Thách thức nào đang chờ Tổng thống Mỹ sau bầu cử?

Năm bầu cử đầy gay cấn rồi cũng qua đi và nước Mỹ sẽ quay trở lại với những vấn đề thường ngày. Hiếm khi nào, nước Mỹ lại phải đối mặt với nhiều vấn đề gay cấn như hiện nay. Thách thức đó đang đè nặng trên vai ông chủ Nhà Trắng.

Thách thức nào đang chờ Tổng thống Mỹ sau bầu cử?  ảnh 1

Cuộc chiến bang “chiến địa” và cử tri trung dung

Khác với dự đoán, diễn biến cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay gay cấn đến phút chót, chứ không ngã ngũ sớm như kết quả của đa số các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử với ưu thế vượt trội của ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden trước đương kim Tổng thống Donald Trump. Vẫn như cuộc bầu cử lần trước vào năm 2016, một lần nữa những bang “chiến địa” lại giữ vai trò quyết định đến kết quả chung cuộc.

Do đặc thù địa hình vùng kinh tế, nền chính trị Mỹ chia làm 3 vùng rõ rệt. Vùng truyền thống của Đảng Dân chủ là những tiểu bang giàu có với đặc trưng nền công nghiệp, công nghệ thông tin, sản xuất đồ dùng, tài chính, như miền Tây có California và Washington, Trung - Tây có Illinois, Đông - Bắc có New York, Massachusetts và Connecticut. Trong khi đó, lãnh địa của Đảng Cộng hòa là những tiểu bang miền Nam và Trung - Tây với đặc trưng là nông nghiệp và sản xuất nhỏ, một số ít là công nghiệp. Các tiểu bang thuộc vùng kiểm soát của Đảng Dân chủ chiếm 52% dân số và 60% GDP cả nước, có thể bảo đảm cho ứng cử viên đảng này từ 254 đến 266 phiếu đại cử tri.

Với ưu thế truyền thống đã được xác định rõ theo vùng giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, cuộc chiến ở khoảng 10 bang “lưng chừng” hay bang “chiến địa” trong tổng số 50 bang của Mỹ mới đóng vai trò quyết định đến chiến thắng chung cuộc. Trên thực tế, diễn biến cuộc bầu cử năm nay đã diễn ra đúng như vậy. Cuộc đua giữa ông Donald Trump và Joe Biden thực chất là cuộc đấu ở các bang “chiến địa” như Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, North Carolina, Arizona…

Kịch tính sít sao của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay mà các dự báo trước bầu cử không thể xác định rõ còn xuất phát từ số cử tri trung dung, những người thường ít khi bộc lộ quan điểm với báo chí và các cuộc thăm dò dư luận. Trong khi những người đi bầu cử sớm phần lớn là những cử tri trung thành của Đảng Dân chủ và một số của Đảng Cộng hòa, thì những người trung dung chỉ đưa ra quyết định cuối cùng sẽ bầu cho ai ở thời điểm sát ngày bầu cử. Mặc dù kín tiếng, nhưng số cử tri trung dung này lại nắm vai trò quyết định tới 160/538 phiếu đại cử tri, một con số có ảnh hướng lớn đến kết quả chung cuộc.

Cuộc chiến bang “chiến địa” và ảnh hưởng của số cử tri trung dung đã trở thành điểm nổi bật của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay mà báo chí chắc sẽ còn phân tích nhiều trong tương lai. Đó cũng là đặc trưng của bầu cử Tổng thống Mỹ, luôn gay cấn và bất ngờ đến phút chót.

Thách thức nào đang chờ Tổng thống Mỹ sau bầu cử?  ảnh 2
Người dân Mỹ xếp hàng đi bầu tổng thống

Gánh nặng đang chờ ông chủ Nhà Trắng

Với người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, thách thức lớn nhất là dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), đại dịch đã gây thiệt hại không ngờ với nước Mỹ. Hồi đầu năm, khi trường Đại học John Hopkin đưa ra dự báo sẽ có khoảng 200.000 người Mỹ chết vì Covid-19, đa số người Mỹ còn chưa tin. Thế nhưng đến nay, Mỹ đang đứng đầu thế giới với trên 230.000 người thiệt mạng trong tổng số hơn 9,6 triệu ca nhiễm.

