Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn

Mặc dù các cửa khẩu biên giới vẫn hoạt động nhưng tình hình xuất nhập khẩu tại đây hiện nay vẫn chưa cải thiện nhiều. Đồng thời, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc áp dụng thêm các phương án kiểm soát nghiêm ngặt, phòng chống dịch bệnh nên hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới vẫn gặp khó khăn.

Không có hàng ùn ứ, nhưng xuất khẩu chậm

Trong 7 tháng đầu năm 2020, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nước trong đó có Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt phòng chống dịch, từ đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như hoạt động xuất, nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc hiện nay hàng hóa dù không còn tình trạng ùn ứ, nhưng việc xuất nhập khẩu không được nhộn nhịp như trước đây. Tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) mỗi ngày chỉ xuất nhập khẩu được khoảng hơn 100 xe hàng.

Chứng kiến và làm việc trực tiếp với nhiều doanh nghiệp, anh Hưng (một cán bộ Hải quan Lạng Sơn) cho biết, anh đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của các chủ doanh nghiệp về tình trạng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó. Họ nói rằng, mỗi container hiện nay xuất sang Trung Quốc phải lỗ đến cả trăm triệu đồng. Nhưng không còn cách nào khác họ vẫn phải bám trụ và thực hiện đúng quy định để hàng được xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, trong tháng 7, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn gặp nhiều khó khăn, do phía Trung Quốc thực hiện nhiều biện pháp quản lý mới tại biên giới. Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN ở những tháng cuối năm trong tình hình dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, Cục Hải quan Lạng Sơn đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan theo dõi, đánh giá tác động của dịch COVID-19 để đề xuất hướng xử lý kịp thời. Đơn vị cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu quả các giải pháp tăng thu, chống thất thu.

Cụ thể, tại cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, phía Trung Quốc thông báo để tăng năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa, từ ngày 1.7.2020, các phương tiện vận tải hàng hóa Việt Nam nhập cảnh vào Trung Quốc phải cung cấp giấy phép vận tải loại C. Đồng thời, các xe tải chở hàng hóa phải mua bảo hiểm phương tiện với giá 86 Nhân dân tệ (khoảng 300.000 VNĐ/1xe/7 ngày). Do đó, từ ngày 25.6 đến nay lượng xe vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh chờ xuất khẩu giảm mạnh so với thời điểm trước. Còn tại cửa khẩu Cốc Nam lượng hàng xuất nhập khẩu tại đây cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay mỗi ngày.

Ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà

Cũng theo ông Vy Công Tường, việc thực hiện cắt giảm thuế theo cam kết hội nhập và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết; Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, rất nhiều dòng hàng được cắt giảm thuế quan và có thuế suất thấp 0%-5% khi có C/O from E (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá) hợp lệ. Trong khi đó, lượng hàng hóa nhập khẩu qua các cửa khẩu thuộc nhóm dòng hàng được cắt giảm, có thể kể đến như: Sơmi rơmoóc, các loại xe chuyên dùng, hàng hóa tiêu dùng, nội thất, hóa chất, nguyên liệu sản xuất, hoa quả…

Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, tự vệ về thuế đối với một số mặt hàng có kim ngạch, số thu cao như mặt hàng sắt và thành phẩm của sắt; nhôm và thành phẩm của nhôm… nhập khẩu giảm mạnh cũng ảnh hưởng đến số thu của Hải quan Lạng Sơn. Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ở những tháng cuối năm trong tình hình dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát, Cục Hải quan Lạng Sơn đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan theo dõi, đánh giá tác động của dịch COVID-19 để đề xuất hướng xử lý kịp thời. Đồng thời, đơn vị cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu quả các giải pháp tăng thu, chống thất thu.

Đặc biệt, đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình dịch COVID-19; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà sách nhiễu; tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian hàng hóa lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu nhằm giảm thiểu các chi phí phát sinh. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trao đổi với phía Trung Quốc để bàn các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu và hàng nguyên liệu, linh kiện điện tử nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước.

Trong những tháng cuối năm, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tiếp tục vừa đảm bảo chống dịch, vừa tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan; tiếp tục tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Cao Nguyên

41 ô tô “đắp chiếu” hơn 3 năm ở cửa khẩu Hữu Nghị đã có lối thoát 41 ô tô “đắp chiếu” hơn 3 năm ở cửa khẩu Hữu Nghị đã có lối thoát
Trung Quốc siết chặt nhập hàng, cảnh báo nguy cơ dồn tắc cửa khẩu Trung Quốc siết chặt nhập hàng, cảnh báo nguy cơ dồn tắc cửa khẩu
Hàng hoá Hàng hoá "nằm chờ" tại cửa khẩu Lạng Sơn
/ laodong.vn