Thực hư chuyện ‘người chết’ sống lại lúc sắp chôn

Nhân ngày lễ vui Hóa lộ quỷ Halloween vào ngày 31.10 hàng năm, báo Independent kể chuyện “người chết” sống lại lúc sắp bị chôn hoặc sống lại khi đang bị đặt trong ngăn lạnh chứa tử thi ở nhà xác.

thuc hu chuyen nguoi chet song lai luc sap chon
Mutora, "người chết sống lại" trong nhà xác

Mới đây ở thành phố Tingo Maria (Peru), giữa lúc tiến hành đám ma của Watson Franklin Mandujano Doroteo - được tuyên bố qua đời ngày 21.10 - những người dự lễ tin rằng họ đã thấy người thanh niên 28 tuổi vẫn còn thở trong quan tài chưa đóng nắp.

Quan tài an toàn được cấp bằng an ninh

Một bác sĩ được mời đến, và ông này xác nhận Doroteo có những dấu hiệu của sự sống, và anh được chuyển từ quan tài đến bệnh viện. Tuy nhiên, câu chuyện “tái sinh” không có được kết thúc có hậu: Tại bệnh viện, Doroteo lần thứ hai được xác nhận đã qua đời, nhưng tang quyến vẫn nói có thể anh vẫn còn và anh nằm bất động như chết là do hậu quả của các loại thuốc mà bác sĩ đưa vào cơ thể anh trong quá trình chữa răng.

Chuyện của Doroteo như lời nhắc nhở rằng đôi khi chưa chắc người được tuyên bố đã chết thì đúng là người đó đã chết. Những thế hệ trước từng biết điều này: Hồi thế kỷ 18, 19, vài nhà sáng tạo làm giàu nhờ bán loại quan tài an toàn:

Theo một bằng phát minh năm 1868, nếu như ai đó biết mình bị chôn sống, cứ việc giật vào sợi dây nối với một chuông báo động ở trên mặt mộ phần.

Loại quan tài Vester thậm chí còn có một dây thang “để nếu người đã chết tỉnh dậy có thể dùng dây thang này để leo ra khỏi quan tài và khỏi mộ”.

Theo tờ báo Anh, người sống trong thế kỷ 21 có lĩnh vực y tế tiên tiến có thể cười nhạo rằng quan tài an toàn đó là một sự cẩn trọng quá đáng. Nhưng trước khi cười nhạo, thì hãy xem vài câu chuyện khác về “người chết thức dậy”.

“Phép lạ” và nỗi khổ của chuyên viên pháp y

Như trường hợp kỳ lạ và có vẻ như là “phép lạ” của cụ Walter Williams 78 tuổi người Mỹ.

Ngày 26.2.2014, chuyên viên pháp y Dexter Howard (ở bang Mississippi) được mời đến nhà dưỡng lão, nơi cụ Williams sống thời gian cuối đời. Sau khi kiểm tra nhịp tim, ông tuyên bố cụ đã qua đời.

Ông Howard hoàn tất thủ tục giấy tờ, rồi đem xác cụ trong một túi đựng xác đến một nhà dịch vụ mai táng. Thế nhưng trước khi bắt đầu quy trình liệm, túi đựng xác động đậy.

Ông Howard kể với CNN: “Chúng tôi ghi nhận đôi chân cụ bắt đầu động đậy, như là đá đá. Cụ cũng bắt đầu thở nhẹ”.

Thật sự là cụ Williams còn sống và có đá chân. Người chuyên viên pháp ý chỉ có thể đưa ra một lời giải thích hợp lý nhất: Có thể máy chuyển nhịp tim - từng đặt dưới da ngực cụ - bắt đầu khởi động tim cụ, sau khi cụ được đưa vào túi đựng xác.

Nhưng ông Howard nhấn mạnh: “Điều quan trọng là đó là một phép lạ”.

Khi kể lại chuyện này, CNN chạm đến một vấn đề khác trên thế giới: thủ tục và nhân sự tuyên bố người qua đời có thể khác nhau.

