Sá xị Chương Dương ‘lột xác’ sau một năm về tay người Thái

Sá xị Chương Dương có chuỗi 5 quý lãi liên tiếp từ khi nhân sự liên quan đến Thaibev tiếp quản và thực hiện đợt cải tổ lớn. 

Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I (Pháp). Đây là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn trước năm 1975. Tập đoàn này sau đó chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho nhà nước.

Liên tiếp trong những năm gần đây, ban lãnh đạo Sá xị Chương Dương cho rằng công nghệ cũ từ năm 2000 là một trong những khó khăn lớn nhất khiến công ty chưa thể sản xuất các dòng sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Điển hình như hồi 2016, công ty tung ra thị trường sản phẩm mới nhưng do máy móc thiết bị chưa đáp ứng nên phải thuê gia công bên ngoài khiến giá vốn bán hàng và giá thành sản phẩm tăng cao, khó cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh thị phần với những doanh nghiệp lớn trong ngành nước giải khát như Pepsi, Coca-Cola, Masan hay việc chỉ tập trung cho một số nhà phân phối mà lơ là mở rộng thị trường, thiết lập mạng lưới điểm bán mới cũng được liệt kê vào danh sách khó khăn công ty phải đối mặt.

Không thể giữ thị phần trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, Sá xị Chương Dương lún sâu vào khủng hoảng với 4 quý lỗ sau thuế liên tiếp. Cổ phiếu của doanh nghiệp này vì thế cũng rơi vào diện cảnh báo.

Nước ngọt sá xị Chương Dương trưng bày trên kệ tạp hóa.

 

Hoạt động của ‘ông hoàng sá xị’ chỉ tích cực trở lại khi tập đoàn đồ uống Thaibev chính thức tiếp quản vào giữa năm 2018 và thực hiện đợt cải tổ lớn.

 Đây là khoảng nửa năm sau khi tập đoàn này mua lại cổ phần Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), doanh nghiệp sở hữu gần 62% vốn Sá xị Chương Dương.

Nhân sự của Thaibev là ông Neo Gim Siong Bennett được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch nhiệm kỳ 5 năm, đồng thời là người đại diện pháp luật thay cho cựu Chủ tịch Trần Đức Hoà sau đại hội thường niên. Sau đó, ban lãnh đạo công ty thông báo bãi nhiệm thêm chức vụ Tổng giám đốc với một nhân sự người Việt khác.

Nhận định việc Sá xị Chương Dương sa sút trong giai đoạn trước, ông Neo Gim Siong Bennett cho rằng nguyên nhân là công ty không có kế hoạch chiến lược tổng thể mà chỉ theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn. Ba giá trị chưa được đầu tư đúng mức là thương hiệu, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất được ban lãnh đạo mới cam kết sớm hoàn thiện.

Một năm sau khi tiếp quản, các chỉ số trên báo cáo tài chính của Sá xị Chương Dương đã cho thấy thành quả của chiến lược kinh doanh mới. Doanh thu quý II năm nay giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhờ kiểm soát tốt giá vốn bán hàng và các khoản chi phí khác nên lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ba chữ số, lên gần 4 tỷ đồng. Đây là quý thứ 5 liên tiếp công ty có lãi khi trở thành công ty con gián tiếp của tập đoàn đồ uống Thái Lan.

Lũy kế doanh thu nửa đầu năm giảm khoảng 3%, nhưng lợi nhuận lại gấp khoảng 14 lần so với cùng kỳ. Sá xị Chương Dương cũng xóa sạch lỗ lũy kế và có dôi dư hơn 8 tỷ đồng.

Trong các báo cáo giải trình chênh lệch lợi nhuận gần đây, ban lãnh đạo doanh nghiệp này đều cho rằng, tình hình tài chính diễn biến ngày càng tích cực chủ yếu đến từ việc kiểm soát tốt chi phí. Việc doanh thu đi ngang, thậm chí giảm mạnh dù rơi vào mùa Tết Nguyên đán là do công ty chưa ra mắt thêm sản phẩm mới mà tiếp tục cải tiến, gia tăng mức độ hiện diện sản phẩm hiện có qua các kênh phân phối chủ lực hiện tại là chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá để khai thác lợi thế thương hiệu lâu đời.

Ban lãnh đạo công ty từng cho biết, 2019 là năm "đầu nguồn" khi nhóm lãnh đạo cũ được thay thế. Các sản phẩm chính đang và sẽ được đẩy mạnh hoạt động thương mại, nhận diện thương hiệu gồm sá xị, soda và nha đam nhằm đảm bảo mục tiêu sản lượng tiêu thụ không dưới 25 triệu lít.

Sá xị Chương Dương kỳ vọng lợi nhuận sau thuế năm nay sẽ tăng lên 10 tỷ đồng. Tính đến hết quý II, công ty đã hoàn thành đến 85% kế hoạch.

Phương Đông

10 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam trị giá gần 7 tỷ USD
Việt Nam sắp gắn logo thương hiệu Việt cho gạo
Muốn không thành "con ghẻ", thương hiệu Việt phải tự cứu mình
Cà phê bẩn hại thương hiệu Việt
‘Ông hoàng sá xị’ Chương Dương lún sâu vào khủng hoảng
/ vnexpress.net