Tái khởi động du lịch: Các địa phương đồng loạt kêu khó

Cùng với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, du lịch cần từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại. Nhưng việc tái khởi động du lịch trong thời điểm hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi tiêu chí du lịch an toàn, quy trình chống dịch ở các địa phương chưa thống nhất.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu cho biết, các doanh nghiệp du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, lao động rời bỏ ngành. Theo chủ trương thích ứng an toàn với dịch bệnh, du lịch cũng cần từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Dự kiến, từ tháng 11/2021, du lịch triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19. Về du lịch quốc tế, sau Phú Quốc sẽ được mở rộng ra một số điểm đến khác như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2022 và sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế từ tháng 6/2022.

Hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động tái khởi động du lịch. Một số địa phương chuẩn bị đón đầu việc đón khách quốc tế nhưng chủ yếu vẫn là triển khai đón khách du lịch nội tỉnh. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ông Trần Trung Hiếu cho biết, Hà Nội đón khách trong địa bàn thành phố vào tháng 10. Từ tháng 11 đón khách từ các tỉnh, thành kiểm soát dịch bệnh tốt và sẽ mở cửa đón khách theo trạng thái bình thường mới từ tháng 12.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh khẳng định, từ 21/9, Quảng Ninh bắt đầu triển khai du lịch nội tỉnh, tiến tới thu hút khách ngoại tỉnh, xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn an toàn cho tất cả các doanh nghiệp tham gia vào du lịch. Lao động du lịch đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Các địa bàn trọng yếu như Hạ Long, Yên Tử đã có khách trở lại. Hiện tại, Hải Phòng và Quảng Ninh đã thống nhất cách thức, tiêu chí triển khai thí điểm đón khách giữa 2 tỉnh. Nhưng muốn triển khai đồng bộ nhiều địa phương thì cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất từ Bộ VHTT&DL.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, tỉnh dự kiến triển khai đón khách từ Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh đến các cơ sở an toàn phòng, chống dịch và triển khai theo hình thức khép kín. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là lao động du lịch tại địa phương được tiêm vaccine ngừa COVID-19 còn ít. Chưa kể, nhân lực lao động du lịch cũng đang rất khó khăn, vì dịch bệnh, lượng lớn người lao động đã về quê, chuyển ngành.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện tại, một số địa phương xây dựng tiêu chí du lịch an toàn nhưng doanh nghiệp sẽ khó khăn triển khai khi tiêu chí các địa phương không thống nhất.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nhận định, hiện nay là du lịch còn gặp khó khăn do quy định đi lại, thẻ xanh, cách ly phong toả tại các địa phương khác nhau. Nhiều địa phương, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 còn thấp, chưa mạnh dạn mở cửa và vẫn chờ tiêm vaccine đủ 2 mũi. Các doanh nghiệp còn e ngại về tính hiệu quả, nhất là về doanh thu khi chưa có nhiều khách…

Bà Hạnh đề nghị, để tái hoạt động du lịch hiệu quả, cần sớm ban hành khung tiêu chuẩn về thẻ xanh cho khách nội địa, hộ chiếu vaccine với khách quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thẻ xanh bằng QR code tạo thống nhất chung cho các địa phương. Bộ VHTT&DL phối hợp với Bộ Y tế ban hành áp dụng tiêu chuẩn chung trong phòng, chống dịch tại các địa phương, nhất là trong quy định về cách ly, phong toả để cho doanh nghiệp và khách nắm rõ yên tâm đi du lịch. Cần hồ trợ đào tạo nhân lực du lịch trở lại, triển khai bảo hiểm COVID-19 cho khách nội địa.

Đại diện của nhiều địa phương khác như Quảng Bình, Bình Thuận, Lâm Đồng, Tây Ninh cũng đồng quan điểm, cho rằng du lịch sẽ khó vận hành nếu người lao động chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine và mỗi địa phương có tiêu chí khác nhau về du lịch an toàn, thậm chí địa phương khá lúng túng khi triển khai trong thực tế…

Ghi nhận phản ánh của các địa phương, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh việc cần thiết đưa du lịch trở lại và tập trung cho kích cầu du lịch nội địa. Trước mắt, ưu tiên làm du lịch nội tỉnh. Về các kiến nghị tiêm vaccine cho lao động du lịch, ông Việt cho rằng, nhiều địa phương nằm trong vùng ưu tiên của Chính phủ nên tỷ lệ được tiêm ngừa cao, nhất là các vùng tâm dịch. Triển khai tiêm ngừa cho lao động du lịch hay không còn phụ thuộc vào chính sách địa phương và lãnh đạo Sở quản lý du lịch tại địa phương nên tích cực tham mưu, thuyết phục lãnh đạo tỉnh, thành phố quan tâm, vì muốn đón khách thì không thể không tiêm cho người làm du lịch. Về tiêu chí đón khách du lịch nội địa an toàn, Thứ trưởng giao Tổng cục Du lịch chủ trì, triển khai, đồng thời có sự phối với Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công an để có những hướng dẫn, tiêu chí, định hướng chung, thống nhất.

N.Hoa

Mở cửa đón khách du lịch, doanh nghiệp băn khoăn giữa "ngã ba đường" Mở cửa đón khách du lịch, doanh nghiệp băn khoăn giữa "ngã ba đường"
Thí điểm đón khách quốc tế: Cơ hội vàng để du lịch Việt Nam "rã đông"? Thí điểm đón khách quốc tế: Cơ hội vàng để du lịch Việt Nam "rã đông"?
Dự kiến mở lại sau "4 tháng đóng băng", ngành du lịch Vũng Tàu lo thiếu nhân lực Dự kiến mở lại sau "4 tháng đóng băng", ngành du lịch Vũng Tàu lo thiếu nhân lực

/ cand.com.vn