi thứ hai đang điều trị tại bệnh viện là cháu bé 9 tháng tuổi, có bệnh viêm tiểu phế quản kèm theo. Bệnh nhi không còn sốt, ho ít hơn, tươi tỉnh, bắt đầu ăn trở lại. Trường hợp này có bệnh lý nền kèm theo nên được xếp vào nhóm nguy cơ cao. Bác sĩ theo dõi sát sao các chỉ số sức khỏe của trẻ để phát hiện sớm biểu hiện Covid-19 và điều trị tích cực bệnh kèm theo.

Ngoài hai bệnh nhi nói trên, 11 trẻ còn lại đều có các chỉ số sức khỏe ổn định, không sốt, không đau mỏi cơ, không có các biểu hiện tiêu hóa hay hô hấp.

4342 1 1612584928 8310 1612585012 1 8627 1177 1612839226

Các bác sĩ Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhi 21 ngày tuổi. Ảnh: Trung Sơn.

Bác sĩ Đếm chia sẻ, thời gian đầu khi mới nhập viện, đa số các bệnh nhi đều quấy khóc vì nhớ nhà. Những trẻ có mẹ bên cạnh, bác sĩ hướng dẫn người mẹ mở cửa phòng thông thoáng để hạn chế phát tán virus quá nhiều trong phòng. Ngoài ra, cả mẹ và bé đều phải đeo khẩu trang hàng ngày. Các buồng bệnh tại Bệnh viện dã chiến số 2 được bố trí thoáng đãng, nhiều ánh sáng, giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm.

Đến nay, tất cả bà mẹ đi theo chăm sóc con đều có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV.

Những em bé quá nhỏ, mẹ của bé trước đó đã tiếp xúc ở nhà với con, là đối tượng F1 nên không được bên cạnh chăm sóc, gây khó khăn trong việc hợp tác điều trị. Những bệnh nhi này thường gặp một số vấn đề tâm lý lúc ban đầu. Bởi vậy, các bác sĩ luôn cố gắng lắng nghe, khích lệ tinh thần và dành cho các cháu tình yêu thương.

"Covid-19 là bệnh truyền nhiễm, chủng mới của virus lại có nguy cơ lây nhiễm rất cao, nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ kín mít nên không thể tương tác với trẻ quá nhiều. Chúng tôi chỉ có thể gửi gắm tình cảm tới các cháu qua lời nói, ánh mắt, cử chỉ", bác sĩ nói.

Những bé ít tuổi hơn được sắp xếp buồng bệnh gần phòng trực bác sĩ để tiện cho việc quan sát, hỗ trợ. Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai vừa tài trợ cho bệnh nhi tại Bệnh viện dã chiến số 2 rất nhiều đồ chơi, tạo sân chơi thu nhỏ thoáng đãng, giúp trẻ tạm quên đi nỗi buồn vì nhớ nhà.

Thúy Quỳnh

Mỹ ủng hộ cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO Mỹ ủng hộ cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 của WHO
Campuchia triển khai tiêm vaccine Covid-19 Campuchia triển khai tiêm vaccine Covid-19
Thứ trưởng Y tế: Thứ trưởng Y tế: "Dịch ở TP HCM phức tạp hơn nơi khác"
/ vnexpress.net