Thứ trưởng Công Thương: "Đừng hiểu lầm Petrolimex độc quyền kinh doanh xăng dầu"

Ông Trần Quốc Khánh khẳng định không có chuyện để Petrolimex độc quyền bởi ngoài kinh doanh họ còn làm nhiệm vụ chính trị, tham gia bình ổn giá. 

"Đang có sự hiểu lầm về tỷ lệ nắm giữ 48% thị phần xăng dầu cả nước của Petrolimex, cho rằng đây là độc quyền, chiếm vị trí thống lĩnh", Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh đề cập như vậy tại buổi làm việc giữa Tổ công tác Thủ tướng và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngày 25/9.

Theo ông Khánh, các đại lý, tổng đại lý có thể thuộc Petrolimex hoặc thành phần kinh tế khác tham gia hệ thống phân phối do tập đoàn lập ra. Họ có thể rời hệ thống phân phối bất kỳ lúc nào nếu Petrolimex không có cách quản lý tốt, bảo đảm hệ thống phân phối của mình. "Vì thế, thị phần hôm nay của tập đoàn này có thể là 48%, nhưng có thể chỉ còn 10% sau một đêm nếu ban lãnh đạo làm không tốt", ông Khánh nói.

Theo giải thích của lãnh đạo Bộ Công Thương, có được thị phần là nhờ nỗ lực phát triển và giữ vững mạng lưới của tập đoàn. "Tình trạng độc quyền, đặc quyền xăng dầu với Petrolimex là không có, bởi ngoài kinh doanh họ còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, tham gia đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bình ổn giá", ông Khánh nói.

Thậm chí nếu để tập đoàn này kinh doanh theo cơ chế thị trường, cho phép giá bán ra theo giá thế giới, hiệu quả có thể còn tốt hơn, tỷ lệ cổ tức nộp cho Nhà nước cao hơn nữa, ông Khánh phân tích.

thu truong cong thuong dung hieu lam petrolimex doc quyen kinh doanh xang dau
Tổ công tác làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ngày 25/9. Ảnh: Nhật Bắc

Báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ giao, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Petrolimex cho biết, năm 2018 dự kiến tổng doanh thu đạt 158.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 5.000 tỷ, nộp ngân sách nhà nước 31.800 tỷ. Đến nay, theo giá trị cổ phiếu của Petrolimex đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, giá trị vốn hóa là 90.000 tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD), tăng 5,6 lần so với thời điểm cổ phần hóa.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho biết mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày càng tăng, đặc biệt là về giá giữa các đầu mối với thương nhân phân phối, lan sang đến bán lẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến gia tăng sản lượng và hiệu quả kinh doanh chung. Tình trạng vi phạm thương hiệu, gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi khó kiểm soát và chưa được đẩy lùi...

Đặc biệt, hệ thống cửa hàng xăng dầu toàn quốc gia tăng nhanh chóng với các cửa hàng thuộc đơn vị khác kinh doanh ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, chưa kể là có sự tham gia của doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài... "Việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động từ cuối quý II/2018 có thể sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Petrolimex Singapore cũng như kế hoạch nộp ngân sách nhà nước của tập đoàn...", ông Thanh cho biết.

Hiện Petrolimex đã cổ phần hóa tất cả 18 đơn vị không trực tiếp kinh doanh xăng dầu, tái cấu trúc thành công, hoàn tất hình thành 6 tổng công ty đều kinh doanh có hiệu quả.

Vốn sở hữu của Nhà nước tại Petrolimex hiện ở mức 75% và doanh nghiệp này đang tiếp tục đề xuất Chính phủ về phương án thoái vốn. Chủ tịch Petrolimex đề nghị, cấp có thẩm quyền giãn thời hạn thoái vốn đến năm 2019 – 2020 thay vì năm 2018 như kế hoạch và nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa lên 49%.

Ông Thanh lập luận, theo quy định tỷ lệ vốn nhà đầu tư nước ngoài tại Petrolimex tối đa 20%, và hiện đối tác chiến lược JX Nippon đang sở hữu 12% cổ phần tại Petrolimex, tỷ lệ room ngoại còn lại khoảng 7-8%, khá thấp. Trong khi một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác là PVOil đang được quy định tỷ lệ vốn góp nhà đầu tư nước ngoài lên tới 49%.

"Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn xấu nhất 2 năm trở lại đây, các nhà đầu tư trong nước không đủ nguồn lực quan tâm tới cổ phiếu Petrolimex. Vì thế, dù cấp có thẩm quyền yêu cầu vốn ngoại tại tập đoàn không được quá 20% nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục kiến nghị nới thêm tỷ lệ này", ông Thanh trần tình.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng hiện có vướng mắc khi vừa yêu cầu thoái vốn bằng cách thu hút nhà đầu tư ngoài Nhà nước vừa bắt buộc doanh nghiệp phải rút ra khỏi một số ngành nghề kinh doanh. “Tôi cho rằng khi đã cổ phần hóa, nhà nước chỉ nắm giữ 51% cổ phần, thậm chí thấp hơn, thì việc kinh doanh ngành nghề gì nên để các cổ đông quyết định”, ông Khánh phát biểu.

Trong khi đó, đại diện Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) nêu quan điểm, hiện chưa có văn bản nào thay thế các quyết định của Thủ tướng liên quan tới thoái vốn tại Petrolimex, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có công văn đôn đốc. "Đề nghị tập đoàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng, trường hợp cần điều chỉnh thì Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng", vị đại diện nhấn mạnh.

Về xăng sinh học E5 RON92, Chủ tịch Petrolimex cho biết, 8 tháng tổng lượng xăng sinh học bán ra của Petrolimex chiếm 47% tổng sản lượng xăng cung cấp ra thị trường, trong khi tỷ lệ chung cả nước là 40%.

Ông Trần Ngọc Năm - Phó tổng giám đốc Petrolimex nói thêm, hiện tập đoàn có năng lực phối trộn 8 triệu m3 xăng E5 RON 92, trong khi quy mô tiêu thụ cả nước loại xăng này khoảng 18 triệu m3. Ông Năm khẳng định năng lực phối trộn này có thể đáp ứng bất kỳ biến động nào; đồng thời tập đoàn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp khác nếu có nhu cầu.

Tuy nhiên, "ông lớn" xăng dầu lại gặp không ít khó khăn trong mở rộng mạng lưới cửa hàng bán lẻ, khi riêng thời gian xin cấp phép mở đường nối từ đường cao tốc vào cây xăng mất tới 6 tháng dù đã có quy hoạch.

Phân trần với các thành viên Tổ công tác Chính phủ, ông Trần Ngọc Năm cho hay, khi xin cấp phép mở đường dẫn, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ tại Sở Giao thông Vận tải các địa phương, rồi Sở lại phải xin ý kiến phê duyệt ngược trở lại từ Bộ... "Thời gian chờ ý kiến từ Bộ xuống tỉnh nhanh nhất cũng phải 6 tháng mới được chấp thuận. Cửa hàng xăng dầu có rồi mà không có đường vào thì không ai dám kinh doanh, xây dựng", ông Năm phân trần.

Kết luận buổi kiểm tra, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục ghi nhận nỗ lực của Petrolimex khi giá trị vốn hoá tập đoàn đã tăng 5,6 lần so với trước đây. Tập đoàn cũng đóng vai trò quan trọng trong bình ổn thị trường khi chiếm tới 48% thị phần xăng dầu cả nước. Cùng với đó là các số liệu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách. “Đây là những con số biết nói”, Phó chủ nhiệm đánh giá.

Tổ công tác đề nghị Petrolimex nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải cách hành chính, giảm chi phí; giữ gìn thương hiệu và chống gian lận thương mại. “Rất đáng mừng, tỷ lệ chung tiêu thụ xăng sinh học trước đây chưa đến 10%, nay tập đoàn đã lên tới 47% là một kết quả đậm nét, nhưng liệu có giảm giá xăng sinh học được nữa không, đề nghị các đồng chí quan tâm hơn”, ông Lục gợi mở.

Tổ phó Tổ công tác cũng đề nghị Petrolimex thực hiện thoái vốn, cổ phần hoá theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm phát triển bền vững, cân nhắc phân bổ nguồn lực tránh dàn trải.

Nguyễn Hoài

thu truong cong thuong dung hieu lam petrolimex doc quyen kinh doanh xang dau Petrolimex và PetroVietnam ký thỏa thuận hợp tác toàn diện

Trên cơ sở các điều kiện của Thỏa thuận này, Petrolimex và PetroVietnam sẽ xây dựng kế hoạch triển khai các công việc cụ thể, ...

thu truong cong thuong dung hieu lam petrolimex doc quyen kinh doanh xang dau Petrolimex giảm 300 đồng/lít xăng dầu để tri ân khách

Việc giảm giá này không theo phiên điều chỉnh định kỳ của cơ quan điều hành mà là chương trình tri ân khách hàng của ...

/ VnExpress