Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước duy trì đà tăng cao sau 4 tháng đầu năm, ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 4 đạt 65,78 tỷ USD, giảm 2,4%, tương ứng giảm 1,59 tỷ USD so với tháng trước.

Trong đó, xuất khẩu đạt 33,32 tỷ USD, giảm 4% (tương ứng giảm 1,39 tỷ USD) và nhập khẩu là 32,47 tỷ USD, giảm 0,6% (tương ứng giảm 195 triệu USD).

7505e3f54f8585ef26ed2d9ccb99dae1
Xuất nhập khẩu hàng hoá duy trì đà tăng hai con số

Tính chung trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 242,43 tỷ USD, tăng 15,9% tương ứng tăng 33,21 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 122,48 tỷ USD, tăng 16,5% (tương ứng tăng 17,3 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 119,95 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 15,9 tỷ USD).

Trong tháng 4, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 849 triệu USD, tính trong 4 tháng, cả nước xuất siêu 2,53 tỷ USD.

Về nguyên nhân giúp xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay, nhất là nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến đạt kết quả tích cực, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng là Việt Nam đã tận dụng được lợi ích đem lại từ các FTA. Bên cạnh các FTA như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA)… Tận dụng những ưu thế, ưu đãi của các FTA là vấn đề được Trung ương, địa phương cũng như các doanh nghiệp khá quan tâm, tạo đà tốt cho xuất khẩu.

Trong những quý tiếp theo, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ cũng rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.

Ngày đăng: 08:39 | 18/05/2022

/