Căng thẳng Nga - Ukraine đang được đẩy lên tột đỉnh sau khi Moskva sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine vào lãnh thổ nước này.

Chỉ trong thời gian ngắn, Nga, Ukraine và Mỹ đưa ra những tuyên bố đanh thép, dồn dập có các động thái quyết liệt khi Tổng thống Putin thề bảo vệ lãnh thổ Nga, Kiev nộp đơn gia nhập NATO, trong khi Tổng thống Joe Biden cam kết bảo vệ từng tấc đất của NATO. Điều này diễn ra theo logic của những gì đã xảy ra trong thời gian qua.

Quyết định mạnh tay của Nga

Nga đã thực hiện bước đi được cho là đẩy căng thẳng trong xung đột Nga - Ukraine lên cao trào sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/9 ký hiệp ước thông qua việc sáp nhập 4 vùng miền Đông Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.

Đáp trả, cũng trong ngày 30/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev vừa nộp đơn xin gia nhập NATO theo một quy chế đặc biệt cho phép rút ngắn thời gian kết nạp thành viên.

Rõ ràng, những động thái giữa Nga và Ukraine đang khiến xung đột giữa hai bên tiếp tục lún sâu, khó có cơ hội hàn gắn, thậm chí nguy cơ bùng phát Thế chiến thứ 3, gây ra hiểm họa không lường cho nhân loại.

Xung đột Nga - Ukraine đang lên tột đỉnh: Thế giới sẽ nguy hiểm ra sao? - 1

Tổng thống Nga Putin bắt tay cùng các lãnh đạo 4 vùng miền Đông Ukraine vừa sáp nhập vào Nga. (Ảnh: RIA Novosti)

Dù động thái này của Moskva đã được dự báo từ trước song việc Nga sáp nhập 4 vùng miền Đông Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia được cho là bước đi dấy lên nhiều quan ngại về cuộc chiến không có hồi kết tại Ukraine nói riêng cũng như giữa Nga và phương Tây nói chung.

Sau khi Nga sáp nhập các vùng ly khai Ukraine, Mỹ, Canada và Anh lập tức áp đặt các đòn cấm vận mạnh mẽ lên nước này. Trong khi đó, lãnh đạo phương Tây tuyên bố không chấp nhận hành động của Moskva, cho rằng việc Nga sáp nhập các vùng đất Ukraine "là vi phạm lớn luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc".

Trước đó, cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga đã được tổ chức tại 4 khu vực Ukraine từ ngày 23-27/9. Kết quả được công bố là đa số người bỏ phiếu ủng hộ các khu vực tuyên bố độc lập và gia nhập Liên bang Nga. 

Theo đó, tại Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR), 99,23% người dân ủng hộ gia nhập Nga. Tại Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk (LPR), Zaporizhzhia và Kherson, tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 98,42%, 93% và 87%.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, động thái của Nga đã được dự báo từ trước và điều này khó đảo ngược. Trước khi Nga sáp nhập các vùng ly khai Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev từng khẳng định, các cuộc trưng cầu dân ý do chính quyền ly khai tổ chức tại khu vực trên lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát sẽ diễn ra và điều này “không thể thay đổi”.

"Quyết định sáp nhập vùng ly khai Ukraine đã được Nga chuẩn bị từ lâu. Hội đồng Bảo an không thể thông qua Dự thảo nghị quyết lên án Nga sáp nhập 4 vùng ở Ukraine, trong đó 4 thành viên bỏ phiếu trắng là Brasil, Trung Quốc, Gabon, Ấn Độ và Nga phủ quyết", Đại sứ Nguyễn Quang Khai nói.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, Mỹ và phương Tây thi hành chính sách tiêu chuẩn kép, chống Nga, nhưng lại ủng hộ Israel sáp nhập Cao nguyên Golan của Syria, Jerusalem và chiếm đóng Bờ Tây của Palestine, trong khi đó Mỹ cũng đã đạo diễn tổ chức trưng cầu dân ý để chia cắt Nam Tư trong quá khứ.

Sau quyết định của Nga, hôm 30/9, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky ký đơn gia nhập NATO và yêu cầu đẩy nhanh thủ tục gia nhập. Ông Zelensky cho rằng Ukraine đã là một "đồng minh NATO trên thực tế".

Tuy nhiên, động thái của Kiev bị dội “gáo nước lạnh” khi Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói rằng việc Ukraine gia nhập NATO cần có sự đồng thuận của tất cả 30 thành viên trong liên minh. Ông tuyên bố NATO không tham gia vào xung đột Ukraine.

Nhận định về động thái xin gia nhập NATO của Ukraine, Đại tá Lê Thế Mẫu nói rằng Tổng thống Zelensky đề nghị NATO hoàn tất thủ tục kết nạp nhanh Kiev với toan tính sẽ sử dụng sức mạnh quân sự của liên minh này giành lại các khu vực Nga vừa bị sáp nhập. Tuy nhiên, đề nghị này của ông Zelensky sẽ khó được đáp ứng.

