Chỉ còn 3 ngày nữa SEA Games 31 chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19, bảo đảm SEA Games 31 tổ chức đúng tiến độ đề ra, gắn với các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh. Công tác y tế phục vụ SEA Games cũng đã hoàn tất.
Sau 19 năm Việt Nam mới đăng cai tổ chức SEA Games. Đây là sự kiện lớn đầu tiên của Đông Nam Á sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. SEA Games 31 có sự tham gia của 7.000 vận động viên, 40 môn thi đấu, tổ chức tại 12 tỉnh, thành phố. Chỉ còn 3 ngày nữa SEA Games 31 chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19, bảo đảm SEA Games 31 tổ chức đúng tiến độ đề ra, gắn với các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh. Công tác y tế phục vụ SEA Games cũng đã hoàn tất.
Hà Nội là địa phương chịu trách nhiệm chính tổ chức lễ khai mạc, bế mạc và 18 môn thi đấu tại SEA Games 31. Để bảo đảm công tác y tế phục vụ đại hội, ngành Y tế Thủ đô đã chỉ đạo 15 bệnh viện thường trực đáp ứng y tế và 18 trung tâm y tế ứng trực phòng, chống dịch COVID-19 tại các khách sạn, địa điểm thi đấu theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, đơn vị còn bố trí 35 cơ sở y tế thu dung và điều trị người mắc COVID-19 trong thời gian trước, trong và sau đại hội. Các bệnh viện chuẩn bị 5-10 giường bệnh sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội được giao nhiệm vụ thường trực cấp cứu, phòng dịch và các nhiệm vụ đột xuất khác. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị về y tế phục vụ SAE Games của Hà Nội đã hoàn tất, bảo đảm sẵn sàng nhân lực, cơ số thuốc, trang thiết bị, hóa chất và duy trì liên lạc 24/24 giờ đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh.
Để chuẩn bị cho SAE Games 31, Tiểu ban Y tế và kiểm tra doping SEA Games 31 đã cử các đoàn công tác kiểm tra việc chuẩn bị và đáp ứng y tế tại các địa phương nơi tổ chức các môn thi đấu tại SEA Games 31. Kiểm tra tại Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Tiểu ban Y tế và kiểm tra doping SEA Games 31 đề nghị Sở Y tế Bắc Ninh phải đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn thực phẩm, an toàn nguồn nước, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu, cấp cứu hàng loạt... Đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, cần tổ chức xét nghiệm, cách ly đối với các trường hợp dương tính; bổ sung thêm máy sốc tim. Những nơi có đông vận động viên và khán giả, bố trí xe cứu thương hợp lý và có sổ tay y tế phục vụ công tác y tế.
Theo BSCKII Nguyễn Bá Quý, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, tỉnh có 4 môn thi đấu là boxing, kick boxing, bóng ném và quần vợt, trong đó boxing, kickboxing, bóng ném là các môn có thể có những chấn thương nặng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã thành lập lực lượng gồm 35 nhân viên y tế các chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, cấp cứu, chấn thương chỉnh hình… và 5 lái xe cứu thương để sẵn sàng phục vụ các vận động viên, trọng tài, quan khách… ở 5 môn thi đấu trên.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cán bộ diễn tập tình huống một vận động viên cần cấp cứu từ sàn đấu boxing, diễn tập từ công tác vận chuyển, phân công nhiệm vụ đến các phương án xử lý… Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, nhóm cấp cứu cần dự phòng chấn thương, các bệnh nội khoa và dự phòng cấp cứu hàng loạt. Khi cấp cứu phải có kịch bản cấp cứu.Vì vậy, Sở Y tế Bắc Ninh cần thành lập các nhóm chuyên gia chấn thương, nội khoa… để hỗ trợ khi cần thiết.
Với Bắc Ninh, Thứ trường Nguyễn Trường Sơn giao Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai xây dựng nhóm hỗ trợ từ xa cho ngành y tế tỉnh này trong việc phục vụ SEA Games 31. Theo BS Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Định, tại tỉnh chỉ diễn ra một môn thi đấu là bóng đá nam, với 5 đội tuyển thuộc bảng B tại sân Thiên Trường với 11 trận. Tuy nhiên, công tác y tế đã được chuẩn bị cả tháng nay. Nam Định hiện đã đón 401 người là vận động viên, quan chức, lái xe, cán bộ an ninh, báo chí… của các đội bóng.
Sở Y tế Nam Định đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa điểm lưu trú, tập luyện, thi đấu và tại khách sạn, nhà hàng nơi có các quan chức, ban tổ chức, trọng tài, đoàn vận động viên tham gia. Bên cạnh đó, Sở Y tế đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh y tế cho các hoạt động tập luyện, thi đấu đối với các đối tượng nhập cảnh và các đối tượng phục vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nam Định đã chuẩn bị tổ cấp cứu cùng xe cứu thương thường trực tại các địa điểm đã được phân công tại khách sạn Nam Cường, Khu tập luyện thể thao thành tích cao, sân vận động Thiên Trường. Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi và Trung tâm Y tế TP Nam Định đã bố trí khu cách ly, điều trị sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Thường trực Tiểu ban Y tế và Kiểm tra doping, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, quan trọng số một là công tác tổ chức quản lý điều hành, phân công, phân nhiệm từng đơn vị, cá nhân cụ thể. Tiếp đến là đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch COVID-19, công tác cấp cứu, thảm họa. Cùng với đó, ngành Y tế còn có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm tại nơi ăn, ở của các vận động viên, đại biểu khách mời; sẵn sàng xử lý cấp cứu trong các tình huống tại các điểm thi đấu.
Để đảm bảo công tác y tế cho SEA Games 31, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch với các nội dung chính là đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra trước và trong thời gian diễn ra SEA Games 31. Bố trí đầy đủ các tổ y tế, bệnh viện để xử lý các trường hợp cấp cứu và điều trị kịp thời đối với các đoàn tham dự SEA Games 31 trong trường hợp không may bị ốm, chấn thương, tai nạn. Bộ Y tế còn chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động, dự phòng để ứng cứu trong trường hợp xảy ra những tình huống cấp cứu chấn thương, cháy nổ, ngộ độc hàng loạt, thảm họa nếu có…
https://cand.com.vn/seagames31/y-te-san-sang-phuc-vu-sea-games-31-i652983/
Ngày đăng: 08:19 | 09/05/2022
Trần Hằng / CAND