Ở Anh, chuyên viên pháp y như ông Howard không thể tuyên bố khai tử, vì đây là việc của hai chuyên viên y tế có đăng ký ít nhất 5 năm.

Nhưng ở Mỹ, một chuyên viên pháp y có thể tuyên bố một người chết. Và vào lúc xảy ra “phép lạ” cho cụ Williams, CNN đưa tin 1.500 chính quyền hạt ở Mỹ chọn chuyên viên pháp y, và đa số họ không bị yêu cầu có bằng cấp y tế.

Ông Howard có 22 năm kinh nghiệm chuyên viên pháp y, nhưng ông là một quan chức được cử, không phải là một bác sĩ. Và hai tuần sau khi cụ Williams “sống lại”, ông Howard lại tuyên bố cụ đã chết.

Ông giải thích: “Mỗi vụ tôi làm là một kinh nghiệm học hỏi”. Khi CNN hỏi ông học được gì từ vụ này, ông đáp: “Thì phép lạ có thể xảy ra”.

May mắn làgia đình cụ Williams đồng ý với suy nghĩ của ông Howard. Người cháu trai Eddie Hester của người đã chết thật sự, nói: “Đấy là 2 tuần phép lạ đối với tôi, và tôi tận hưởng từng phút phép lạ này”.

Người sống lại lại chết vì sốc khi biết đang được liệm

Nhưng không phải tất cả những gia đình của “người sống lại” hài lòng với việc người nhà “ngưng chết”.

Năm 2011 tại Kazan (Nga), bà Fagilyu Mukhametzyanov, nạn nhân của một ca đau tim, tỉnh lại và la hét khi thấy mình nằm trong quan tài chưa đóng nắp.

Thế nhưng chuyện không kết thúc có hậu, theo các báo Nga. Người chồng Fagili Mukhametzyanov, 51 tuổi, kể: “Mắt vợ tôi nheo nheo, chúng tôi liền vội đưa bà ấy đến bệnh viện, nhưng bà ấy chỉ sống thêm 12 phút trong phòng hồi sức đặc biệt rồi lại chết, lần này là chết hẳn”.

Vài tờ báo Nga cho rằng bà Mukhametzyanov, 49 tuổi, lại chết vì một cú đau tim khác vì bà bị sốc khi biết mình đang được làm đám ma.

Có tin người chồng Mukhametzyanov bực tức gây sự với những bác sĩ tuyên bố vợ ông chết lần thứ nhất.

Lạnh thì ăn súp nóng, sống lại nốc rượu tiếp

Nhưng đối với chuyên viên y tế có kinh nghiệm, việc tuyên bố chết đôi khi là một công việc phức tạp.

Ngày nay, cái chết thường được mô tả là “sự ngưng hoạt động của não”. Nhưng giới y tế vẫn tranh cãi chính xác cái chết là thế nào, và nên dùng các kiểm nghiệm nào để xác nhận cái chết.

Bồi thêm vào khó khăn này là các triệu chứng như chứng ngủ rũ (gây ra tình trạng ngủ lơ mơ dài) vốn có thể kết hợp với chứng giữ nguyên thế, một bệnh thần kinh vốn làm chậm hơi thở, giảm độ nhạy cảm với cơn đau và các cơ cứng, cứ như là thần chết đã đến đoạt mạng.

Còn có triệu chứng hạ thân nhiệt (dưới 28 độ C) khiến một người có thể giống như ngủ đông hoặc đã chết não.

Triệu chứng này có thể giải thích trường hợp cụ bà Janina Kolkiewicz, 91 tuổi hồi năm 2014. Cụ đã nằm trong khoang trữ đông của nhà xác suốt 11 giờ, sau khi một bác sĩ gia đình ở Ba Lan tuyên bố cụ đã chết.

Giấy khai tử của cụ đã viết xong, vào lúc nhân viên nhà xác ghi nhận thì “tử thi” vùng vẫy trong túi đựng xác.

