Tréo ngoe giải pháp tăng phí trạm BOT

Khi vẫn còn những lùm xùm, khuất tất, đề xuất tăng phí 37 trạm BOT trên cả nước được ví như ‘đổ thêm dầu vào lửa’.

Lại thêm một dịp Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thể hiện mối âu lo về sức khỏe của các doanh nghiệp BOT. Một văn bản vừa được đơn vị này đưa ra để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về tình trạng doanh thu của hàng chục dự án BOT và đề xuất một số giải pháp với các doanh nghiệp BOT này.

Cụ thể, theo thông tin từ Bộ GTVT, về tiến độ, tính tới tháng 5/2019, đã quyết toán toàn bộ hoặc một phần 59 dự án BOT, 2 dự án đang thi công. Về lưu lượng xe, trong năm 2018 có 31 dự án BOT lưu lượng xe thực tế cao hơn dự báo trong hợp đồng BOT, 11 dự án lưu lượng xe thực tế đạt 80-100% dự báo và 10 dự án có lưu lượng xe thực tế thấp hơn so với dự báo. Về phí, có 37 dự án tới thời hạn tăng phí 12-18% theo lộ trình, đến nay nhiều nhà đầu tư BOT đã đề xuất tăng phí…

Về phương án, Bộ GTVT đề xuất hai phương án: Thứ nhất tăng phí BOT đúng lộ trình trong giai đoạn 2019-2021, trong năm 2019 chỉ tăng phí với các dự án BOT có sụt giảm doanh thu lớn; Thứ hai, Bộ GTVT đề xuất 49 dự án có lộ trình tăng phí trong giai đoạn 2018-2021 phải lùi thời điểm tăng phí sang năm 2022.

treo ngoe giai phap tang phi tram bot
Trạm BOT dày đặc khiến ở nhiều tuyến đường, tiền phí đường bộ còn cao hơn phí xăng dầu.

Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án hai sẽ có 9 dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, Nhà nước phải bố trí khoảng 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ 9 dự án nhằm tránh bị đổ bể. Vì vậy, Bộ GTVT đang nghiêng về phương án 1.

Đúng như dự đoán, dư luận tỏ ra khó hiểu, thậm chí bức xúc trước đề xuất nói trên. Sự hữu lý của họ nằm ở chỗ, đã có quá nhiều những khuất tất liên quan tới các dự án BOT. Đầu năm 2017, báo cáo trước Quốc hội về kiểm toán các dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước cho biết, khoảng cách thực tế các trạm BOT không đủ 70km theo quy định, nhiều trạm thu phí cho dự án này nhưng lại đặt trên tuyến đường khác. Đáng lưu ý, dù chỉ kiểm toán 27 dự án nhưng có tới 80% số dự án phải rút ngắn thời gian thu phí với tổng số gần 100 năm. Mới đây nhất, tại diễn đàn Quốc hội, thông tin kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này được công khai khiến trăn trở ‘phần nổi của tảng băng chìm’ có thêm cơ sở.

Trực diện hơn, sự phản ứng được công nhận là có duyên cớ với trạm BOT Cai Lậy đã khiến việc thu phí ở đây phải dừng lại. Tuy nhiên, tới cuối thời điểm 25/3/2019, tình trạng vẫn không thay đổi, bởi công tác rà soát, thống kê các phương tiện được miễn giảm chưa xong. Dù phải chịu những thiệt thòi nhất định, nhà đầu tư BOT đã không thể làm ngơ trước những điều không thể chối cãi. Tới cuối tháng 5/2019, đã có đề nghị cho thu phí trở lại dự án BOT Cai Lậy bằng việc sẽ giữ nguyên vị trí trạm thu phí và giảm sâu giá vé, điều có vẻ như cố gắng hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là vị trí đặt trạm, vì thế không dễ dàng đưa ra những viễn cảnh lạc quan. Xin lưu ý, trường hợp của BOT Cai Lậy không phải là cá biệt.

Những giải pháp về thực trạng BOT vẫn đang… xa khuất, chưa rõ dáng hình, trong khi đơn vị quản lý ngành lại khiến mối nghi ngờ liệu có sự thân hữu, bao che, đánh đồng lợi ích doanh nghiệp BOT với phía quản lý nhà nước thêm chồng chất. Ngay tại nghị trường Quốc hội đang diễn ra, một vị ĐBQH đã chất vấn Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ GTVT về lý do vì sao hai bộ lại không muốn kiểm toán các dự án BOT và hỏi thẳng có lợi ích nhóm ở đây hay không.

Khẳng định của Bộ GTVT rằng ngay từ khi dự án BOT triển khai, đơn vị đã mời kiểm toán, chủ doanh nghiệp BOT cũng trực tiếp mời kiểm toán vào cuộc để kiểm toán, không thuyết phục được vị ĐBQH bởi ông ngồi cạnh ‘đồng chí Tổng Kiểm toán Nhà nước’. Sau phiên chất vấn nói trên, vị ĐBQH đã phải ngậm ngùi: "Thay vì có cách giải thích thẳng thắn để lấy lại lòng tin của dư luận và người dân, các bộ lại đưa ra các lý lẽ để biện minh, giải thích cho những động thái vốn đã bị nghi ngờ là thiếu minh bạch, thì càng làm cho người ta nghi ngờ, thiếu tin tưởng hơn".

Đáng nói, cách hành xử khiến “dư luận đã nghi ngờ lại còn khiến nghi ngờ hơn” lại lặp lại trong văn bản Bộ GTVT đang đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Căn cứ vào các thông tin được trích dẫn rộng rãi trên báo chí, hẳn đã có nhiều lúc người đọc phải vò đầu mà không tìm được sự logic.

treo ngoe giai phap tang phi tram bot Người dân dừng xe cả 6 làn, tắt máy phản đối thu phí trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình

Trong chiều 10/6 và sáng 11/6, nhiều tài xế dừng xe tắt máy khi qua trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình để phản đối ...

treo ngoe giai phap tang phi tram bot Tạm dừng thu phí Trạm BOT T2, chờ kiểm đếm xe

Kể từ khi cầu Vàm Cống khánh thành, các tài xế phản ứng việc thu phí tại trạm BOT T2 khiến trạm phải xả khoảng ...

treo ngoe giai phap tang phi tram bot Nóng: Chốt phương án thu phí trạm BOT Cai Lậy

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, trạm BOT Cai Lậy đã dừng thu phí hơn 1 năm nay, Thường trực Chính phủ đã ...

/ http://baodatviet.vn