Thông điệp đối chọi Trump của Biden trong đề cử nội các

Những đề cử đầu tiên trong nội các Biden cho thấy ông trân trọng kinh nghiệm quản lý và sự đa dạng, khác hoàn toàn với phong cách của Trump.

Sau khi Cơ quan Dịch vụ Công (GSA) thông báo chuyển giao các nguồn lực và dịch vụ sẵn có cho Joe Biden, Tổng thống đắc cử Mỹ cũng bắt đầu công bố những vị trí nhân sự hàng đầu trong Nhà Trắng, giúp công chúng có cái nhìn rõ hơn về kế hoạch lãnh đạo đất nước trong tương lai.

Nhiều quan chức trong bộ máy ngoại giao, an ninh được ông "chọn mặt gửi vàng" từng là những người phục vụ trong chính quyền cựu tổng thống Barack Obama. Một trong những vị trí được quan tâm nhất là ghế ngoại trưởng, được Biden giao cho Antony Blinken, thứ trưởng ngoại giao dưới thời Obama.

Cựu ngoại trưởng John Kerry được đề cử làm đặc phái viên về khí hậu, trong khi vị trí giám đốc tình báo quốc gia (DNI) dự kiến thuộc về Avril Haines, cựu phó giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) và cựu phó cố vấn an ninh quốc gia.

Alejandro Mayorkas, cựu thứ trưởng an ninh nội địa, được chọn làm bộ trưởng an ninh nội địa. Ba đề cử còn lại đã được công bố bao gồm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bộ trưởng tài chính, và cố vấn an ninh quốc gia, lần lượt thuộc về Linda Thomas-Greenfield, Janet Yellen và Jake Sullivan.

1024 7867 3395 1606286670

Từ trái qua phải: Antony Blinken, Janet Yellen, Jake Sullivan, Avril Haines (hàng trên), Linda Thomas-Greenfield, John Kerry và Alejandro Mayorkas (hàng dưới). Ảnh: Guardian.

Bình luận viên Gregory Krieg của CNN chỉ ra rằng không có thống đốc hay thượng nghị sĩ Dân chủ nào xuất hiện trong danh sách đề cử của Biden. "Rõ ràng ông ấy đang lựa chọn những người là chuyên gia trong lĩnh vực của họ, một cách không thể chối cãi, thay vì những tên tuổi nổi bật trong giới chính trị của đảng Dân chủ", Krieg nhận định.

Quyết định của Biden dường như dựa trên tình hình thực tế rằng phe Dân chủ đã không thể hiện tốt trong ngày bầu cử, khi không tạo ra được "làn sóng xanh" áp đảo phe Cộng hòa tại các vị trí trong quốc hội và chính quyền như họ từng kỳ vọng. Đảng Dân chủ hiện nắm thế đa số mong manh tại Hạ viện, trong khi quyền kiểm soát Thượng viện phải phụ thuộc vào cuộc bầu cử vòng hai cho hai ghế thượng nghị sĩ ở Georgia.

Việc rút bất cứ nghị sĩ nào từ Hạ viện hay Thượng viện để tham gia chính quyền sẽ đe dọa quyền lực của đảng Dân chủ tại quốc hội và nội bộ đảng dường như không muốn mạo hiểm.

Chính quyền Donald Trump từng nếm trải điều này. Họ từng đưa một số nghị sĩ đảng Cộng hòa vào chính quyền, buộc các bang phải tổ chức những cuộc bầu cử đặc biệt đầy tốn kém để bầu lại các ghế còn trống ở Hạ viện và Thượng viện, châm ngòi cho tình trạng chia rẽ đảng phái nghiêm trọng. Biden, người mong muốn khôi phục mọi thứ về trạng thái bình thường, được cho là không muốn lặp lại tình trạng này.

Với những lựa chọn trên của Biden, các vị trí cấp cao trong Nhà Trắng sẽ gần như không cần ai chỉ dạy khi bắt đầu tiếp quản nhiệm vụ. Điều đó cũng đúng với những ứng viên được ông đề cử vào vị trí lãnh đạo Bộ Ngoại giao hay Bộ An ninh Nội địa.

Blinken, nhà ngoại giao tốt nghiệp Đại học Harvard và Trường Luật Columbia, cùng luật sư Mayorkas không phải những gương mặt nổi tiếng, nhưng họ đều có kinh nghiệm dày dạn tại các cơ quan mà họ được chỉ định điều hành trong tương lai.

4 người còn lại cũng được đánh giá là các quan chức kỳ cựu và có uy tín cao. Việc lựa chọn họ dường như thể hiện đúng khẩu hiệu tranh cử "Xây dựng lại tốt hơn" của Biden.

Tính đa dạng dường như cũng được ưu tiên trong các lựa chọn của Biden. Nếu những ứng viên ông đề cử vào nội các được Thượng viện phê chuẩn, bà Yellen, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này, sẽ một lần nữa phá bỏ tiền lệ và trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ.

