Quả bom dưới chân cầu

Bà Ngô Thị Nguyệt trực tiếp tham gia duy tu và sửa chữa cầu Long Biên từ năm 1965 đến tận khi về hưu năm 1982. 

Bà Nguyệt nguyên là kỹ sư cầu đường Đội cầu 502 – Công ty cầu 5 – Tổng cục Đường sắt. Bà đã tận mắt chứng kiến tất cả những lần cầu bị bom Mỹ oanh tạc, và biết nhiều câu chuyện dưới làn nước đỏ của sông Hồng.

Bà Nguyệt bảo, bom “điếc” rơi xuống chân cầu khá nhiều. Có cả quả lớn tới mức va cong cả dầm cầu văng xuống sông Hồng nhưng không nổ. Sau chiến tranh, phần lớn số bom này đã được công binh rà phá, nhưng hoàn toàn có khả năng còn sót.

Tôi nghe bà kể mà rùng mình. Suốt hơn 40 năm, những trái bom như tử thần không ngủ, nghiến răng nằm đợi dưới làn nước phù sa, với hàng vạn lượt người qua lại ngay phía trên, mỗi ngày.

Chuyện những quả bom “điếc” dưới chân cầu làm tôi nhớ đến Neak Leung (Nạ Luông) – cây cầu dài nhất Campuchia, hơn 2.200m – nối tuyến trọng yếu Phnom Penh – Mộc Bài.

Khi thi công cây cầu này mấy năm trước, chính phủ Campuchia đã phải mất 2 năm cùng kinh phí hàng chục triệu đô la, chỉ để rà phá những quả bom “điếc” còn nằm dưới dòng Mekong, nơi cây cầu bắc qua. Campuchia trải qua nhiều cơ cực hơn Việt Nam vì chế độ Pol Pot, nên cái vai trò “nhân chứng chiến tranh” của họ dai dẳng hơn.

Những quả bom ở Nạ Luông là tàn dư của kế hoạch ném bom rải thảm mở rộng, nhằm chặn tuyến đường Tây Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam từ miền Bắc. Hai triệu tấn bom, chỉ trong 4 năm. Người dân Việt Nam, nhất là những vùng trọng điểm như Quảng Trị, Quảng Bình có lẽ đồng cảm sâu sắc với người dân Campuchia về sự ám ảnh dai dẳng của bom đạn. Nhiều thập kỷ sau khi hòa bình lập lại, những vụ nổ chát chúa dưới luống cày, lưỡi cuốc, dưới bàn chân trần đá bóng của trẻ thơ, vẫn thường xảy ra. Bom đạn khác với con người, bom đạn không hối cải, và không bao giờ tự ngủ yên.

Dưới chân cầu Nạ Luông, chúng tôi vẫn gặp những nhân chứng của bom đạn. Bà Pom Soi, ông Cham Sum, những nông dân Campuchia thuần hậu, da đen cháy, chân tay chai sần năm tháng, nhưng mắt vẫn ánh lên vẻ kinh hoàng khi chỉ về nơi này là hố bom, nơi kia từng phủ kín xác người. Một cây cầu hàng trăm triệu đô la bắc qua, vẫn không đủ để tâm trí họ vượt qua một dòng sông bom đạn trong ký ức.

Ở đó, chúng tôi gặp Som Vireak. Ông đã dành hơn 30 năm đời mình để đi dọc từ Tây sang Đông của đất nước mình, vừa đi vừa gỡ bom mìn. Mỗi ngày, những chuyên gia như ông Som cẩn trọng chăng dây từng mét vuông đất, chậm rãi dò, và vô hiệu hóa chúng.

Ở Tây Trường Sơn, tôi đã vào những bãi UXO (vật thể chưa nổ - bom và mìn) từ thời Mỹ. Trong cuốn sổ chấm công, có ghi đầy đủ tên họ và cả nhóm máu của từng người. Những người khách như chúng tôi khi vào khu vực họ làm việc, cũng phải ghi nhóm máu.

