Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow cảnh báo nếu không thấy tiến triển từ vòng đàm phán sắp tới thì Mỹ sẽ có hành động bổ sung. 

Nói chuyện với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng, Kudlow nói dù Mỹ và Trung Quốc đã đàm phán về các vấn đề thương mại cũng sở hữu trí tuệ trong 18 tháng, nhưng đó là một khoảng thời gian ngắn và đàm phán có thể diễn ra lâu hơn.

"Một thỏa thuận có quy mô, phạm vi và tầm quan trọng trung tâm toàn cầu thì tôi không nghĩ 18 tháng là một khoảng thời gian rất dài", ông bình luận.

Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow nói chuyện với báo giới hôm 6/9. Ảnh: Reuters

Cách đây ít hôm, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã đồng ý đến Mỹ đàm phán vào tháng 10, sau cuộc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Robert Lighthizer. Trước chuyến đi, các đại biểu thương mại hai bên sẽ có vòng đàm phán vào giữa tháng này. Trả lời báo giới hôm qua, ông Kudlow xác nhận thông tin nhưng từ chối dự đoán kết quả hoặc một mốc thời gian cụ thể để đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài 14 tháng đã leo thang mạnh mẽ kể từ tháng 5, khi các cuộc đàm phán bế tắc, mà theo phía Mỹ là Bắc Kinh đã rút lại các cam kết trước đó về cải thiện môi trường pháp lý để bảo vệ sở hữu trí tuệ, giảm ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc và cải thiện khả năng tiếp cận đến thị trường nước này.

Kể từ đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng mạnh thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc và ra kế hoạch áp thuế mới đối với hầu hết hàng nhập khẩu còn lại từ nước này để tăng đòn bẩy đàm phán.

Kudlow nói với Bloomberg TV rằng ông không thể suy đoán liệu cuộc đàm phán tháng 9 và tháng 10 có thể trì hoãn việc tăng thuế theo kế hoạch vào ngày 1/10 từ 25% lên 30% đối với số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc.

"Chúng tôi muốn quay trở lại những gì đạt được vào cuối tháng 5, nhưng tôi không biết điều đó có thể xảy ra hay không. Tôi không muốn dự đoán bất kỳ kết quả nào. Đây là một vấn đề khó khăn", ông Kudlow nói thêm.

Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng cũng lưu ý, điều quan trọng là các cải cách của Trung Quốc phải được phản ánh trong các thay đổi về luật pháp. Bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải có các điều khoản thực thi để đảm bảo nước này tuân thủ các cam kết.

Các cuộc đàm phán tháng 9 và tháng 10 sẽ bao gồm tất cả vấn đề cốt lõi trong tranh chấp, ví dụ như đánh cắp IP; ép buộc chuyển giao công nghệ; không gian mạng; điện toán đám mây; dịch vụ tài chính; giao thương nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng; tháo dỡ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan.

"Khi chúng tôi không thấy kết quả, chúng tôi sẽ thực hiện các hành động bổ sung. Mặt khác, nếu chúng tôi thấy kết quả từ các cuộc họp sắp tới, thì tiến trình sẽ được thực hiện", ông Kudlow cho biết.

Ông Trump nói trên Twitter rằng Trung Quốc đang tổn hại về kinh tế từ thuế quan của Mỹ nhưng vòng đàm phán mới là tích cực.

Phiên An (theo Reuters)

 

Quan chức Mỹ- Trung cãi nhau kịch liệt vì Biển Đông và Việt Nam
Thương chiến Mỹ - Trung ảnh hưởng thế nào tới doanh nghiệp Việt?
Căng thẳng thương mại Trung – Mỹ: Trung Quốc “vừa đấm vừa xoa”
Thương chiến Mỹ-Trung: Sở hữu ‘vũ khí’ nghìn tỷ USD, vì sao Trung Quốc không dám tấn công?

Ngày đăng: 16:26 | 07/09/2019

/ vnexpress.net