Tháng 8 là tháng thứ tư liên tiếp xuất khẩu (XK) tăng trưởng, tháng sau cao hơn tháng trước dù trải qua quý I/2023 tương đối ảm đạm. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá của Việt Nam đạt 62,08 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước.

XK khởi sắc còn do thị trường thế giới phục hồi trong đó, hàng tồn kho tại các thị trường XK lớn đang giảm và một số ngành chủ lực như gỗ, dệt may… đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại.

Chia sẻ với PV Báo CAND ngày 12/9, ông Phạm Tùng Linh, Giám đốc điều hành, Tổng Công ty Đức Giang cho biết, đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại từ quý IV/2023 đến hết quý I/2024. Đơn hàng của Đức Giang có tín hiệu tăng trưởng mạnh ở thị trường Mỹ, đơn hàng đã có đến hết tháng 5/2024. Riêng về thị trường châu Âu thì vẫn còn vẫn khó khăn, nếu khởi sắc thì cũng phải từ quý II/2024. Thị trường châu Âu hiện nay không chỉ khó khăn với ngành dệt may mà còn với nhiều ngành hàng khác, tuy nhiên, vẫn có những DN có đơn hàng từ thị trường này. 

Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng nhận định ngành dệt may Việt Nam đã qua “đáy xấu nhất”.

2.jpg -0
Tháng 8 là tháng thứ tư liên tiếp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng. Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 8/2023 kim ngạch XK dệt may (hàng dệt và may mặc) của Việt Nam ước đạt 3,91 tỷ USD, tăng 1,26% so với tháng 7/2023. Tính chung 8 tháng, kim ngạch XK dệt may của cả nước ước đạt 26,93 tỷ USD. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, kim ngạch XK dệt may của Việt Nam cả năm 2023 ước đạt 40 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022. Tuy nhiên, hoạt động XNK dệt may Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực và nhiều khả năng sẽ phục hồi trong những tháng tới. Được biết, gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. XK sang thị trường Hoa Kỳ, EU cũng khởi sắc hơn.

Ông Bùi Đình Giáp, Nhà sáng lập, Giám đốc sản phẩm akaBot, Công ty Hệ thống Thông tin FPT cho biết, thị trường ngành hàng khó khăn nhưng với ngành công nghệ thì tín hiệu rất khả quan. Như tại DN tập trung vào sản phẩm robot "ảo" và đã XK đi nhiều nước.

Trên thực tế, nhiều lĩnh vực đã và đang dần ghi nhận sự quay trở lại của đơn hàng. Đơn cử như XK gỗ và sản phẩm gỗ. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết đã thấy tín hiệu phục hồi kinh tế ở Mỹ - thị trường chính của Việt Nam, chiếm hơn 50% kim ngạch XK ngành gỗ.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến TP.HCM (HAWA), kết quả khảo sát sơ bộ do HAWA thực hiện cho thấy đơn hàng ở các DN trong ngành giảm trung bình 30% trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong tháng 7/2023, các DN trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Cùng với đó, có nhiều tín hiệu tích cực cho ngành đồ gỗ XK khi khách hàng từ Mỹ, châu Âu đang tìm kiếm DN gỗ tại Việt Nam cho đơn hàng cuối năm. Nhiều DN gỗ đang mở rộng biên độ kinh doanh, tìm giải pháp thâm nhập trực tiếp thị trường quốc tế. Trong đó, nhiều thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng sự hiện diện ở những thị trường XK tiềm năng, đặc biệt là Ảrập Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng đồ gỗ cao cấp cho các siêu dự án bất động sản mới. Với nội lực của ngành chế biến gỗ, mục tiêu XK của năm 2023 hoàn toàn có thể đạt được bởi đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại thời gian gần đây.

3.jpg -0
Xuất khẩu của Việt Nam khởi sắc do thị trường thế giới phục hồi.

Theo Bộ Công Thương, các mặt hàng XK ghi nhận sự tăng trưởng trong tháng 8 so với tháng trước có các mặt hàng như: sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; dệt may, giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ…

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 8, kim ngạch XK đạt 32,76 tỷ USD, tăng 9% (tương ứng tăng 2,69 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 29,32 tỷ USD, tăng 8,6% (tương ứng tăng 2,32 tỷ USD). Như vậy, đây là tháng đầu tiên từ đầu năm 2023, kim ngạch XNK cả nước đạt mốc 60 tỷ USD/tháng. Trong 7 tháng trước đó, XNK thường ở mức hơn 50 tỷ USD/tháng, thậm chí tháng 1 và tháng 2 chưa đạt được con số 50 tỷ USD/tháng. Đáng chú ý, trong tháng 8, hoạt động XK hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 7,7% so với tháng trước, ước đạt 32,37 tỷ USD, là tháng có kim ngạch XK cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Tính chung 8 tháng, XK đạt 227,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 207,5 tỷ USD. Điều đó cho thấy, XNK tiếp tục đà tăng trở lại.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, XK khởi sắc còn do thị trường thế giới phục hồi. Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, XK giảm chủ yếu do cầu thế giới giảm khi lạm phát tại các nước tăng cao do việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường XK chủ lực của Việt Nam. Nhưng từ tháng 4 đến nay, hàng tồn kho đã giảm mạnh. Tiêu biểu như thị trường Mỹ, 6 tháng đầu năm 2023, lượng hàng tồn kho lên tới 20% thì đến tháng 8 đã giảm chỉ còn 10%, dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%, nên đây là cơ hội cho hàng XK của Việt Nam vì Mỹ là thị trường XK lớn.

Từ nay đến cuối năm 2023, dù có những tín hiệu tích cực, song dự báo bối cảnh kinh tế thế giới cũng còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Song, có những yếu tố giúp chúng ta có thể kỳ vọng từ nay đến cuối năm các đơn hàng XK sẽ phục hồi.

https://cand.com.vn/Kinh-te/xuat-nhap-khau-hang-hoa-tang-tro-lai-i706870/

Ngày đăng: 08:21 | 13/09/2023

Lưu Hiệp / CAND