Tên của đóa hồng

Tôi hay sử dụng ngân sách gia đình đi mua đồ ăn vặt và thuốc lá. Lúc nào tôi cũng chọn cái siêu thị đắt đỏ nhất trong khu. Đồng chủ tài khoản tất nhiên không hài lòng: không khó để nhận ra rằng tôi chọn cái siêu thị đó là vì cô bán hàng xinh. 

Tôi hay sử dụng ngân sách gia đình đi mua đồ ăn vặt và thuốc lá. Lúc nào tôi cũng chọn cái siêu thị đắt đỏ nhất trong khu. Đồng chủ tài khoản tất nhiên không hài lòng: không khó để nhận ra rằng tôi chọn cái siêu thị đó là vì cô bán hàng xinh.

Sau đó là các cuộc phản biện chính sách gay gắt, rằng đồ ở đó rất đắt (tôi ngang ngược trả lời rằng việc cô kia xinh là một phần của trải nghiệm dịch vụ), rồi đến việc phản biện cô này không xinh (tôi nói xinh xấu tùy quan điểm), cuối cùng cực chẳng đã, phía phản biện đi đến chỗ giọng nói cô này không hay (tôi bảo xinh là đủ rồi). Nói chung là đối thoại bế tắc, và tôi được mặc kệ đi mua hàng đắt hơn 10% so với các siêu thị xung quanh.

Đây chỉ là ví dụ đơn sơ cho một mối quan hệ kinh tế. Bạn có thể làm một chuỗi thay thế khái niệm: nếu như tôi là một bên được quyền lựa chọn nhà thầu và đưa ra khuyến nghị chi tiêu của một công ty; món tiền ở đây là 28 triệu USD chứ không phải 28 nghìn đồng; nếu như "xinh" được thay thế bằng một dạng lợi thế khác, và "thích ngắm gái xinh" được đổi bằng một dạng thiện cảm bất kỳ khác; bạn sẽ nhận ra một thực tế quan trọng.

Đó là sự thiên vị trong các mối quan hệ kinh tế có thể được hình thành bởi những cảm xúc rất phức tạp.

Cho đến lúc này, luật pháp và xã hội Việt Nam chủ yếu ngăn chặn sự thiên vị trong quan hệ kinh tế chỉ bằng xác định hành vi đưa và nhận hối lộ. Tức là tập trung vào dạng thức dễ hiểu bậc nhất của thiên vị: anh đưa một khoản tiền đủ lớn, tôi thiên vị anh.

Thực tế của nền kinh tế thị trường mang đến cho ta những thứ đau đầu hơn thế. Không phải ngẫu nhiên mà chuyên gia Pháp Sandrine Jarry, trong một lời khuyên dành cho chính phủ Việt Nam gần đây, nhắc đến "vé mời xem bóng đá hay ăn trưa". Đó là những thứ phức tạp hơn một chút so với "đưa-nhận hối lộ".

Chúng gần hơn với một công cụ giao đãi tình cảm. Thiện cảm có thể hình thành từ bất kỳ thứ gì. Đó có thể là giọng nói, là lời dạ tiếng thưa, là ngoại hình, là một món quà rẻ tiền nhưng tâm lý.

Hãy đi đến một ví dụ phức tạp hơn: Bác sĩ vẫn có thể có thiện cảm với một hãng dược mà không hề có hành vi nhận hối lộ. Thiện cảm này có thể dẫn tới thiên vị khi kê đơn. Làm sao trách được một nhà chuyên môn yêu nghề có tình cảm với một bên hay mời anh ta đi các hội thảo chất lượng? Xa hơn, công tác nghiên cứu y học, nếu không phải bác sĩ phối hợp với các doanh nghiệp dược và thiết bị, thì ai? Quá trình chuyên môn này có khiến họ nảy sinh tình cảm với nhau mà không cần sự đút lót nào?

Ở Mỹ, bác sĩ ở bệnh viện được hợp tác với hãng dược tư nhân để tham gia nghiên cứu, vì đó là một quan hệ khoa học tốt. Chính phủ nước này cũng đã có lúc bối rối, và đành đề ra một giải pháp: hãng dược phải công bố tất cả các khoản thù lao cho bác sĩ ra đại chúng. Bệnh nhân thông thái tự vào xem, thấy ai tin được thì chữa ở người đó.

Bác sĩ chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều người nắm quyền điều chỉnh quan hệ kinh tế của chúng ta. Trong một nền kinh tế có sự chuyên môn hóa ngày càng cao, các quyết định kinh tế của ta ngày càng phụ thuộc vào đánh giá độc lập, nhưng chưa chắc khách quan của một nhóm thiểu số chuyên gia.

