Số ca Covid-19 trong nước vượt 3.000

Với 235 ca nhiễm được công bố ngày 26/5, số bệnh nhân Covid-19 trong nước một tháng qua đã vượt 3.000, hơn một nửa ở Bắc Giang.

Chỉ 3 ngày qua, số ca nhiễm đã tăng thêm 1.000. Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn là địa phương ghi nhận số bệnh nhân nhiều nhất trong đợt dịch này với 1.520 và 624. Hà Nội xếp thứ 3 với 344 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 90 ca, 49 ca ở Bệnh viện K).

Như vậy, 30 ngày qua, tính trung bình kể từ khi dịch bùng phát hôm 27/4, mỗi ngày Việt Nam ghi nhận hơn 100 ca nhiễm. Con số lớn nhất trong 4 đợt bùng phát dịch. Covid-19 xuất hiện ở 30 tỉnh thành.

Số ca Covid-19 trong nước vượt 3.000

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân ở Bắc Giang. Ảnh: Giang Huy.

Dự báo những ngày tới, các ca Covid-19 tiếp tục tăng do Bắc Giang tổng lực xét nghiệm. Địa phương đang cách ly tập trung hơn 12.600 F1 và hơn 60.000 công nhân cách ly trong các khu dân cư phong tỏa ở huyện Việt Yên. Đặc biệt còn khoảng 50.000 người có nguy cơ cao đang chờ xét nghiệm.

Để đối phó dịch, Bắc Giang quyết định cách ly thêm 2 huyện Hiệp Hòa và Yên Thế với tổng cộng khoảng 330.000 dân theo chỉ thị 16 từ 12h ngày 26/5, sau khi cách ly 4 huyện gồm Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam.

Như vậy, đến nay, 6 trong 10 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bắc Giang đã cách ly xã hội. Người dân 4 huyện, thành phố còn lại gồm TP Bắc Giang, Tân Yên, Lục Ngạn, Sơn Động được yêu cầu không ra khỏi nhà nếu không có việc cần thiết.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết địa phương này đã có phương án sẵn sàng cho tình huống cách ly xã hội toàn tỉnh theo chỉ thị 16, nhưng ở thời điểm này chưa cần áp dụng. Những ngày tới, tỉnh sẽ theo sát diễn biến của dịch, nếu có lý do cần thiết sẽ lập tức phong tỏa toàn tỉnh.

Số ca Covid-19 trong nước vượt 3.000

Chốt cứng dựng bằng gạch, cống bê tông ở phường Võ Cường. Ảnh: CTV.

Trong khi đó, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh lập hơn 115 chốt kiểm soát để giám sát người dân không ra ngoài sau 20h không cho người từ vùng dịch, xe chở khách vào thành phố. Xe chở lương thực được vào khi đảm bảo chỉ có một tài xế, không biểu hiện ho, sốt và có giấy xét nghiệm âm tính.

Họp chống dịch hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói "Bắc Giang, Bắc Ninh đang là pháo đài chống dịch cho cả nước, vì cả nước và cả nước cũng phải vì hai tỉnh này".

Theo người đứng đầu Chính phủ, số ca mắc mới ở Bắc Giang, Bắc Ninh hầu hết đã được cách ly từ trước hoặc trong khu phong tỏa. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan ra ngoài cộng đồng, một số khu công nghiệp rất cao nếu không có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Trước ý kiến cho rằng nguồn lây bệnh ở hai tỉnh xuất phát từ hai bệnh viện ở Hà Nội, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu rút kinh nghiệm về phòng chống dịch tại các bệnh viện, đồng thời giao Bộ Y tế kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xem xét trách nhiệm của đơn vị liên quan.

Số ca Covid-19 trong nước vượt 3.000

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến khẩn với Bắc Giang, Bắc Ninh về phòng chống dịch, sáng 26/5. Ảnh: Nhật Bắc.

Theo Thủ tướng, mục tiêu cao nhất hiện nay tập trung đẩy lùi dịch bệnh ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Vì vậy, cả nước cần tiếp tục hỗ trợ hai tỉnh "đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh sớm nhất có thể trong những ngày tới", đặt sức khỏe người dân lên trên hết, đảm bảo sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 26/5 yêu cầu các trường y khoa trên cả nước chuẩn bị hơn 20.000 người nhằm thay thế luân phiên đội ngũ chống dịch tại Bắc Giang. Việc luân phiên nhằm giúp đủ lực lượng duy trì chiến đấu, các cán bộ và nhân viên y tế đã tham gia từ đầu đợt dịch tới giờ có cơ hội nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Cục Khoa học Đào tạo và Công nghệ sẽ điều phối, tập huấn lực lượng này để đến Bắc Giang thay thế cho lực lượng hiện tại.

Ở Hà Nội, ngành y tế đã ghi nhận 149 ca nhiễm cộng đồng ở 20 quận, huyện. Các ca bệnh này liên quan đến 8 chùm ca bệnh, gồm: chùm Đà Nẵng 46 ca, chùm Times City và Công ty T&T 38 ca, chùm Bắc Ninh 17 ca, chùm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung 17 ca, chùm Bệnh viện K cơ sở Tân Triều 12 ca, chùm Hưng Yên 8 ca, chùm Hải Dương 1 ca, chùm khác 10 ca.

Hà Nội chưa tính tới giãn cách hay cách ly xã hội toàn thành phố, song từ 12h trưa 25/5 đã đóng cửa dịch vụ ăn uống tại chỗ, chỉ cho bán mang về. Người dân từ các tỉnh thành khác trở về thủ đô phải khai báo y tế trong 24 tiếng tính từ lúc có mặt ở Hà Nội.

Thủ đô sẽ áp dụng mô hình cách ly "ba lớp" để kiểm soát nguồn lây và giảm tác động tiêu cực đến sản xuất cũng như đời sống người dân. "Các biện pháp mạnh chỉ được xem xét khi tình hình phức tạp hơn", Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Ngày 26/5, Bộ Y tế cũng công bố thêm bệnh nhân "bệnh nhân 3760" tử vong vì sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nhiễm nCoV, suy tim trên bệnh nhân tăng huyết áp, suy giáp, đái tháo đường, béo phì. Đây là bệnh nhân thứ 10 tử vong trong đợt dịch thứ tư.

Theo Tiểu ban điều trị, bệnh nhân này là nữ, 67 tuổi, địa chỉ Thuận Thành, Bắc Ninh. Bà có tiền sử tăng huyết áp, suy giáp sau xạ trị bướu giáp từ năm 2007; đái tháo đường đang dùng insulin tiêm, thể trạng béo phì.

Hữu Công

Hai vợ chồng giáo phái truyền đạo nghi mắc Covid-19 Hai vợ chồng giáo phái truyền đạo nghi mắc Covid-19
Thêm 25 ca Covid-19 Thêm 25 ca Covid-19
/ vnexpress.net