Thế giới chật vật tìm giải pháp cho Haiti

Những lần can thiệp quân sự vào Haiti trước đây không giải quyết được khủng hoảng, buộc quốc tế phải tìm giải pháp mới sau khi Tổng thống Moise bị ám sát.

Khi tổng thống Haiti Jean Vilbrun Guillaume Sam bị ám sát vào năm 1915, Mỹ đã nhanh chóng đưa quân vào quốc gia vùng Caribe này và chiếm đóng trong 19 năm. Đến năm 1994, Mỹ lại đổ quân tới quốc đảo này trong chiến dịch "Duy trì Dân chủ", nhằm khôi phục chức vụ cho một tổng thống bị quân đội Haiti lật đổ.

Sau nhiều lần can thiệp khác của phương Tây, Haiti vẫn là quốc gia nghèo đói nhất Tây Bán cầu, đắm chìm triền miên trong hỗn loạn, bạo lực và thiên tai. Quốc gia bị tàn phá bởi các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và an ninh, trong khi thủ đô Port-au-Prince chứng kiến sự hoành hoành của các băng đảng tội phạm.

Cuộc khủng hoảng ở Haiti có nguy cơ lên đến đỉnh điểm sau khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát hôm 7/7, để lại khoảng trống quyền lực không thể được giải quyết bằng hiến pháp. Giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần có những giải pháp mới cho khủng hoảng ở nước này.

Thế giới chật vật tìm giải pháp cho Haiti

Cảnh sát Haiti tại Port au Prince ngày 8/7. Ảnh: AFP.

"Có rất nhiều điều có thể làm để giúp đỡ, nhưng chúng ta cần hết sức thận trọng, học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ", Brian Concannon, từng làm việc tại Haiti và là giám đốc điều hành Dự án Blueprint, tổ chức thúc đẩy nhân quyền trong chính sách đối ngoại Mỹ, nói.

"Trong lần can thiệp quân sự vào Haiti gần đây nhất, lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc đã ở Haiti 13 năm, tiêu tốn 7 tỷ USD và khi họ rời đi, có nhiều súng hơn và ít dân chủ hơn thời điểm vài tháng trước khi họ đến. Ngoài ra, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc còn bị cáo buộc gây ra dịch tả và các vụ lạm dụng tình dục ở nước này".

Trước khi Moise bị ám sát, đã có nhiều tranh cãi xoay quanh nhiệm kỳ của ông. Moise cho rằng nhiệm kỳ của ông kéo dài đến ngày 7/2/2022, trong khi phe đối lập cho rằng thời gian ông nắm quyền kết thúc vào ngày 7/2/2021. Bất đồng này bắt nguồn từ việc Moise được bầu trong một cuộc bỏ phiếu năm 2015 nhưng bị hủy bỏ vì gian lận, sau đó được bầu lại vào tháng 11/2016 và nhậm chức vào tháng 2/2017. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra để yêu cầu Moise rời ghế.

Mỹ, cường quốc nước ngoài có ảnh hưởng nhất đến Hati, đã ủng hộ quan điểm của Moise về nhiệm kỳ. Sau vụ ám sát, chính quyền Biden nhắc lại rằng Haiti nên tiến hành cuộc bầu cử vào tháng 9 để tìm ra lãnh đạo mới.

Francois Pierre-Louis, người từng phục vụ trong nội các Jean-Bertrand Aristide, tổng thống dân cử đầu tiên của Haiti và cũng từng hai lần bị lật đổ trong các cuộc đảo chính, nói "thật sai lầm" khi cho rằng chính quyền Mỹ đã hỗ trợ Haiti.

Ông bình luận rằng mối quan tâm của Mỹ đối với Haiti rõ ràng đã suy yếu dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, người được cho là đã nói những lời không hay về quốc gia này khi thảo luận về vấn đề nhập cư. Nhưng lẽ ra Biden nên nhanh chóng cảm nhận được tính cấp bách của cuộc khủng hoảng tại đây.

"Tôi biết rằng Biden có quá nhiều việc phải xử lý nhưng họ đã không làm gì khác so với chính quyền Trump", Pierre-Louis, giáo sư tại Trung tâm Sau đại học Đại học Thành phố New York, đánh giá. "Nếu Biden can thiệp sớm hơn, Jovenel Moise đã không bị ám sát".

Pierre-Louis cho rằng phương án cộng đồng quốc tế can thiệp quân sự vào Haiti sẽ không hữu ích, tuy nhiên, họ nên áp đặt lệnh cấm vận vũ khí quốc tế để ngăn các băng đảng Haiti tiếp cận được vũ khí từ bên ngoài.

Các cường quốc quốc tế nên thuyết phục cảnh sát Haiti giải giáp các băng đảng, yêu cầu minh bạch hơn về tiền viện trợ và cần đưa phe đối lập vào bất cứ giải pháp nào, ông nói.

Các nghị sĩ Mỹ do lãnh đạo ủy ban Đối ngoại Hạ viện Gregory Meeks dẫn đầu hồi đầu năm kêu gọi các bên suy nghĩ lại về tình hình Haiti, nói rằng tốt nhất không nên vội vàng tổ chức bầu cử và nên lắng nghe nhiều tiếng nói hơn.

Monique Clesca, nhà văn ở Haiti, nói rằng người Haiti trước hết cần được giải quyết các vấn đề cấp bách thường ngày như y tế, việc làm và giáo dục. "Tất cả chúng tôi đều chật vật vì các khoản đầu tư xã hội cần thiết không được thực hiện còn chúng ta thì cứ nghe mãi một điều: hãy tổ chức các cuộc bầu cử", bà nói.

"Vấn đề của Haiti nằm ở tầng sâu hơn và nó thực sự bắt nguồn từ sự bất bình đẳng", bà nói. "Chúng tôi cần nhấn nút dừng và khởi động lại".

Mỹ chiếm đóng Haiti giai đoạn 1915-1934 một phần do lo ngại nguy cơ Đức xâm lược hòn đảo. Nhưng với ít mặt hàng xuất khẩu, Haiti hiếm khi là một phần của bất kỳ trò chơi quyền lực lớn nào, đặt ra thêm dấu hỏi về lời giải thích chính thức của chính phủ Haiti rằng Tổng thống Moise bị ám sát bởi một nhóm lính đánh thuê nước ngoài.

Tuy nhiên, Robert Fatton Jr, chuyên gia về Haiti tại Đại học Virginia, nói rằng sự ổn định của Haiti là lợi ích quan trọng đối với Biden, vì khủng hoảng trầm trọng tại quốc gia này có thể thúc đẩy làn sóng người Haiti tìm đường đến Mỹ, càng làm nóng tranh cãi tại Mỹ về vấn đề nhập cư.

"Nói một cách thẳng thắn, Mỹ sẽ không để xảy ra hỗn loạn và mất trật tự lớn ở sân sau của mình", ông nói.

Phương Vũ (Theo AFP)

Mỹ điều động lực lượng hỗ trợ sau lời "cầu cứu" của Haiti Mỹ điều động lực lượng hỗ trợ sau lời "cầu cứu" của Haiti
Chiến dịch truy lùng nhóm ám sát Tổng thống Haiti Chiến dịch truy lùng nhóm ám sát Tổng thống Haiti
AP: Nghi phạm ám sát Tổng thống Moise là người Mỹ AP: Nghi phạm ám sát Tổng thống Moise là người Mỹ

/ vnexpress.net