Trong khi đó, luật sư gốc Cuba Mayorkas cũng sẽ trở thành bộ trưởng an ninh nội địa đầu tiên là người nhập cư gốc Latinh, trong khi bà Haines sẽ là người phụ nữ đầu tiên dẫn dắt cộng đồng tình báo Mỹ. Bà Thomas-Greenfield, một quan chức ngoại giao người Mỹ gốc Phi kỳ cựu, cũng có thể là đại sứ Mỹ da màu đầu tiên tại Liên Hợp Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử, Biden cam kết thành lập một chính quyền "trông giống nước Mỹ" và quá trình đó đã bắt đầu, với minh chứng là gần một nửa nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử là người da màu và phụ nữ đông hơn đàn ông. Đây là bước ngoặt mạnh mẽ so với chính quyền Trump, người đã bổ nhiệm nhiều đàn ông da trắng vào các chức vụ hàng đầu hơn bất kỳ tổng thống nào trong vài thập kỷ qua.

Những lựa chọn nội các của Biden dường như còn thể hiện sự quay lưng với "chủ nghĩa Trump". Việc đưa John Kerry trở lại ở vị trí đặc phái viên khí hậu, đồng thời trao cho ông một ghế trong Hội đồng An ninh Quốc gia, đánh dấu sự chuyển mình khỏi quan điểm chối bỏ tình trạng biến đổi khí hậu của Trump. Ông chủ Nhà Trắng gọi biến đổi khí hậu là "thứ hoang đường" và rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, quyết định mà Biden cam kết đảo ngược.

Theo bình luận viên Krieg, riêng việc đề cử những người có chuyên môn cao đã là động thái bác bỏ mô hình mà Trump theo đuổi, với sự xuất hiện của các nhà tài trợ, những người mang nặng tư tưởng cánh hữu và đồng minh thiếu kinh nghiệm trong chính quyền.

Krieg đánh giá Biden còn đang nỗ lực giữ quan điểm trung lập, dù những người có xu hướng thiên tả đã góp phần làm nên chiến thắng của ông. Không ai trong số những lựa chọn đầu tiên trong nội các của ông được phe cấp tiến trong đảng Dân chủ đặc biệt yêu thích. Blinken thậm chí còn bị nhà tư tưởng nổi tiếng Robert Wright chấm "điểm C" về các giá trị tiến bộ.

Biden dường như thể hiện định hướng này khi đề cử bà Yellen làm bộ trưởng tài chính, với một phát biểu có phần khác thường. "Bà ấy là người sẽ được mọi thành phần trong đảng Dân chủ chấp nhận, từ những người cấp tiến đến ôn hòa", Tổng thống đắc cử tuyên bố.

Từ cuối vòng bầu cử sơ bộ và giai đoạn tranh cử sau này, Biden đã tìm cách xoa dịu sự chia rẽ về ý thức hệ trong nội bộ đảng Dân chủ, bằng cách giao cho những người thuộc phe cấp tiến các vị trí trong đội ngũ. Biện pháp này vẫn được duy trì trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Tuy nhiên, những chức vụ quan trọng dự kiến lại thuộc về nhóm cố vấn lâu năm đáng tin cậy, có xu hướng ôn hòa của Biden. Một số ứng viên của ông có thể có xu hướng thiên tả, nhưng Tổng thống đắc cử tới nay vẫn tránh cất nhắc những người có nguy cơ gây chia rẽ trong nội bộ đảng. Ngoài ra, nỗ lực tiếp nhận những ý tưởng cấp tiến của Biden suốt 4 năm qua cũng góp phần xoa dịu một số ánh mắt hoài nghi.

Chưa đầy hai tuần kể từ khi Biden lựa chọn Ron Klain, quan chức hàng đầu của đảng Dân chủ và là một trong những người thân tín nhất của ông, vào vị trí chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai, đội ngũ phụ trách đối ngoại và an ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử dần được lấp đầy.

Theo bình luận viên Krieg, tốc độ nhanh chóng này ẩn chứa thông điệp rõ ràng đến người dân Mỹ và thế giới rằng chính quyền mới sẽ sẵn sàng bắt tay vào việc ngay từ ngày đầu tiên Biden bước vào Nhà Trắng.

Ánh Ngọc (Theo CNN, AFP)

Nội các đầy tiềm năng của Joe Biden với sứ mệnh “hàn gắn” nước Mỹ Nội các đầy tiềm năng của Joe Biden với sứ mệnh “hàn gắn” nước Mỹ
Biden giới thiệu đội ngũ đối ngoại và an ninh tương lai Biden giới thiệu đội ngũ đối ngoại và an ninh tương lai
Ông Biden chỉ định một số vị trí chủ chốt trong nội các mới Ông Biden chỉ định một số vị trí chủ chốt trong nội các mới

/ vnexpress.net