Sách giáo khoa nhiều “sạn” - Trách nhiệm không chỉ ở người viết sách

Phải chăng chất lượng sách giáo khoa được “khoán trắng” cho các Hội đồng thẩm định vì đây không phải là “chuyên môn” của Bộ?

Hiếm có sự kiện nào chỉ trong vài ngày từ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng phải lên tiếng chỉ đạo như vụ việc liên quan đến sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều.

Ngày 14/10, tại phiên họp thứ 49 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu:

“Khi đi giám sát, chúng tôi nhận thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy trình rất đầy đủ nhưng sao vẫn để xảy ra lỗi trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1. Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 hiện có 5 bộ, trong đó, sách Cánh Diều có nhiều “sạn”. [1]

Với sự lên tiếng của cả xã hội, của nhiều vị lãnh đạo cả lập pháp lẫn hành pháp, đủ thấy sự việc không thể xem là bình thường như một số ý kiến, rằng sách viết mới không thể tránh được những khiếm khuyết, rằng “sạn thì nhặt, sai thì sửa”, rằng “số đông không phải lúc nào cũng đúng”,…

Bảo vệ cho sách Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh diều chủ yếu mới thấy sự lên tiếng của tác giả, hai vị Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (Hội đồng), tạm tính là ba người.

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều. (Ảnh: sachcanhdieu.vn)

Trong khi có ít nhất bốn quan chức cấp cao trong hệ thống chính trị lên tiếng về “sạn” trong bộ sách này, vậy đâu là số đông, đâu là số ít?

Cứ cho là số đông các ý kiến phản biện không phải lúc nào cũng đúng theo phát ngôn của phía bao biện, vậy có cần 20 năm để chứng minh chân lý thuộc về “số ít” như ý kiến của một vị giáo sư, rằng năm 2000 có không ít ý kiến “chê” bộ sách giáo khoa mới nhưng nay lại khen, lại cho rằng sách đó dễ dạy, dễ học?

Vậy “số ít” ấy có phải là tinh hoa của cả dân tộc Việt, có phải tầm của “số ít” ấy vượt tầm mấy chục triệu người Việt cộng lại?

Từ các ý kiến bao biện, liệu có thể rút ra kết luận, rằng hầu hết báo chính thống, các bậc cha mẹ học sinh cùng rất nhiều chuyên gia phản biện sách đều thuộc “số đông”?

Để có bộ sách giáo khoa đến tay học sinh, ít nhất phải qua bốn bước:

1. Chọn tống chủ biên, chủ biên và tập hợp chuyên gia biên soạn sách sau khi nội dung, chương trình giáo dục phổ thông đã được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình tổng thể, chương trình môn học chính thức thông qua;

2. Trình Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa xem xét sách đã biên soạn;

3. Nếu được Hội đồng thẩm định thông qua thì chuyển sang dạy thử nghiệm;

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho phép đưa vào giảng dạy đại trà.

Trong bốn bước nêu trên, chốt chặn quan trọng nhất bảo đảm chất lượng sản phẩm đến với học sinh thuộc về Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Khẳng định điều này bởi người/nhóm tác giả viết sách có thể đưa quan điểm, kiến thức “cao siêu” của mình vào ấn phẩm kể cả khi chúng là trái chiều, là ngược dòng hoặc không phù hợp với truyền thống, đạo lý…

Nếu không có một “chốt nhặn” đủ độ tin cậy thì khả năng những thứ độc hại đến với người đọc là khó tránh khỏi.

Giáo sư Mai Ngọc Chừ - Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (Hội đồng), nêu ý kiến về vấn đề trách nhiệm khi để lọt những "hạt sạn" trong sách giáo khoa ra dạy đại trà cho học sinh lớp 1, rằng “Trách nhiệm thuộc về nhóm tác giả. Vì hội đồng thẩm định đã khuyến cáo nhưng họ vẫn kiên quyết giữ quan điểm của mình. [2]

Bằng phát biểu này, rõ ràng là ông Mai Ngọc Chừ - dù với tư cách cá nhân hay thay mặt Hội đồng - đang muốn rũ bỏ trách nhiệm.

Cần phải nhắc lại một câu chuyện cũ, các sách giáo khoa “Công nghệ giáo dục” của GS-TSKH Hồ Ngọc Đại cũng đã đăng kí thẩm định nhưng bị Hội đồng loại ngay từ vòng thẩm định đầu tiên.

Chính GS. Mai Ngọc Chừ từng cho rằng “GS. Đại nên sửa sách để thẩm định lại”. [3]

“GS. Hồ Ngọc Đại khẳng định sẽ không sửa các sách giáo khoa do mình chủ biên theo ý kiến Hội đồng thẩm định” và kết quả chung cuộc là các sách của ông bị chính thức loại khỏi danh mục sách dạy cho học sinh tiểu học.

