“Thế giới 7 tỉ người” và phép tính của bộ trưởng

Thế giới có 7 tỉ người thì chỉ 3,5 tỉ người ăn gạo..., tới đây sẽ xin Quốc hội giảm diện tích đất lúa - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu trước Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với chỉ 3,5 tỉ người trên “thế giới 7 tỉ người” ăn gạo, sản lượng lúa gạo thương mại toàn cầu hàng năm chỉ khoảng 36 triệu tấn, với kim ngạch thương mại 3,2 tỉ USD. Và cái khách quan này tạo ra các áp lực và hạn chế việc xuất khẩu gạo.

Từ đó, ông nói sẽ xin Quốc hội giảm dần diện tích đất trồng lúa, khoảng 0,5 triệu ha đất, tương đương giảm 5-6 triệu tấn thóc, tức 3-4 triệu tấn gạo . Và, thay vào đó là cho các cây trồng khác có hiệu quả hơn.

Bộ trưởng cộng trừ tuyệt đối đúng. Cũng đúng như năm ngoái, ông tính toán thế giới có 7 tỉ người, nếu mỗi người ăn một cân tôm là 7 triệu tấn. Trong khi nguồn cung mới có 5 triệu tấn, rõ ràng chỗ này còn rất lớn.

Nhưng vấn đề ở chỗ cộng trừ đúng chưa chắc đã phải là đáp số đúng cho nông nghiệp Việt Nam. Bởi nếu con tôm mà cũng như hạt gạo, có lẽ, con số phần trăm trong kim ngạch toàn cầu cũng sẽ rất hạn chế.

Sáng nay, khi bộ trưởng tính toán trước Quốc hội, cũng vừa có tin Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood II) đang lỗ sấp mặt. Cụ thể, đại gia lương thực lỗ 60 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm. Nếu không nhờ thu nhập từ thanh lý tài sản, bồi thường tổn thất hàng hóa, không nhờ... cho thuê tài sản, Vinafood II lỗ đến hàng “ba con số”.

Nguyên nhân lỗ, quá quen thuộc: Do sản lượng gạo tiêu thụ trong và ngoài nước “không khả quan” và giá bán thấp, đến mức bên mua đưa giá thấp hơn cả giá thành sản xuất (theo VNE).

Một doanh nghiệp “đại gia” về lúa gạo mà lỗ, mà lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 2.040 tỉ, mà 63% trong tổng nguồn vốn là các khoản nợ thì liệu nông dân trồng lúa có khá khẩm?

Trồng cây gì, nuôi con gì để thực sự tạo hiệu quả, được đo bằng kim ngạch của ngành nông nghiệp và mức độ cải thiện đời sống cho nông dân, cho đến bây giờ vẫn là câu hỏi rất khó. Khó hơn nhiều so với phép cộng trừ đơn thuần để nhìn thấy dư địa hoặc thừa hoặc thiếu của thị trường.

Sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vừa nói: “Nếu không cải thiện được khâu chế biến thì không dập được chuyện hôm nay được, ngày mai mất. Không ai dự báo được ngày mai giá thế nào”. Vậy là ông cũng nhìn thấy hướng đi, và cũng là mong mỏi của nông dân. Dù đáng lẽ ra đó phải là một câu hỏi của nông dân mà bộ trưởng phải trả lời.

Bộ Công Thương: "Năm 2021 - 2025, cả nước nguy cơ thiếu điện"
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu 4 thách thức trong công tác phòng chống tội phạm ma túy
Chiều nay báo cáo danh tính người Việt chết ở Anh

 

/ laodong.vn