Cứ 10 trường học của Liên hợp quốc ở Dải Gaza thì có tới 7 trường học đã bị tấn công kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra. Số liệu do UNRWA công bố ngày 17/7 khiến thế giới càng thêm phẫn nộ trước mức độ tàn phá đáng sợ của chiến tranh, nhưng một giải pháp để kết thúc điều này vẫn đang bỏ ngỏ.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X ngày 17/7, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine ở cận Đông của Liên hợp quốc (UNRWA) nêu rõ, gần 70% các trường học của UNRWA ở Dải Gaza đã bị tấn công kể từ khi xung đột Israel - Hamas xảy ra hồi tháng 10 năm ngoái. Hơn 75% các trường học này đang được dùng làm nơi trú ẩn cho những người di tản khi các cuộc tấn công bắt đầu. 539 người trú ẩn trong các cơ sở của UNRWA đã thiệt mạng. "Không nơi nào an toàn. Sự coi thường trắng trợn đối với các cơ sở pháp lý và luật nhân đạo cần phải chấm dứt", cơ quan LHQ ngày 17/7 bày tỏ.
Những thông tin này được UNRWA đưa ra sau khi sở y tế Gaza cho biết ít nhất 57 người đã thiệt mạng trong các cuộc ném bom của Israel vào các khu vực phía Nam và trung tâm Dải Gaza hôm 16/7 (giờ địa phương). Trong đó, cuộc không kích xảy ra gần một khu lều trại dành cho các gia đình phải di dời tại phố Attar, thuộc khu vực được chỉ định là khu vực nhân đạo Al-Mawasi ở TP Khan Younis đã khiến ít nhất 17 người Palestine thiệt mạng và 26 người bị thương.
Vài giờ sau, một cuộc không kích khác của Israel vào một trường học do LHQ điều hành, nơi có những gia đình phải di dời trong trại Nuseirat, đã làm 23 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Phản ứng trước thông tin này, phía quân đội Israel lại nói rằng đã tấn công một nhóm "khủng bố" hoạt động bên trong trường học, sau khi thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro cho dân thường.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các trường học của LHQ nằm trong "tầm ngắm" của quân đội Israel. UNRWA đã và đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột ở Dải Gaza và đến nay, 195 nhân viên của tổ chức này đã thiệt mạng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ lâu đã kêu gọi giải tán UNRWA, cáo buộc tổ chức này kích động chống Tel Aviv và Quốc hội Israel đang cân nhắc khả năng đưa UNRWA vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, ngày 12/7, trong một tuyên bố được đưa ra tại hội nghị ở New York, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh không có bất cứ giải pháp thay thế nào đối với UNRWA và 118 quốc gia đã ủng hộ quan điểm cho rằng tổ chức cứu trợ này đóng vai trò không thể thiếu được. Tổng Thư ký Guterres "kêu gọi mọi người hãy bảo vệ UNRWA, bảo vệ đội ngũ nhân viên UNRWA và bảo vệ nhiệm vụ của UNRWA".
Bất chấp những lời kêu gọi ấy, các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các trường học và cơ sở của UNRWA vẫn diễn ra, và mở rộng ra trên khắp Dải Gaza. Đáng chú ý, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 16/7 tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường áp lực lên Hamas, để loại bỏ những chỉ huy hàng đầu và để đưa tất cả con tin trở về. Ở chiều ngược lại, Hamas và nhóm thánh chiến Hồi giáo ở Gaza vẫn tiếp tục phản kháng với các cuộc giao tranh trực diện với quân đội Israel.
Trong khi đó, các nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết những nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột đã bị đình trệ từ ngày 13/7, sau 3 ngày đàm phán không đạt được kết quả khả thi, và sau một cuộc không kích của Israel nhằm vào chỉ huy quân sự cấp cao của Hamas, ông Mohammed Deif. Xung đột không lối thoát đang bóp nghẹt một giải pháp hòa bình cho Dải Gaza.
Ở một góc nhìn rộng hơn, tổ chức Quyền trẻ em (KidsRights) có trụ sở tại Hà Lan hôm 17/7 cũng đã công bố báo cáo thường niên, trong đó đánh giá tình trạng gia tăng xung đột vũ trang trên khắp thế giới đang ngày càng làm tổn hại đến quyền trẻ em, đồng thời kêu gọi các biện pháp bảo vệ tốt hơn dành cho nhóm này.
Hồi tháng 6 vừa qua, UNRWA cũng cho biết hơn 625.000 trẻ em Palestine đã không được học hành trong hơn 8 tháng qua, kể từ khi Israel mở chiến dịch tấn công Hamas ở Dải Gaza. Xung đột cũng đang bóp nghẹt tương lai của những đứa trẻ đang từng ngày phải đối diện chiến tranh, thay vì được đến trường bình yên như bao đứa trẻ khác.
Trước kịch bản đầy căng thẳng tại Dải Gaza, ngày 16/7 (giờ địa phương), Tổng thống Ai Cập, ông Abdel-Fattah El-Sisi và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tăng cường các hành động quốc tế chung nhằm ngăn chặn cuộc xung đột ở Gaza lan rộng, cũng như ngăn khu vực rơi vào một chu kỳ xung đột mới.
Tuyên bố của Phủ Tổng thống Ai Cập nêu rõ: "Hai tổng thống đã khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường các hành động quốc tế chung nhằm ngăn xung đột lan rộng và không để khu vực rơi vào một chu kỳ xung đột phức tạp mới". Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy giải pháp hai nhà nước và đảm bảo thành lập Nhà nước Palestine phù hợp với các nghị quyết quốc tế nhằm đạt được an ninh và ổn định lâu dài trong khu vực.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại cuộc gặp 2 quan chức có ảnh hưởng của Israel là Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Ron Dermer và Cố vấn An ninh quốc gia Tzachi Hanegbi, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" về số lượng thương vong của dân thường gần đây ở Gaza. Sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế liệu có đủ mạnh mẽ, hay vẫn cần đanh thép hơn nữa, để có thể tác động thực sự đến tiến trình hòa giải tại Dải Gaza, mở lối cho một giải pháp ngăn chặn xung đột leo thang?
Ngày đăng: 09:03 | 18/07/2024
Bảo Hân / CAND