Cùng hành động như nhau là “kiên quyết không sửa” (sách) theo khuyến cáo của Hội đồng thẩm định nhưng vì sao một bên thì bị loại còn bên kia thì lại được cho qua?

Phát biểu của Giáo sư Mai Ngọc Chừ “Hội đồng thẩm định từng đưa ra khuyến cáo” nhưng nhóm tác giả “vẫn kiên quyết giữ quan điểm của mình” và sách được thông qua, thế có phải Hội đồng này chịu thua “Nhóm Cánh diều” nhưng lại “thắng” ông Hồ Ngọc Đại?

Nếu khung chương trình giáo dục tổng thể là khuôn vàng thước ngọc, là chiếc vòng kim cô quản lý người biên soạn sách thì phải chăng không chỉ học trò phải mặc đồng phục mà người viết sách cũng phải “đồng phục” giống như một địa phương đưa ra ý tưởng may “đồng phục” cho đại biểu tham dự đại hội cấp tỉnh!

Thế thì đâu là chân lý khoa học?

Theo quy định tại khoản 2 điều điều 32, Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) quy định về trách nhiệm của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thì: “Hội đồng và thành viên hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định”.

Bằng phát biểu của một số giáo sư, trong đó hai vị lãnh đạo Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, có thể thấy Hội đồng này chưa làm tròn trách nhiệm theo luật định và đang tìm cách rũ bỏ “trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định”.

Một khi điều này được khẳng định thì bước tiếp theo đương nhiên phải tiến hành thẩm định lại toàn bộ các bộ sách mà Hội đồng này đã thông qua hoặc loại bỏ.

Và theo lẽ tự nhiên, toàn bộ thành viên Hội đồng cũ không nên xuất hiện trong Hội đồng mới nếu một hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới được thành lập.

Ngoài ra, người viết tán đồng quan điểm toàn bộ sách giáo khoa bậc phổ thông trước khi phê duyệt để đưa vào dạy và học phải được công bố (bản điện tử) trên Cổng Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhân dân góp ý.

Cũng xin nhắc lại trong bài “Thất bại của giáo dục Việt Nam có bắt nguồn từ những cuốn sách giáo khoa lớp 1?” người viết đã đề cập đến hai cơ quan là Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực và Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo.

Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham khảo ý kiến của hai cơ quan này trước khi phê duyệt và cho phép sử dụng đại trà sách giáo khoa phổ thông?

Nếu chưa báo cáo thì phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục bởi tồn tại nhiều sạn trong sách giáo khoa là điều không phải bàn luận.

Trường hợp đã báo cáo và không có góp ý gì thì có nên đặt câu hỏi về hoạt động của các cơ quan mang danh “quốc gia” này?

Cuối cùng là câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phải chăng chất lượng sách giáo khoa được “khoán trắng” cho các Hội đồng thẩm định vì đây không phải là “chuyên môn” của Bộ?


Trong cả hệ thống, quy trình không hề thiếu như quy trình lựa chọn cán bộ cấp cao, kết quả là cuối nhiệm kỳ 12, hàng trăm cán bộ diện trung ương quản lý vẫn bị kỷ luật, có người phải vào tù.Phải nêu câu hỏi này bởi từ ý kiến của ông Phan Thanh Bình, “Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy trình rất đầy đủ nhưng sao vẫn để xảy ra lỗi trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1” cho thấy việc ban hành “quy trình rất đầy đủ” thực ra vẫn là không đủ, vẫn thiếu sự đánh giá tổng thể cả về chuyên môn lẫn các yếu tố lịch sử, văn hóa, truyền thống,…

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Ngày 15/07/2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới”. [4]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là người ký quyết định thành lập các Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 1 và đương nhiên phải chịu trách nhiệm đến cùng về hoạt động của các Hội đồng này.

Hy vọng rằng các vị lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà giáo và người dân cùng bình tâm suy xét, không quy chụp, cũng không vì bức xúc mà đao to búa lớn.

Thay cho lời kết, xin “phỏng theo” câu nói của Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela để gửi tới các giáo sư nổi tiếng và đáng kính, rằng “Một nhà khoa học giỏi (nguyên văn: Lãnh đạo giỏi) có thể tham gia vào một cuộc tranh luận thẳng thắn và thấu đáo, cần phải nhận thức rằng mục đích cuối cùng là người đó và đối tượng tranh luận phải trở nên gần gũi hơn, quan hệ đôi bên trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn không thể có ý tưởng đó nếu bạn là người kiêu ngạo, hời hợt và thiếu hiểu biết”. [5]

Sao sách giáo khoa xưa lại lan tỏa và rung cảm đến bây giờ? Sao sách giáo khoa xưa lại lan tỏa và rung cảm đến bây giờ?
SGK Tiếng Việt lớp 1 được chỉnh sửa, phụ huynh có bớt lo? SGK Tiếng Việt lớp 1 được chỉnh sửa, phụ huynh có bớt lo?
"SGK "có sạn", Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm"
/ giaoduc.net.vn