Có vẻ không ai quá bận tâm với trải nghiệm của cụ, cụ Kolkiewicz làm nóng người bằng một tô súp nóng cùng 2 miếng bánh.

Hai năm sau vụ “sống lại” của cụ Kolkiewicz, vào tháng 11.2016, sau một đêm nốc rượu vodka, một thanh niên 25 tuổi có tên Kamil (ở Ba Lan) tỉnh dậy, bàng hoàng thấy mình đang nằm trong ngăn lạnh của một nhà xác.

Kamil không hề biết anh đã bị ngưng tim sau khi rời khỏi quán nhậu, và được tuyên bố đã chết.

Theo báo chí địa phương, một bảo vệ bệnh viện nghe được tiếng ồn phát ra từ một ngăn lạnh của nhà xác. Ông kể: “Đôi tay tôi run bắn, khi tôi mở một cánh cửa, trông thấy một cơ thể trần truồng xin tôi một tấm chăn”.

Nếu các báo địa phương đưa tin chính xác, thì sau khi làm ấm người và được mặc quần áo, Kamil lại đến quán nhậu!

thuc hu chuyen nguoi chet song lai luc sap chon
Minh họa người chết trong nhà xác

“Người chết” hù nhát người sống trong nhà xác

Một vụ tương tự xảy ra ở thành phố cảng Alexandria (Ai Cập) năm 1999: Trong một kỳ nghỉ, giáo viên Ali Abdel-Rahim Mohammad, 32 tuổi, bất tỉnh khi đang bơi ở vùng biển gần đó. Ông cũng được tuyên bố đã chết, được đặt vào ngăn lạnh của nhà xác.

Sau này ông kể với báo Al-Akhbar: “Tôi thấy mình bị nhốt trong những vách kim loại, nghe tiếng thì thầm của người mà tôi không nhận ra là ai.

Vì quá lạnh, không thể hét lên, ông Mohammad chỉ có một cách báo mình còn sống: Nắm chặt cánh tay một nhân viên nhà xác đang sắp đóng cửa kho lạnh lại.

Người nhân viên bỏ chạy, hét thất thanh: “Cứu chúng tôi với”, cùng với một gia đình đến nhận dạng một xác chết khác.

Tiếp đó, người giáo viên “xác chết biết đi” run run tìm điện thoại để gọi về gia đình. Khi liên lạc được, người nhà hoang mang, vì bạn bè đi chơi cùng ông Mohammad đã báo với họ rằng ông đã chết.

Một vụ khác khiến nhân công nhà xác chạy “vắt giò lên cổ” và hét kinh hoàng là đầu năm 2014, khi Paul Mutora tỉnh lại trong nhà xác ở một bệnh viện cấp huyện tại Kenya.

Mutora, 24 tuổi, tính tự sát bằng cách uống thuốc rầy. Theo báo chí Kenya, anh được tuyên bố đã chết. Buổi sáng, cha anh cùng những người thân khác đến nhà xác để nhìn mặt anh lần cuối.

Đến chiều, họ về nhà chuẩn bị làm đám ma, thì được báo sau 24 giờ nằm trong nhà xác, Mutora “hiện về hù” những nhân công.

Bác sĩ Joseph Mburu phụ trách bệnh viện, giải thích: tác động của thuốc rầy chỉ khiến làm chậm hẳn nhịp tim, khiến giới y tế trông Mutora có vẻ chết: “Nhưng nạn nhân được cứu trước khi bị liệm”.

Báo giới nêu Mutora đã xin lỗi cha anh và các nhân viên nhà xác. Ít ra là không có ai tiến hành giảo nghiệm tử thi của Mutora. Chuyện giảo nghiệm này xảy ra với Carlos Camejo người Venezuela.

Năm 2007, Camejo 33 tuổi, được tuyên bố đã chết sau một tai nạn giao thông. Anh được đưa đến nhà xác. Theo báo El Universal, giới y tế chỉ biết anh còn sống, khi họ cắt mặt anh để giảo nghiệm tử thi. Tờ báo dẫn lời Camejo: “Tôi tỉnh lại vì đau không chịu nổi”.

