Theo bản dự thảo Luật đơn vị hành chính - khu kinh tế đặc biệt, cá nhân xuất nhập cảnh tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ được phép cầm số lượng USD tiền mặt gấp 3 lần so với quy định hiện hành (7.000 USD) mà không cần phải khai báo với cơ quan hải quan tại sân bay, bến cảng vào đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Cụ thể, Dự thảo Luật quy định: Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt qua đường hàng không và đường biển bằng hộ chiếu, giấy thông hành hoặc bằng các loại giấy tờ khác có giá trị thay cho hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định bằng 03 (Ba) lần hạn mức phải khai báo hải quan cửa khẩu khi xuất, nhập cảnh tương ứng từng thời kỳ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đề xuất: Căn cứ mức độ phát triển của thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng, Chính phủ quyết định thành lập chi nhánh ngân hàng nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn.

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của các tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài có hoạt động ngân hàng, các sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, các quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm được phép thành lập và hoạt động tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo quy định pháp luật.

Các giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú trong đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được thực hiện bằng đồng Việt Nam, nếu giao dịch bằng ngoại tệ phải thực hiện theo quy định của NHNN Việt Nam.

Hiện có 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã được hình thành.

Ngày đăng: 19:54 | 09/10/2017

/ Theo Thời báo Ngân hàng