Sáp nhập huyện, xã là cơ hội đánh giá lại cán bộ, công chức

Ai làm được việc thì bố trí vào bộ máy mới. Còn ai không làm được việc thì đây cũng là dịp để phân loại đánh giá để thực hiện các chính sách đã ban hành như tinh giản biên chế, thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, không đủ điều kiện tái cử thì chờ đến tuổi nghỉ hưu. 

Ai làm được việc thì bố trí vào bộ máy mới. Còn ai không làm được việc thì đây cũng là dịp để phân loại đánh giá để thực hiện các chính sách đã ban hành như tinh giản biên chế, thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, không đủ điều kiện tái cử thì chờ đến tuổi nghỉ hưu. 

Dự kiến giai đoạn 2019-2021 sẽ có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thực hiện đề án sắp xếp các huyện, xã. Theo đó, kết thúc đợt sáp nhập này sẽ giảm được khoảng 10.000 cán bộ, công chức và khoảng 6.000 người hoạt động không chuyên trách. Trao đổi với Lao Động, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Việc sáp nhập huyện, xã cũng là cơ hội để đánh giá lại đội ngũ cán bộ công chức. 

Giảm 16.000 người hưởng lương nhà nước

Thưa Thứ trưởng, cho đến cuối tháng 12.2019 là hết hạn thẩm định, phê duyệt các đề án sáp nhập của địa phương. Là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện chủ trương này, theo ông đâu là những khó khăn vướng mắc nhất trong quá trình thực hiện sáp nhập huyện, xã?

- Trước tiên phải khẳng định, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, qua đó sẽ thực hiện được việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần giảm tải được gánh nặng của Ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là việc giải quyết vấn đề cán bộ, công chức dôi dư. Bây giờ người ta đang làm việc, mỗi cán bộ, công chức đều đang giữ một vị trí công tác, khi tiến hành sáp nhập phải sắp xếp lại, sẽ có nhiều người phải thay đổi vị trí công tác, được điều động, tuyển dụng làm việc tại các cơ quan đơn vị khác. Nhưng cũng có những trường hợp phải giải quyết cho nghỉ, cho thôi việc hoặc tinh giản biên chế. Vì vậy, cần phải tiến hành và giải quyết thỏa đáng, có tình có lý, được cả cái chung và cái riêng. Đó là cái khó nhất trong việc thực hiện chủ trương này, để bảo đảm ổn định.

Dự báo kết thúc đợt sáp nhập này sẽ tinh giản được bao nhiêu cán bộ, thưa ông?

- Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê duyệt Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh là Thanh Hóa, Hải Dương, Tuyên Quang, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Thuận, Lạng Sơn. Qua đó, đã giảm được 209 đơn vị hành chính cấp xã. Chính phủ sẽ tiếp tục trình Đề án của các tỉnh còn lại trong thời gian tới.

Đợt sắp xếp này (2019-2021), có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc sắp xếp, qua đó sẽ giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 564 đơn vị hành chính cấp xã. Bộ Nội vụ đã thẩm định được 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để báo cáo trình Chính phủ xem xét trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Dự kiến qua đợt sắp xếp này sẽ giảm được 564 đơn vị hành chính cấp xã và 6 đơn vị hành chính cấp huyện. Một số địa phương đã làm rất tốt công tác này như Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hải Dương, Hoà Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ…

Kết thúc đợt sáp nhập này, đến hết năm 2021 sẽ giảm được khoảng 10.000 cán bộ, công chức và khoảng 6.000 người hoạt động không chuyên trách.

Cơ hội để đánh giá lại đội ngũ cán bộ công chức

Vậy hướng giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập thực hiện  thế nào thưa ông?

- Một là tinh giản biên chế, hai là bố trí sang những đơn vị hành chính còn đang thiếu mà chưa lấy đủ biên chế, hoặc là xem xét xét tuyển vào làm công chức cấp huyện hoặc các sở, ngành. Các địa phương có thể dành một phần biên chế được giao hằng năm để xem xét tuyển chọn những trường hợp này. Ngoài ra, những người có nguyện vọng thôi việc thì giải quyết cho thôi việc, người không đủ điều kiện tái cử thì thực hiện chính sách chờ đủ tuổi nghỉ hưu.

Đề án tổng thể của bất kỳ địa phương nào cũng đều phải có phương án sắp xếp, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư với các giải pháp cụ thể, rõ ràng, không ghi chung chung, không chỉ dừng lại ở nguyên tắc. Mặc dù cấp có thẩm quyền cho phép trường hợp đặc biệt có thể kéo dài đến 5 năm, nhưng Bộ Nội vụ đã cùng các địa phương xác định trong Đề án, việc giải quyết cán bộ, công chức dôi dư quyết tâm thực hiện hết năm 2021 là xong, để không kéo dài việc này sang nhiệm kỳ mới. 

Việc sáp nhập huyện, xã cũng là cơ hội để đánh giá lại đội ngũ cán bộ công chức. Ai làm được việc thì bố trí vào bộ máy mới; ai làm việc được mà không bố trí được vào bộ máy mới thì có cơ hội vào cơ quan cấp huyện, sở ngành.

Còn ai không làm được việc thì đây cũng là dịp để phân loại đánh giá để thực hiện các chính sách đã ban hành như tinh giản biên chế, thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, không đủ điều kiện tái cử thì chờ đến tuổi nghỉ hưu.

Về việc sáp nhập các địa phương, nhiều người lo lắng bị “mất ghế”, chế độ tiền lương bị ảnh hưởng, ông có đánh giá như thế nào về việc này?

- Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương, cán bộ, công chức ở các huyện, xã sáp nhập đều có tâm tư. Tâm lý có những người lo lắng vì có thể gây xáo trộn về công việc, về chế độ tiền lương, thậm chí nhiều người vẫn còn suy nghĩ về việc “mất ghế”, đang làm cán bộ quản lý lại xuống làm nhân viên.

Tuy nhiên, chế độ chính sách tiền lương của cán bộ, công chức thì vẫn phải thực hiện theo quy định nhà nước. 

Còn về “ghế” thì không ai bị mất cả. Tư duy “mất ghế” bây giờ đã cũ và cổ quá rồi, vì chúng ta không làm ở chỗ này thì sẽ làm ở chỗ khác.

Việc suy nghĩ lo ngại mất vị trí, người đang làm lãnh đạo, quản lý lại xuống chuyên viên cũng không có. Bởi khi sáp nhập, mỗi Đề án đều có phương án bố trí số lượng cấp trưởng, cấp phó trong từng đơn vị hành chính theo đúng quy định; còn số dôi dư (kể cả lãnh đạo) đều được tính toán để bố trí, sắp xếp, giải quyết phù hợp.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

vương trần 14/12/2019 | 07:44

Sau thương vụ sáp nhập khủng, tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng ra sao?

Theo cập nhật đến ngày 11.12 của tạp chí Forbes, tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng đạt 7,7 tỉ USD, xếp thứ 239 ...

Vingroup nói gì về thương vụ sáp nhập khủng và tỉ lệ hoán đổi với Masan?

Thương vụ sáp nhập khủng nhất trong năm 2019 giữa VinCommerce và Tập đoàn Masan đang là tâm điểm chú ý của thị trường. Điều ...

Toan tính của Vingroup, Masan sau cuộc sáp nhập

Vingroup có mục tiêu lớn phải dồn lực hơn là bán lẻ, còn với Masan, VinMart là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược hàng ...

/ laodong.vn