Vợ Camejo đến nhà xác để nhận diện chồng, thì thấy anh ngồi chờ ở hành lang, còn sống. Camejo được chụp ảnh lưu niệm với vết sẹo trên mặt, và một biên bản bệnh viện ra lệnh mổ pháp y trên xác chết của anh.

Tổng thống còn sợ bị chôn sống, "bà ngoại xác sống" ngủ giấc dài rồi dậy đi nấu cơm

Chính Tổng thống Mỹ George Washington cũng từng đề phòng bị chôn sống, khi chuẩn bị đám ma cho chính ông. Hồi tháng 12.1799, lúc đang hấp hối, ông yêu cầu: “Hãy chôn tôi đúng cách, nhưng đừng đặt xác tôi vào hòm trong chưa đầy 3 ngày sau khi tôi chết”.

Vị lãnh đạo Mỹ được đặt trong quan tài suốt 3 ngày rồi mới chôn. Nhưng với ông, sự cẩn thận tránh không bị chôn sống là không cần thiết.

Nhưng với “bà ngoại xác sống” Liu Xiufeng ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) lại là một chuyện khác. Năm 2012, khoảng 2 tuần sau khi bà cụ Liu, 95 tuổi, bị té và bị chấn thương nặng ở đầu, bà hàng xóm Chen Qingwang phát hiện cụ bà Liu 95 tuổi nằm trong giường, xem ra không còn sự sống. Bà Chen kể: “Tôi lay miết, gọi tên cụ nhưng cụ không phản ứng gì”.

Theo phong tục địa phương, người chết được đặt trong quan tài trong nhà bà nhiều ngày, để bạn bè và người thân đến cúng viếng. Bà Chen quyết định khoan đóng đinh vào quan tài, chỉ đóng hờ nắp quan tài.

Một ngày trước khi an táng, tức 6 ngày sau khi bà cụ “chết”, bà Chen quay lại nhà bà cụ, phát hiện quan tài trống không, nắp được đem cất và “xác chết” mất tích.

Bà Chen kể: “Chúng tôi bàng hoàng, kêu hàng xóm tới giúp tìm”, và họ tìm thấy “bà ngoại xác sống” ngồi nấu cơm trong nhà bếp. Có tin cụ giải thích: “Tôi ngủ một giấc dài nên đói bụng, muốn nấu gì đó để ăn”.

Cụ cũng kể thoát ra khỏi quan tài không dễ: “Tôi phải đẩy miết cái nắp nó mới bung ra”.

Vì lẽ đó, những chiếc quan tài an toàn hóa ra không phải là ý tưởng tồi....

thuc hu chuyen nguoi chet song lai luc sap chon Bé sơ sinh sống lại chỉ vài phút trước khi hỏa táng

Mở bọc đựng thi thể con gái để nói lời từ biệt, ông bố Ấn Độ phát hiện em bé đang cử động với đôi ...

thuc hu chuyen nguoi chet song lai luc sap chon Người đàn ông sống lại sau khi ngưng thở trên đường đi cấp cứu

Ông Khanh ngưng tim ngưng thở trên taxi đi cấp cứu, được đội phản ứng nhanh Code Blue Bệnh viện Nguyễn Tri Phương kịp thời ...

thuc hu chuyen nguoi chet song lai luc sap chon Người đàn ông bất ngờ sống lại khi đang được người nhà thắp nhang lo hậu sự

Khi đang được người nhà thắp nhang lo hậu sự, người đàn ông bất ngờ cử động, người nhà nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến ...

thuc hu chuyen nguoi chet song lai luc sap chon Hy hữu: Bất ngờ sống lại khi đang được người nhà lo hậu sự

Thông báo tình trạng người bệnh xấu, bệnh viện trả về. Lúc người nhà đang lo hậu sự, chuẩn bị cho ông Quyền nhập quan ...

http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/thuc-hu-chuyen-nguoi-chet-song-lai-luc-sap-chon-74732.html

/ Một thế giới