Sự cố khiến 10.000 quân Áo tàn sát lẫn nhau năm 1788

Nạn rượu chè và rào cản ngôn ngữ khiến hàng chục nghìn binh sĩ Áo tự tấn công nhau đêm 17/9/1788, ngay trước trận đánh lớn với quân Ottoman.

Tháng 8/1787, sau một loạt động thái khiêu khích từ Nga, đế chế Ottoman quyết định tuyên chiến và khơi mào chiến tranh Nga - Thổ. Hoàng đế Áo Joseph II khi đó quyết định điều động quân đội giúp Nga theo hiệp ước liên minh được hai nước ký năm 1781.

Trong thành phần quân đội Áo có nhiều binh sĩ đến từ nhiều nước như Áo, Đức, Ba Lan và Pháp. Bất đồng ngôn ngữ khiến họ gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm họa trong trận đánh vào đêm 17/9/1788 ở thị trấn Karansebes, ngày nay nằm trên lãnh thổ Romania.

Quân Ottoman trong cuộc chiến với Áo. (Ảnh: War History). 

Trước đó, Áo huy động 100.000 quân để tìm cách kiểm soát sông Danube trước khi quân Ottoman xuất hiện. Sau quá trình hành quân mệt mỏi, họ dựng trại đóng quân gần Karansebes.

Đêm 17/9, một toán kỵ binh Áo nhận lệnh trinh sát quân Ottoman quanh nơi đóng quân. Sau khi vượt sông Timis gần đó, họ không phát hiện quân địch nhưng lại thấy một nhóm dân du mục. Nhóm kỵ binh Áo đã mua rượu từ nhóm người này để thư giãn trước những trận đánh khốc liệt sắp tới.

Không lâu sau, một toán bộ binh cũng vượt sông tìm đến nơi các kỵ binh Áo đang chè chén. Họ muốn nhập cuộc vui nhưng bị từ chối, khiến hai bên phát sinh mâu thuẫn và to tiếng với nhau. Sự việc vượt tầm kiểm soát khi một người trong số này nổ súng.

Lực lượng Áo đóng quân trong thị trấn Karansebes lập tức nghe thấy tiếng súng và cho rằng đó là quân Ottoman tập kích. Một binh sĩ Áo hét lên rằng "quân Thổ đến", đánh động những người lính đang tranh cãi bên kia sông.

Nhóm lính này ngừng cãi nhau, tìm cách trở về Karansebes nhưng đã quá muộn. Quân chủ lực Áo trong thị trấn quá hoảng loạn vì tưởng đối phương tập kích, một số người còn tìm cách bỏ chạy vì chưa sẵn sàng giao tranh.

Trong đêm tối, những binh sĩ trong thị trấn thấy một nhóm người vượt sông, tưởng nhầm đó là quân địch và bắt đầu khai hỏa. Trong khi đó, toán kỵ binh và bộ binh trong cơn say lại tưởng thị trấn Karansebes đã bị quân Ottoman đánh chiếm nên cũng bắn trả.

Một số lính Đức cố gắng ngăn đồng đội bỏ chạy bằng cách hét "dừng lại". Tuy nhiên, những người không biết tiếng Đức lại nghe thành "đấng Allah" giống tiếng hô xung phong của quân Ottoman và càng tin rằng Karansebes đang bị tấn công.

Một đơn vị kỵ binh vừa tới Karansebes tưởng nhóm lính say xỉn là quân Ottoman đang tấn công và bắt đầu đáp trả, trong khi chỉ huy pháo binh Áo lại ra lệnh tấn công nhóm kỵ binh mới xuất hiện. Những tiếng la hét của lính Đức, tiếng súng nổ và khung cảnh hỗn loạn vượt tầm kiểm soát của quân chủ lực trong thị trấn.

Sáng hôm sau, quân Áo mới ý thức được tình hình nhưng đã quá muộn. Ước tính khoảng 10.000 người chết và bị thương vì sự cố tai hại này.

Hai ngày sau, quân Ottoman đến thị trấn và nhận thấy rằng cuộc tấn công theo kế hoạch không còn cần thiết. Gần như toàn bộ quân Áo đã mất khả năng chiến đấu và rút khỏi Karansebes, giúp quân Ottoman dễ dàng chiếm nơi đây.

Một số tình tiết trong sự cố đêm 17/9/1788 vẫn là đề tài gây tranh cãi trong giới sử gia, nhưng đây vẫn luôn được coi là một trong những sự cố đáng xấu hổ nhất trong lịch sử quân đội Áo.

/ vtc.vn