Thêm nhiều nước tẩy chay ngoại giao với Olympic Bắc Kinh

Canada trở thành nước mới nhất tuyên bố “tẩy chay ngoại giao” với Thế vận hội (Olympic) Mùa đông Bắc Kinh, sau Mỹ, Australia và Anh.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 8/12 thông báo sẽ tẩy chay Olympic Bắc Kinh và cho biết chính phủ của ông “rất lo lắng” trước những cáo buộc nhân quyền ở Trung Quốc, South China Morning Post đưa tin.

“Chúng tôi phải gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc”, Bộ trưởng Ngoại giao Melanie Joly nói, nhắc đến các cáo buộc nhân quyền ở Trung Quốc.

Bà cho hay Canada đang “phối hợp với các đồng minh để tiếp tục có thêm nhiều quốc gia gửi thông điệp mạnh mẽ”.

Theo giới quan sát, quyết định của ông Trudeau dường như chắc chắn sẽ làm tăng thêm căng thẳng cho mối quan hệ vốn đã không êm đẹp giữa hai nước, đặc biệt là sau vụ bắt giữ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei theo yêu cầu của Mỹ.

Bà Mạnh Vãn Chu từng bị quản thúc tại gia ở Vancouver, được trả tự do và trở về Trung Quốc hồi tháng 9. Hai công dân Canada, Michael Kovrig và Michael Spavor, những người bị Bắc Kinh bắt giữ ngay sau khi bà Mạnh Vãn Chu bị giam giữ năm 2018, cũng đã được trả tự do vào tháng 9.

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ không cử bất cứ quan chức nào tham dự Thế vận hội.

“Sẽ có một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh, không có bộ trưởng hay quan chức nào tham dự”, ông nói trước quốc hội. "Tôi không nghĩ tẩy chay hoạt động thể thao là vấn đề nhạy cảm, chính phủ sẽ tiếp tục duy trì chính sách này".

New Zealand trong tuần này cũng cho biết họ sẽ không cử đại diện ngoại giao ở cấp bộ trưởng đến Olympic Bắc Kinh năm 2022, nhưng không mô tả đây là một cuộc tẩy chay mà thay vào đó viện lý do lo ngại về Covid-19.

Thông báo về động thái trên ngày 8-12, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết quyết định của Canberra được đưa ra trong bối cảnh Úc có "bất đồng" với Trung Quốc về một loạt vấn đề, từ luật chống can thiệp từ nước ngoài cho tới quyết định mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân gần đây của Úc.

Ông Morrison cũng viện dẫn vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và việc Bắc Kinh tiếp tục đóng băng hoạt động liên lạc cấp bộ trưởng với Canberra.

"Úc sẽ không lùi bước, liên quan lập trường vững chắc mà chúng tôi đã có để bảo vệ lợi ích của Úc. Việc chúng tôi sẽ không cử các quan chức Úc tới dự Olympic Bắc Kinh rõ ràng không có gì ngạc nhiên" - ông Morrison khẳng định.

Quyết định của Úc được đưa ra một ngày sau khi Mỹ tuyên bố "tẩy chay ngoại giao" Olympic Bắc Kinh. Quyết định của Mỹ được đưa ra căn cứ vào các hành động mạnh tay của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ và những hành vi vi phạm nhân quyền khác, theo Hãng tin AFP.

Mỹ là nước đầu tiên tuyên bố tẩy chay sự kiện thể thao lớn nhất thế giới vào đầu tuần này, theo đó, các quan chức chính phủ sẽ không tham dự Thế vận hội Bắc Kinh diễn ra tháng 2/2022 để phản đối những hành động mà nước này cáo buộc là “vi phạm nhân quyền” của Bắc Kinh. Động thái được đưa ra sau các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuần này, Trung Quốc cho biết Mỹ sẽ “phải trả giá” cho hành động tẩy chay của mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 6/12 chỉ trích những người kêu gọi tẩy chay Thế vận hội 2022 đã hành xử quá đà. Ông nói nếu có tẩy chay, đối tượng là "các vận động viên, thay vì chính trị gia" mới đáng quan tâm.

“Sự thành công của Thế vận hội không phụ thuộc vào sự có mặt của quan chức chính phủ một vài nước”, Tao Wang, người phát ngôn cho phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, nói với CBS News.

PV (th)

Thêm Australia tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh, chuyện gì sẽ xảy ra? Thêm Australia tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh, chuyện gì sẽ xảy ra?
Nối gót Mỹ, New Zealand không cử đại diện ngoại giao dự Thế vận hội Bắc Kinh Nối gót Mỹ, New Zealand không cử đại diện ngoại giao dự Thế vận hội Bắc Kinh
Mỹ tuyên bố không cử quan chức tới dự Olympic Bắc Kinh 2022 Mỹ tuyên bố không cử quan chức tới dự Olympic Bắc Kinh 2022

/ Nghề nghiệp và cuộc sống