Bạn vận hành một tổ chức, nhưng bạn không thể giỏi tất mọi hoạt động của nó được: nếu ngày mai, ông trưởng phòng truyền thông đưa ra 3 lựa chọn nhà thầu thiết kế bảng biển, bạn sẽ làm gì? Đi học về marketing để thẩm định cho chắc? Nuôi thêm một ông chuyên gia nữa để giám sát ông này? Hay là bạn cứ yên tâm mà chọn lựa trong 3 nhà thầu đó thôi?

Xin thông báo một tin không vui: đã có sự thiên vị, và luật pháp không giúp gì được bạn trong chuyện này, vì trưởng phòng truyền thông của bạn không nhận hối lộ. Không cần đến xu hoa hồng nào. Trong số hai nghìn nhà thầu, ông ta đã chọn một nhà thầu vì hay đi ăn trưa cùng nhau; một bên khác vì tìm giúp vé xem trận bán kết AFF Cup (tự trả tiền); và một nhà thầu khác chính là công ty cũ của ông ta.

Tôi sẽ không nêu thêm những ví dụ, vì không thể tưởng tượng hết thực tế cuộc sống. Nhưng có 2 điều quan trọng có thể xác định được:

Đầu tiên, là sự hình thành xung đột lợi ích rất phức tạp và cần được mổ xẻ. Nước ngoài họ làm rất kỹ. Vị trí nào thì không được nhận quà. Vị trí nào thì được nhận, nhưng chỉ nhận bút bi lưu niệm thôi, không được nhận ấm pha trà. Có được đi ăn riêng không, và được đi với ai. Bác sĩ bệnh viện nào thì được ký hợp đồng với hãng thuốc; luật sư mà làm đại biểu Quốc hội thì được nhận khách hàng tư vấn nào? Nếu làm thì có phải công bố không? Đối tượng nào thì được đi hội thảo học tập do doanh nghiệp mua vé máy bay? Mua thuốc lá ở mức đắt hơn bao nhiêu so với mặt bằng thì được chấp nhận là "giá trị gia tăng", bao nhiêu thì tiến hành điều tra hành vi trục lợi.

Chúng ta, đặc biệt là chính phủ, cần hoàn thiện hệ thống nguyên tắc đó ngay lập tức. Vì chúng có rất nhiều, rất tốn chất xám.

Thứ hai, là không phải cái gì cũng có thể đưa vào bộ luật hình sự dưới tội danh "tham nhũng" hay "lợi dụng chức vụ quyền hạn". Có những sự thiếu khách quan chỉ có thể điều chỉnh bằng những nguyên tắc nội bộ; và cao hơn cả, là bằng văn hóa. Nhận thức được sự uyển chuyển đó, thì ta mới hướng tới được một xã hội minh bạch. Ngoài khung pháp lý, thì chính bạn, trong tư cách chủ doanh nghiệp, phải tự xây dựng các nguyên tắc đảm bảo minh bạch dựa trên đặc thù lĩnh vực. Bạn là người làm việc đó hiệu quả nhất, và góp vào bộ nguyên tắc chung của xã hội.

Trong một xã hội vận động liên tục, thì sự khách quan không thể mãi giữ gìn bằng công tác "phê bình và tự phê bình". Trong lúc ở các diễn đàn cao nhất, chúng ta mải mê tranh cãi về các thứ giản dị như "hoa hồng" hay "hối lộ", thì khu vườn đang trăm hoa đua nở, những đóa hồng khác hàm chứa xung đột lợi ích xuất hiện liên tục, màu sắc linh loạn. Gọi được đúng tên của hoa hồng, là một việc không đơn giản.

Đức Hoàng

ten cua doa hong Chủ tịch HĐND TP.HCM: ‘Nhiều cán bộ nhũng nhiều, vòi vĩnh dân\'

Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng vẫn còn những cán bộ có thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp chưa tốt, còn gây phiền ...

ten cua doa hong Xây dựng mức lương thỏa đáng để hạn chế tham nhũng

Việc xây dựng hệ thống lương thoả đáng cho cán bộ, công chức nhất là các vị trí lãnh đạo cao cấp cũng góp phần ...

ten cua doa hong Bộ Công an lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về tham nhũng

Lần đầu tiên, người dân có thể phản ánh hành vi tiêu cực, tham nhũng của công an qua số điện thoại: 069.234.2593.