“Nếu NATO kết nạp Ukraine, khi đó đương nhiên liên minh này phải đưa quân tham chiến với Nga theo Điều 5 của Hiệp ước thành lập tổ chức này. Trong trường hợp đó, xung đột Ukraine sẽ leo thang thành Chiến tranh thế giới lần thứ 3. Đây là tình huống NATO không muốn”, Đại tá Lê Thế Mẫu cho hay.

Trong khi đó, Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho rằng, việc nộp đơn xin gia nhập NATO của Ukraine là động thái của ông Zelensky nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh, còn trên thực tế NATO khó có thể chấp nhận điều này một cách nhanh chóng.

"Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng nói rằng bây giờ không phải là thời điểm thích hợp cho điều đó. Trong khi đó, Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho biết, ông không nghĩ việc Mỹ tìm cách đưa Ukraine vào NATO sau khi Liên Xô tan rã là một quyết định khôn ngoan trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Như vậy, việc kết nạp Ukraine vào NATO khó có thể đạt được đồng thuận trong nội bộ của khối này. Đơn xin gia nhập NATO của Thuỵ Điển và Phần Lan đến nay vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc Ukraine gia nhập NATO sẽ vấp phải phản ứng quyết liệt từ Nga, khiến nguy cơ đối đầu giữa Nga và NATO trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai chia sẻ.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhận định, hành động của Mỹ và châu Âu cũng chỉ dừng lại ở việc áp đặt các đòn trừng phạt bổ sung lên Nga, hỗ trợ tích cực hơn cho Ukraine, chứ không thể bước vào đối đầu quân sự trực tiếp với Nga. Năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, Mỹ và phương Tây cũng không thể làm gì hơn ngoài việc áp đặt một số các biện pháp cấm vận Nga.

Hành động của Mỹ và NATO không thể đưa quân vào tiếp viện cho Ukraine. Nếu Mỹ đưa quân vào lãnh thổ Ukraine có thể sẽ trở thành một bên tham chiến, biến cuộc xung đột hiện nay thành Chiến tranh thế giới thứ 3”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai nhấn mạnh.

Thế giới bên bờ vực chiến tranh hạt nhân?

Trong bài phát biểu tại điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo Nga sẽ không bao giờ từ bỏ các vùng lãnh thổ vừa sáp nhập và sẽ bảo vệ các khu vực này bằng tất cả sức mạnh nước Nga có.

Trước đó, ông Putin cáo buộc phương Tây đang tìm cách chia cắt Nga, đồng thời tuyên bố Moskva sẽ sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga, kể cả khả năng răn đe hạt nhân, trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Xung đột Nga - Ukraine đang lên tột đỉnh: Thế giới sẽ nguy hiểm ra sao? - 2

Nga tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ nước này. (Ảnh: RIA Novosti)

Chưa hết, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cũng từng tuyên bố, Moskva có thể dùng bất kỳ loại vũ khí nào có trong kho của nước này, kể cả vũ khí hạt nhân chiến lược, để bảo vệ những vùng lãnh thổ được sáp nhập vào Nga từ Ukraine.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, cuộc chiến tranh hạt nhân khó có thể xảy ra. Nếu xảy ra, đó sẽ là thảm hoạ, không chỉ đối với Nga và Ukraine mà đối với nhân loại nói chung. Theo ước tính, nếu một cuộc chiến hạt nhân nổ ra hiện nay có thể giết chết 360 triệu người trên thế giới.

“Nga chiếm ưu thế lớn về năng lực hạt nhân, nhất là vũ khí siêu thanh. Học thuyết hạt nhân của Nga nói rằng vũ khí hạt nhân của nước này là để tự vệ. Nếu Mỹ và châu Âu sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga, đe doạ an ninh quốc gia của Nga thì nước này sẽ đáp trả. Moskva sẽ không dùng đến loại vũ khí này một khi phương Tây không sử dụng”, ông Nguyễn Quang Khai nhấn mạnh.

Chuyên gia quân sự Lê Thế Mẫu cho rằng, nếu Mỹ và NATO can thiệp sâu vào cuộc chiến Ukraine, có thể dẫn đến kịch bản các nước này ồ ạt tấn công các mục tiêu ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Lugansk và các vùng Kherson và Zaporizhzhia.

“Khi trường hợp đó xảy ra, tùy theo mức độ tấn công Nga sẽ phản ứng theo hai phương án. Theo phương án một, Nga sẽ sử dụng các loại vũ khí thông thường hiện đại nhất để đáp trả mà chưa từng được sử dụng từ trước tới nay.

Theo phương án 2, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Trong trường hợp này, NATO sẽ không đáp trả bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật bởi có thể đẩy xung đột leo thang tố chiến tranh hạt nhân tổng lực đồng nghĩa với hành động tự sát”, ông Lê Thế Mẫu phân tích.

Mặc dù rất khó để đoán định cụ thể về một cuộc tấn công hạt nhân của Nga ở Ukraine, song Forbes dẫn lời các chuyên gia cho hay, Moskva rất có thể sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, các thiết bị tầm ngắn để sử dụng trên chiến trường, để đối phó với quân đội Ukraine hoặc để phá hủy một trung tâm hậu cần Kiev.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn nhiều so với các đầu đạn tầm xa chiến lược được thiết kế để phá hủy các thành phố, nhưng sức mạnh cũng là tương đối. Bom nguyên tử 1 kiloton có sức công phá tương đương 1.000 viên thuốc nổ TNT - quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) là 15 kilotons.