Để làm gì nhỉ? Chúng tôi thắc mắc. Để rồi ngay sau đấy lạnh người hiểu ra rằng, nếu vạn nhất có dẫm phải bom hay mìn, thì việc cấp cứu sẽ nhanh hơn khi người ta đã biết nhóm máu của người lâm nạn. Tất nhiên, đó là trong trường hợp người dính bom mìn vẫn còn được tìm thấy, và còn sống.

Quả bom hôm qua vớt lên từ dòng sông Hồng, chỉ là một dấu chấm trong một bài văn còn rất dài. Về việc chiến tranh chưa hẳn là ký ức. Và khắp những nơi từng là chiến trường của cuộc chiến tranh 54-75, vẫn có những người lính đang phải ngày đêm tự đi tìm những quả bom còn chưa nổ.

Hôm qua, là một lần hiếm hoi những con người đó, cùng công việc của họ, lên mặt báo. Vì quả bom được phát hiện chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội vài cây số. Nhưng thực tế, từ Nạ Luông đến Long Biên, từ Tây sang Đông, từ thập niên này qua thập niên khác, vẫn có những người gắn đời mình với tử thần.

Tôi nhớ đến cảm giác lần đầu tiên đi trong bãi bom, cỏ qua đầu gối, không biết mình đang bước lên thứ gì. Sợ sệt. Chỉ cố nhìn theo sợi dây mỏng mà những người phá bom đang chăng lên đánh dấu để dò bước. Tôi không dám nghĩ có người sẽ đi trên cánh đồng này hàng ngày. Nhưng họ vẫn đi từ cánh đồng này qua con sông khác, chủ động truy tìm những quả bom.

Cuộc tìm kiếm những quả bom - một mệnh đề phức. Một nửa, họ mong tìm thấy, vì mỗi quả bom được tìm thấy là một tử thần bị vô hiệu hóa. Một nửa, phần con người của họ, phần người chồng, người cha của họ, hẳn nhiên mong đất chỉ là đất, nước chỉ là nước thôi. Nhưng họ vẫn mải miết đi và kiếm tìm, trong một sứ mệnh tự mình đặt ra, mà thứ đặt cược là chính mạng sống.

Bà Nguyệt về hưu đã hơn 30 năm, những gian nguy bom đạn, lẫn khốn khó của một thời đất nước đói nghèo, bà đều nếm trải cả. Trong căn nhà nhỏ được phân từ thời bao cấp, bà Nguyệt nói rằng chiến tranh không có gì xa xôi cả, nó cụ thể lắm. Như là một hôm, bà đang cho con bú thì có tiếng còi hụ phía Bưu điện Bờ Hồ, và thế là nguyên bầu ngực sữa tuôn ướt áo, bà chạy ra trực chiến bên cây cầu Long Biên.

Còn chuyên gia bom mìn Som Vireak, mái tóc điểm bạc, thì nói rằng hòa bình trông thế mà xa xôi làm sao.

Chúng tôi hỏi rằng đến ngày gỡ sạch hết bom mìn của Campuchia, ông sẽ làm gì. Ông bảo, ngủ một giấc thật sâu, sáng hôm sau trở về nhà, và bắt đầu trồng một vườn xoài.

qua bom duoi chan cau Bộ đội trục vớt quả bom sát chân cầu Long Biên

Chiều 28/11, các lực lượng chức năng bắt đầu công việc trục vớt quả bom đường kính 60 cm, nằm sâu dưới mực nước sông ...

qua bom duoi chan cau Hà Nội chốt phương án vớt bom dưới cầu Long Biên

Dự kiến trong chiều 28/11, lực lượng chức năng trục vớt quả bom gần trụ P13 cầu Long Biên lên bờ, đưa đi xử lý.

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/qua-bom-duoi-chan-cau-3677678.html

/ Gia Hiền/VnExpress