Quốc hội đồng ý lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 đồng ý lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Ngày 13/11, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, với đại đa số đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022.

Nghị quyết nêu rõ, dự toán tổng số thu NSNN năm 2022 là 1.411.700 tỷ đồng; Tổng số chi NSNN là 1.784.600 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 372.900 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP); Tổng mức vay của NSNN là 572.686 tỷ đồng.

Về thực hiện chính sách tiền lương, Nghị quyết nêu rõ, lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995.

Trước đó, tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội đã quyết nghị việc tập trung nguồn lực để cải cách tiền lương từ 1/7/2022.

Quốc hội đồng ý lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương - 1
Quốc hội chính thức lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Nghị quyết về dự toán ngân sách NSNN năm 2022 cũng nêu rõ, tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.

Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ để phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật thuế và các quy định liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tế phi chính thức, các hoạt động thương mại điện tử.

Theo Nghị quyết, Chính phủ cần đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, tăng thu NSNN để bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội. Chính phủ siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng, khắc phục hậu quả thiên tai.

Quốc hội cũng giao Chính phủ cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức lễ kỷ niệm, hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2021; việc chuyển nguồn vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022 phải tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp bất khả kháng, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định

Xuân Trường

TRỰC TIẾP: Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội TRỰC TIẾP: Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội
3 Bộ trưởng nói về lùm xùm trong hoạt động từ thiện trước Quốc hội 3 Bộ trưởng nói về lùm xùm trong hoạt động từ thiện trước Quốc hội

/ vtc.vn