Thủ phạm khiến tinh trùng ‘chết yểu’

Sốt cao, chế độ ăn thiếu kẽm, làm việc môi trường nhiệt độ cao… đều ảnh hưởng đến sự hình thành tinh trùng.
 

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn thiếu một số chất như vitamin A, E; một số axít béo, axít amin và kẽm có thể ảnh hưởng trực tiếp lên tinh hoàn và gây giảm sinh tinh. Thiếu vitamin B liên quan đến quá trình sinh tinh do ảnh hưởng trực tiếp lên tuyến yên và gián tiếp lên tinh hoàn.

Gần đây nhiều ý kiến cho rằng các thức ăn hiện đại thường chứa nhiều gốc hóa học có tính estrogenic yếu; nếu tích tụ lâu ngày thì ức chế sinh tinh. Đây là một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng giảm chất lượng tinh trùng của nam giới đang được báo động.

Tinh trùng "xâm nhập" trứng (Ảnh minh họa)

Nhiễm trùng

Một số trường hợp vô sinh nam do giảm sinh tinh trùng sau biến chứng viêm tinh hoàn của bệnh quai bị. Biểu mô sinh tinh bị ảnh hưởng hay bị hủy hoàn toàn do tác động trực tiếp của nhiễm trùng, hiện tượng viêm, tăng nhiệt độ hoặc do phản ứng miễn dịch sau khi hàng rào máu - tinh hoàn bị phá hủy.

Tăng nhiệt độ tinh hoàn

Ở người, nhiệt độ ở bìu thường thấp hơn thân nhiệt khoảng 2 độ C. Trong trường hợp tinh hoàn không xuống hoặc tinh hoàn ẩn, quá trình sinh tinh sẽ bị ngưng lại.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt trên 38,5 độ C có thể ức chế quá trình sinh tinh trong sáu tháng. Ngoài tác dụng ức chế sinh tinh, nhiệt độ cao gây tổn thương ADN của tinh trùng. Thonneau và cộng sự năm 1998 thực hiện phân tích trên nhiều báo cáo đã ghi nhận tăng nhiệt độ làm giảm sinh tinh và tăng tỷ lệ tinh trùng dị dạng. Tác giả này cũng cho rằng những tài xế lái xe đường dài do tư thế ngồi lâu và điều kiện làm việc khiến nhiệt độ bìu tăng, dẫn đến giảm sinh tinh và vô sinh.

Trong một nghiên cứu khác của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (TP HCM), thực hiện trên 400 cặp vợ chồng đến khám vô sinh, chất lượng tinh trùng giảm ở nhóm bệnh nhân làm việc trong môi trường nóng thuộc những ngành nghề khác như đầu bếp, thợ hàn, thợ luyện kim, thợ hồ …

Môi trường sống và làm việc

Nhiễm độc một số kim loại nặng như chì, cadmium và thủy ngân gây giảm sinh tinh và gây vô sinh. Hút thuốc nhiều và uống rượu cũng ảnh hưởng trực tiếp giảm sinh tinh. Nghiên cứu tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ cho thấy chất lượng tinh trùng giảm ở những người hút thuốc lá và uống rượu.

Thuốc trừ sâu, diệt cỏ gây ảnh hưởng lên quá trình sinh tinh. Đặc biệt, dioxin cũng được ghi nhận có tác động lên quá trình sinh tinh và gây vô sinh. Quá trình sinh tinh trùng rất nhạy cảm với nhiều loại hóa chất có nguồn gốc công nghiệp và nông nghiệp.

Phóng xạ

Nếu tiếp xúc với phóng xạ cường độ cao, tất cả các loại tế bào sinh tinh đều bị ảnh hưởng dẫn đến vô tinh không hồi phục. Với cường độ thấp, quá trình sinh tinh phục hồi nhưng cần thời gian dài.

Ngoài ra, mặc dù quá trình sinh tinh hồi phục nhưng phóng xạ có thể gây tổn thương nhiễm sắc thể và gây bất thường ở thế hệ sau. Do đó, ở những bệnh nhân xạ trị để điều trị ung thư, người ta trữ lạnh tinh trùng trước khi xạ trị để duy trì khả năng sinh sản của bệnh nhân.

Từ trường

Từ trường với tần số thấp và cường độ cao gây tổn thương quá trình sinh tinh. Trong môi trường sống hiện nay, từ trường chủ yếu được tạo bởi các thiết bị điện gia dụng, thiết bị điện công nghiệp hoặc đường dẫn truyền điện. Các dạng từ trường này có sự thay đổi về tần số, cường độ và bước sóng.

Người ta cho rằng từ trường có tần số thấp, cường độ cao ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh. Gần đây, người ta cho rằng từ trường do điện thoại di động gây ra với tần số cao và cường độ trung bình cũng ảnh hưởng gián tiếp đến quá trình sinh tinh do tác động lên tuyến yên.

Các thuốc điều trị các bệnh lý nội khoa

Theo WHO, một số thuốc được ghi nhận ảnh hưởng đến sinh tinh như nội tiết tố, cimetidine, sulphasalazine, spironolactone, nitrofurantoin, niridazone, colchichine… Các thuốc điều trị ung thư thường ức chế mạnh quá trình sinh tinh. Hầu hết phác đồ hóa chất điều trị ung thư đều ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh tinh và gây tình trạng vô tinh tạm thời. Trong số đó, có khoảng 80% trường hợp hồi phục sau 5 năm.

Các bệnh toàn thân

Các bệnh lý toàn thân đều ít nhiều có ảnh hưởng đến hoạt động của tinh hoàn, nhưng nhiều khi không được chú ý. Các tình trạng bệnh lý cấp tính nặng như phỏng, nhồi máu cơ tim, chấn thương, phẫu thuật… đều ức chế chức năng tinh hoàn.

Suy thận mạn tính dẫn đến rối loạn điều hòa trục hạ đồi tuyến yên và gián tiếp ức chế chức năng tinh hoàn. Suy gan mạn tính gây rối loạn nội tiết, dẫn đến giảm sinh tinh, teo tinh hoàn, nữ hóa, giảm chức năng sinh hoạt tình dục…

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/khoe-dep/dan-ong/thu-pham-khien-tinh-trung-chet-yeu-3642249.html

/ Theo Dương Vũ/Vnexpress