Không chỉ khó khăn vì mùa đông sắp đến mà vaccine ngừa Covid-19 còn chưa biết khi nào mới có, tân Tổng thống Mỹ còn phải làm sao giảm bớt mâu thuẫn trong lòng nước Mỹ về phương cách thoát khỏi đại dịch này. Trong khi nhiều người Mỹ coi ngăn chặn dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, thì cũng có không ít người lo ngại công ăn việc làm cùng nguồn thu nhập của họ sẽ bị mất nếu các biện pháp mạnh chống dịch được áp dụng.

Đi liền với ngăn chặn Covid-19 là thách thức làm sao phục hồi nền kinh tế vốn tổn thương nặng nề bởi đại dịch. Nếu như tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Mỹ trong 3 năm liên tiếp gần đây là 2,5%, thì con số này trong năm 2020 được dự báo sẽ tụt xuống -4,3%. Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây nay đã vọt lên con số gần 11 triệu, cao hơn nhiều so với mức 8,7 triệu thời kỳ suy thoái kinh tế năm 2007 - 2008. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, Mỹ sẽ trở thành quốc gia nợ nhiều nhất thế giới trong năm 2020.

Tiếp đó là làm sao giữ được vai trò ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra hết sức gay gắt. Nhiều người Mỹ không thể chấp nhận khi niềm tự hào của nước Mỹ về các sản phẩm gắn mác “Made in USA” đang dần biến mất. Họ vô cùng đau đớn với việc nhìn thấy những ngành công nghiệp siêu đẳng của Mỹ như công nghiệp thép cũng bị chuyển sang Trung Quốc, trong khi người Mỹ lại phải mua hàng “Made in China”. Thâm hụt thương mại của Mỹ năm ngoái cũng đã lên tới mức kỷ lục 577 tỷ USD, trong đó lớn nhất là với Trung Quốc.

Về triển vọng kinh tế Mỹ, trước đây, các chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ có thể sẽ phục hồi hình chữ V, tức là sẽ phát triển mạnh sau khi suy thoái sâu. Cũng có lúc người ta cho rằng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi hình chữ U, tức là có khoảng thời gian suy thoái sâu rồi bắt đầu hồi phục trở lại.

Thế nhưng cuối cùng, kinh tế Mỹ lại phục hồi hình chữ K. Ở phần trên của chữ K là những người có học vấn và giàu có, những hoạt động kinh doanh liên quan đến nền kinh tế số hoặc cung cấp những nhu yếu phẩm cần thiết cũng như các khu vực phát triển theo định hướng công nghệ. Còn phần dưới của chữ K là những người lao động thu nhập thấp, ngành nghề kinh doanh cũ cũng như các khu vực kinh tế phát triển dựa vào ngành du lịch và cần đến sự tập trung đông người. Những người thuộc nhóm này sẽ phải chịu “vết sẹo” kéo dài nhiều năm sau khủng hoảng.

Nước Mỹ vốn đang chia rẽ sâu sắc liên quan đến phân biệt sắc tộc, thể hiện qua các cuộc bạo động sau vụ một người da đen thiệt mạng do bị cảnh sát người da trắng sử dụng vũ lực quá mức cần thiết ở Minesota hồi giữa năm 2020, dẫn tới sự xuất hiện của các phong trào như Black Lives Matter và Antifa. Nay với mô hình phục hồi kinh tế hình chữ K, sự phân hóa giàu - nghèo sẽ lại càng rộng thêm, tạo nguy cơ bùng nổ mâu thuẫn xã hội. Đó là chưa kể những mâu thuẫn liên quan đến Chương trình bảo hiểm sức khỏe bắt buộc Obamacare, vấn đề phá thai, chính sách visa, nhập cư…

Năm bầu cử đầy gay cấn rồi cũng qua đi và nước Mỹ sẽ quay trở lại với những vấn đề thường ngày. Hiếm khi nào, nước Mỹ lại phải đối mặt với nhiều vấn đề gay cấn như hiện nay. Thách thức đó đang đè nặng trên vai ông chủ Nhà Trắng.

Biden kêu gọi nước Mỹ đoàn kết hậu bầu cử Biden kêu gọi nước Mỹ đoàn kết hậu bầu cử
Mỹ coi Trung Quốc là thách thức chính sách đối ngoại đầu tiên Mỹ coi Trung Quốc là thách thức chính sách đối ngoại đầu tiên

/ anninhthudo.vn