Thất vọng vụ ông Phạm Sỹ Quý

Với những sai phạm quá lớn, dư luận trông chờ ông Phạm Sỹ Quý sẽ bị xử lý nghiêm. Thế nhưng, ông Quý vẫn được tỉnh Yên Bái tin tưởng, tín nhiệm, điều động qua làm phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh và khối tài sản khổng lồ vẫn an toàn

Vừa qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện xử lý kỷ luật đối với ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) của tỉnh. Theo đó, áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Quý; cho thôi các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở TN-MT Yên Bái; điều động ông Quý đến nhận công tác tại Văn phòng HĐND tỉnh, đảm nhiệm chức vụ Phó Chánh văn phòng HĐND.

Cũng cần nhắc lại trước đó, Thanh tra Chính phủ kết luận ông Quý có nhiều sai phạm như: kê khai tài sản, thu nhập không trung thực trong một thời gian dài; không kê khai nhiều ngàn mét vuông đất ở, đất nông nghiệp do vợ đứng tên, nhiều thửa đất gia đình ông Quý sở hữu được chuyển đổi sai mục đích; vi phạm quy định tại khoản 4, điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng với vai trò của người đứng đầu Sở TN-MT…

Với những sai phạm quá lớn, có biểu hiện tư lợi mà Thanh tra Chính phủ kết luận, dư luận trông đợi diễn biến tiếp theo là xử lý như thế nào, đặc biệt là việc truy đến cùng tài sản của ông Quý- mấu chốt để làm rõ ông Quý có tham nhũng hay không, bởi một người cán bộ hưởng lương Nhà nước, lấy đâu ra khối tài sản kếch xù như vậy? Nếu tài sản bất minh thì tịch thu, bán đấu giá, sung công quỹ và thậm chí xử lý hình sự nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Như vậy mới gọi là kỷ luật nghiêm minh.

Thế nhưng, cuối cùng ông Quý vẫn được tỉnh Yên Bái tin tưởng, tín nhiệm, điều động qua làm phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh và khối tài sản khổng lồ vẫn an toàn, khiến dư luận thất vọng. Vì sao thanh tra phát hiện nhiều sai phạm lại không đi đến tận cùng sự việc: loại trừ khỏi bộ máy công quyền và truy tìm nguồn gốc tài sản? Vì sao Nghị quyết của Ban Bí thư không cho phép luân chuyển cán bộ yếu kém biến chất tham nhũng nhưng tỉnh Yên Bái vẫn thực hiện điều chuyển công tác ông Quý qua HĐND tỉnh với chức danh phó chánh văn phòng? Làm vậy có khác nào dung túng, bao che, thách thức dư luận? Làm vậy sao gọi là xử lý nghiêm minh, chống tham nhũng quyết liệt? Làm vậy sao có tính răn đe? Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không thể nào cán bộ cứ làm sai rồi giơ cao đánh khẽ, sau một thời gian sóng yên biển lặng lại được bổ nhiệm ở vị trí cao hơn một cách "đúng quy trình".

Thời gian qua, đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. Đảng đã quyết tâm và khơi được dòng chảy bằng nhiều cách làm cụ thể, đập tan những hoài nghi ban đầu về cuộc chiến với "giặc nội xâm". Hàng loạt vụ việc tiêu cực bị phanh phui, nhiều cán bộ, thậm chí cả cán bộ cấp cao đã bị xử lý. Đó là minh chứng cho quyết tâm làm trong sạch mình của Đảng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở nơi này, nơi khác, cuộc chiến phòng chống tham nhũng vẫn còn nửa vời, né tránh, "vuốt mặt nể mũi" mà điển hình là vụ việc ông Phạm Sỹ Quý.

Xin đừng chống tham nhũng nửa vời để rồi những cán bộ thoái hóa, biến chất lại cứ… ung dung tham nhũng.

that vong vu ong pham sy quy Cần xác minh tài sản ông Phạm Sỹ Quý có bất hợp pháp không

Cần tiếp tục xác minh nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý xem có bất hợp pháp hay không - Ủy viên thường ...

that vong vu ong pham sy quy NÓI THẲNG: Phải truy cho ra nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý

Thanh tra Chính phủ kết luận những sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Yên ...

http://nld.com.vn/ban-doc/that-vong-vu-ong-pham-sy-quy-20171031090615238.htm

/ Phạm Nguyễn Quỳnh Thư/nld.com.vn