Tình hình dịch COVID-19 trái ngược giữa các địa phương

TP.HCM có một tuần liên tiếp dưới ngưỡng 300 F0, trong khi đó, Đà Nẵng, Hải Phòng tăng nhanh số ca mắc, khiến người dân lo lắng khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.

Theo Bộ Y tế, ngày 22/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.707 ca nhiễm mới, trong đó 49 ca nhập cảnh và 15.658 ca ghi nhận trong nước (giảm 243 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.986 ca trong cộng đồng).

640 F0 tại Hà Nội diễn biến nặng, nguy kịch

Sau gần một tuần Hà Nội "hạ nhiệt", số ca mắc mới tại thành phố này tăng nhẹ trở lại với 2.945 F0 (tăng 140 ca so với ngày trước đó).

Theo Sở Y tế Hà Nội, bệnh nhân phân bố tại 391 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (137), Đống Đa (132), Thanh Trì (125), Gia Lâm (123)... Số mắc cộng dồn tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ 4 (từ 29/4/2021) là 108.806 ca.

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất ngày 21/1, cho thấy Hà Nội có 1.681 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.

Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 2.261 bệnh nhân COVID-19 ở mức độ trung bình, 640 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (tăng 3,7% so với trung bình 7 ngày trước).

Trong đó, 535 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 29 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 19 người thở máy không xâm lấn, 57 ca thở máy xâm lấn.

Theo kết quả đánh giá cấp độ dịch mới nhất của UBND Hà Nội đến ngày 21/1, thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng).

Hà Nội có 26 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và 4 khu vực gồm Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và Chương Mỹ ở cấp độ 3.

So với một tuần trước, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Long Biên từ cấp độ 3 (vùng cam) xuống cấp độ 2 (vùng vàng). Ngược lại, huyện Chương Mỹ từ cấp độ 2 lên cấp độ 3, không có đơn vị hành chính cấp huyện nào ở mức 4 (vùng đỏ).

Hai tuần qua, những địa phương ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất gồm Gia Lâm, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thường Tín, Hai Bà Trưng và Đông Anh. Ở cấp xã, phường, 43 đơn vị ở cấp độ một (vùng xanh) và 377 đơn vị ở cấp độ 2.

Về tỷ lệ phủ vaccine của Hà Nội, người 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều đạt 99,7%. Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều đạt tới 98%.

UBND thành phố chỉ đạo tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao; tổ chức lực lượng phòng, chống dịch bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

TP.HCM nhiều ngày liên tiếp dưới 300 F0

Sau 4 ngày kể từ khi công bố 3 ca nhiễm biến chủng mới đầu tiên trong cộng đồng, TP.HCM hiện chưa phát hiện thêm ca nhiễm Omicron. Tính đến 22/1, thành phố ghi nhận tổng cộng 68 ca nhiễm Omicron, trong đó 65 ca nhập cảnh, 3 ca cộng đồng. Một tuần gần đây, số F0 tại thành phố này cũng liên tục ở ngưỡng dưới 300 ca.

Ngày 22/1, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản khẩn công bố cấp độ dịch tại địa phương.

Theo đó, ở cấp quận/huyện, 21/22 địa phương đạt cấp độ một (vùng xanh). Địa phương duy nhất ở cấp độ 2 (vùng vàng) là huyện Nhà Bè. Như vậy, tuần qua, quận 1 và huyện Cần Giờ giảm cấp độ dịch cấp 2 xuống cấp một và không có địa phương nào tăng cấp độ dịch.

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các hoạt động phòng, chống dịch của TP.HCM vẫn được duy trì, tăng cường, đặc biệt là trong dịp lễ hội. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thông tin tất cả người đủ điều kiện tiêm vaccine theo quy định của Bộ Y tế tại TP.HCM đã hoàn tất tiêm mũi nhắc lại và bổ sung.

Về chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao, TP.HCM đã tiêm vaccine cho 19.957 người, đạt tỷ lệ 78,1% trong tổng số người thuộc nhóm nguy cơ. Số còn lại là trường hợp nhiễm bệnh, được điều trị tại nhà hoặc cơ sở tập trung. Khi đủ điều kiện, ngành y tế sẽ tư vấn và đưa đội tiêm đến tận nhà.

Chiều 22/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Đà Nẵng cho biết, trong ngày, địa phương ghi nhận 973 ca COVID-19. Trong đó, 4 ca cách ly tập trung, 315 F0 cách ly tại nhà, 7 ca trong khu phong tỏa và 647 F0 chưa cách ly.

897/973 ca mắc COVID-19 trong ngày có khả năng lây cộng đồng, tập trung ở một số địa phương: Thanh Khê (185 ca), Sơn Trà (168 ca), Liên Chiểu (149 ca), Cẩm Lệ (148 ca), Hải Châu (138 ca), Hòa Vang (74 ca), Ngũ Hành Sơn (35 ca).

Đến nay, thành phố tiêm 2.149.581 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm mũi một cho 980.546 người, mũi 2 cho 961.019 người và mũi 3 cho 208.016 người.

Trong ngày, các địa phương thuộc TP Hải Phòng công bố đã có 776 ca mắc COVID-19 được điều trị khỏi. Trong 17.606 F0 đang được điều trị, 114 ca diễn biến nặng, nguy kịch. Tính tới thời điểm này, Hải Phòng đã ghi nhận 46 ca tử vong do COVID-19.

Theo thống kê, hiện TP Hải Phòng thực hiện hơn 3,8 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong đó, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã đủ 2 liều vaccine đạt 99,99%; tỷ lệ này ở nhóm trẻ 12-17 tuổi là 99,98%.

Bộ Y tế đề nghị không cách ly y tế người về quê đón Tết

Ngày 22/1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê đón Tết Nguyên đán.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ cao: Người từ 18 tuổi trở lên được tiêm một mũi đạt 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 95,6%, tiêm mũi 3 đạt 18,6%. Trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi một đạt 94,1%, tiêm đủ 2 mũi đạt 82,2%.

Tình hình dịch COVID-19 trái ngược giữa các địa phương - 1
Những ngày cận Tết, khu vực ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng đông đúc. (Ảnh: Quỳnh Danh)

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán 2022 và đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai một số nội dung, cụ thể:

Hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở, hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các địa phương không được cách ly người về quê đón Tết Các địa phương không được cách ly người về quê đón Tết

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán ...

Phát hiện thêm hai ca nhiễm biến thể Omicron tại Hà Nội, cả nước 15.707 ca Covid-19 mới Phát hiện thêm hai ca nhiễm biến thể Omicron tại Hà Nội, cả nước 15.707 ca Covid-19 mới

Trong ngày 22-1, cả nước ghi nhận 15.707 ca Covid-19 mới. Đáng chú ý, Hà Nội tiếp tục phát hiện thêm 02 ca nhiễm biến ...

/ vtc.vn