Tiến sĩ Rod Thornton, chuyên gia bảo mật tại trường Đại học King's College London, nói với Forbes rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật vẫn có sức công phá rất lớn. Theo ông Thornton, một cuộc tấn công hạt nhân nếu diễn ra là động thái Nga muốn chuyển tải thông điệp về những cảnh báo của mình rằng Moskva rất nghiêm túc, sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân bảo vệ lãnh thổ nước này.

Theo các chuyên gia, tác động của một cuộc tấn công hạt nhân phụ thuộc rất nhiều vào loại vũ khí được sử dụng, cách thức và địa điểm cũng như điều kiện vào thời điểm đó. Thế nhưng, một quả bom hạt nhân công suất thấp khi được sử dụng cũng có thể gây ra những hậu quả sâu rộng, với bức xạ từ vụ nổ gây ra ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe lâu dài cho những người sống xung quanh và bụi phóng xạ gây ô nhiễm môi trường và có thể trôi dạt đến châu Âu và châu Á.

Trật tự thế giới ra sao?

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, trong tương lai, thế giới sẽ chuyển dần từ đơn cực sang đa cực. Điều này đã được biểu hiện dần từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. Nhiều nước không chấp nhận thế giới đơn cực của Mỹ.

Tại hội nghị tổ chức hợp tác Thượng Hải vừa qua, Trung Quốc và Nga đã tuyên bố sẽ cùng nhau làm việc để thiết lập một trật tự thế giới mới đa cực.

Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) ngày càng nhận được sự quan tâm, nhiều nước muốn gia nhập. Từ một tổ chức lúc đầu có 8 thành viên vào năm 2001, đến hiện tại đã có 9 thành viên chính thức và 20 nước muốn gia nhập. Bên cạnh đó, tổ chức các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang ngày càng lớn mạnh, nhiều quốc gia bày tỏ nguyện vọng gia nhập tổ chức này. SCO và BRICS chiếm hơn một nửa dân số thế giới, khoảng 30% tổng thu nhập GDP toàn cầu, 4 nước sở hữu vũ khí hạt nhân là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ sẽ là một trung tâm quyền lực mới trong thế giới trong tương lai.

Rõ ràng, những tổ chức này sẽ tạo thành trung tâm quyền lực mới, không phải để chống lại phương Tây nhưng sẽ đối trọng rất lớn đối với phương Tây”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho hay.

Xung đột Nga - Ukraine đang lên tột đỉnh: Thế giới sẽ nguy hiểm ra sao? - 3

Nga và Trung Quốc thắt chặt quan hệ, củng cố liên minh đối đầu Mỹ và phương Tây. (Ảnh: Getty)

Đồng quan điểm, Đại tá Lê Thế Mẫu cho rằng, cuộc chiến Ukraine là động lực đưa thế giới chuyển biến nhanh hơn tới trật tự thế giới đa cực. Ông cho rằng tổ chức hợp tác Thượng Hải là mô hình gợi mở đến đa cực, trong đó tập hợp các thành viên có chế độ chính trị khác nhau, thậm chí còn có tranh chấp lãnh thổ, gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Iran. Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác là quan sát viên và đối tác, có thể sẽ được kết nạp trong tương lai.

“Sau Chiến tranh Lạnh, trong cấu trúc an ninh chính trị thế giới đồng thời tồn tại hai trật tự thế giới. Một là trật tự thế giới hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc. Hầu hết các nước trên thế giới tuân thủ trật tự thế giới này và chủ trương bảo vệ nó, trong đó có Nga và Trung Quốc.

Hai là, trật tự thế giới đơn cực do Mỹ kiểm soát. Mỹ tuy trên lời nói cho rằng đó là trật tự thế giới ‘dựa trên luật lệ’, nhưng thực chất là Mỹ đã thao túng Liên hợp quốc. Thí dụ, không được phép của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Nam Tư (năm 1999), Afghanistan (năm 2001), Iraq (năm 2003), Libya (năm 2011), Syria (năm 2014 đến nay) nhưng vẫn không bị trừng phạt. Nhiều nước vì lợi ích trong quan hệ với Mỹ nên cũng không phản đối”, chuyên gia Lê Thế Mẫu nhấn mạnh.

Theo Đại tá Lê Thế Mẫu, việc phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ chấm dứt quyền thống trị của Mỹ và sẽ nỗ lực xây dựng trật tự thế giới đa cực. Theo ông Putin, trật tự thế giới đơn cực chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ, còn trật tự thế giới đa cực xu hướng mà trong đó tất cả các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, đều được tôn trọng và không can thiệp vào nội bộ của nhau.

https://vtc.vn/xung-dot-nga-ukraine-dang-len-tot-dinh-the-gioi-se-nguy-hiem-ra-sao-ar704426.html

 

Ngày đăng: 15:27 | 01/10/2022

KÔNG ANH / VTC News