Sức mạnh bộ đôi tàu hộ vệ tên lửa Việt Nam vừa đến Nga tham gia Army Games 2021

Bên cạnh Amry Games 2021, bộ đôi tàu hộ vệ tên lửa Gepard của Hải quân Việt Nam còn tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Hải quân Nga vào 25/7 tới đây.

Theo báo Quân đội Nhân dân, chiều ngày 22/7 (giờ địa phương), sau hành trình 8 ngày trên biển vượt qua 2.300 hải lý, biên đội gồm hai tàu hộ vệ tên lửa 015-Trần Hưng Đạo và 016-Quang Trung của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đến thành phố Vlapostok tham dự lễ duyệt binh nhân kỷ niệm 325 năm thành lập hải quân Nga và hội thao quân sự quốc tế Army Games 2021.

Được biết, đây là lần đầu tiên Hải quân Việt Nam cử đại diện tham gia “Cúp biển” - một trong số các phần thi của Amry Games 2021.

Sức mạnh bộ đôi tàu hộ vệ tên lửa Việt Nam vừa đến Nga tham gia Army Games 2021 - 1
Tàu 015-Trần Hưng Đạo cập phao an toàn theo đội hình duyệt binh tại thành phố Vlapostok vào chiều ngày 22/7. (Ảnh: Quân đội Nhân dân)

Cũng theo Quân đội Nhân dân, hai tàu 015-Trần Hưng Đạo và tàu 016-Quang Trung sẽ đại diện cho Hải quân Việt Nam tham dự lễ duyệt binh trên biển kỷ niệm Ngày Hải quân Nga vào 25/7 tới tại cảng Vlapostok, bên cạnh biên đội tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và các nước khác.

Chuyến đi lần này được đánh giá sẽ củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga, cũng như mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa quân đội hai nước nói chung và hải quân hai nước nói riêng. Chuyến đi cũng góp phần thúc đẩy hợp tác giữa Hải quân nhân dân Việt Nam với hải quân các nước tham dự Lễ Duyệt binh và tranh tài tại Army Games 2021.

Việc Hải quân Việt Nam tham gia Amry Games năm nay với cặp tàu chiến mạnh nhất một phần nào đó thể hiện quyết tâm đạt được thành tích tốt của Quân chủng Hải quân cũng như cán bộ chiến sĩ trên các tàu 015-Trần Hưng Đạo và 016-Quang Trung. Bên cạnh đó, Các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 cũng đáp ứng được các yêu cầu do ban tổ chức giải đấu đề ra.

Phần thi “Cúp biển” của Army Games 2021 sẽ có 4 nội dung, gồm: Kỹ năng hàng hải (điều động và cố định tàu bằng neo và buộc lái tàu vào phao cố định); đấu tranh chống chìm tại cơ sở huấn luyện trên bờ; sử dụng phương tiện cứu hộ (thực hành trên biển); thi bắn pháo tàu (bắn pháo vào mục tiêu trên biển, trên không và mục tiêu là mìn nổi).

Sức mạnh bộ đôi tàu hộ vệ tên lửa Việt Nam vừa đến Nga tham gia Army Games 2021 - 2
Tàu 016-Quang Trung trong lần đầu tiên tham gia lễ duyệt binh Ngày Hải quân tại Nga vào năm 2019. (Ảnh: Báo Hải quân Việt Nam)

Bộ đôi tàu chiến hiện đại nhất Việt Nam

Trong số các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam, thì bộ đôi Tàu 015 Trần Hưng Đạo và Tàu 016 Quang Trung được đánh giá có năng lực tác chiến toàn diện nhất. Sở dĩ nói như vậy là bởi ngoài hệ thống vũ khí tiêu chuẩn như trên thì các cặp tàu Gepard còn được trang bị thêm vũ khí chống ngầm cực mạnh.

Ngoài hệ thống vũ khí tiêu chuẩn như cặp tàu Gepard 3.9 đầu tiên, Tàu 015 và 016 còn được trang bị thêm cụm ống phóng ngư lôi hạng nặng 533mm PTA-53-11661.

PTA-53-11661 được đánh giá là sự bổ sung tuyệt vời cho các tàu Gepard 3.9 của Việt Nam giúp nâng cao đáng kể năng lực tác chiến chống ngầm cho tàu, bên cạnh việc sử dụng trực thăng Ka-28 vốn có năng lực chống ngầm hạn chế. Điều đặc biệt hơn cả là không có tàu Gepard nào của Hải quân Nga được trang bị hệ thống vũ khí này.

Ngoài thiết kế tàng hình nổi trội thì điểm khiến các tàu Gepard 3.9 được đánh giá mạnh hơn tàu cùng lớp của Nga chính là việc chúng sở hữu năng lực tác chiến đa năng trên biển: Từ chống hạm, chống ngầm cho đến phòng không - xứng đáng với danh hiệu lớp tàu chiến lớn và hiện đại nhất Việt Nam.

Sức mạnh bộ đôi tàu hộ vệ tên lửa Việt Nam vừa đến Nga tham gia Army Games 2021 - 3
Tàu 016-Quang Trung cùng vị trí các hệ thống vũ khí trên tàu. (Ảnh: Báo Hải quân Việt Nam)

Hiện tại các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam với cấu hình vũ khí cao nhất được trang bị một hải pháo AK-176M, một tổ hợp vũ khí đánh chặn tầm gần Palma-SU, 8 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E, hai tổ hợp pháo phòng không cao tốc AK-630M và hai cụm ống phóng ngư lôi 533mm PTA-53-11661, được bố trí cân đối đầu, phía đuôi và dọc thân tàu.

Cấu trúc thượng tầng của tàu còn là nơi bố trí các hệ thống trang thiết bị trinh sát điện tử như radar cảnh giới nhìn vòng Pozitiv-ME1 chuyên nhiệm trinh sát đối hải và đối không, radar điều khiển hỏa lực cho tên lửa chống hạm Mineral-ME, radar điều khiển hỏa lực MR-123 cho hải pháo AK-176M và vũ khí đánh chặn tầm gần Palma-SU.

Ngoài ra, để cho phép các tàu Gepard 3.9 hoạt động hiệu quả hơn trong các hành trình dài ngày trên biển phải mang theo trực thăng Ka-28, Hải quân Việt Nam đã tiến hành mở rộng nhà chứa máy bay của cả bốn tàu Gepard 3.9 có trong biên chế.

Hai quả tên lửa bắn về phía dinh tổng thống Afghanistan Hai quả tên lửa bắn về phía dinh tổng thống Afghanistan
Có tên lửa tấn công cực mạnh, vì sao Nga vẫn cần đến tàu sân bay? Có tên lửa tấn công cực mạnh, vì sao Nga vẫn cần đến tàu sân bay?

Trà Khánh

/ vtc.vn