Một nhóm lao động ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh tìm đến Cty Cổ phần phát triển Quốc tế IDC có trụ sở tại Hà Nội, để đi xuất khẩu lao động. Thế nhưng, họ bị vỡ mộng ở Brunei, trở về nước và "ôm" khoản nợ lớn.
Ngày 26.12.2017, Báo Lao Động nhận được phản ánh của 3 người lao động quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Họ được Cty Công ty Cổ phần phát triển Quốc tế IDC, trụ sở tại Tòa nhà Licogi 13, đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội (nay chuyển về 347 Đội Cấn, Hà Nội) để đi Brunei làm việc. Cty IDC do ông Nguyễn Phi Hùng làm Tổng Giám đốc.
Anh Lê Xuân Sâm, thay mặt 3 lao động vừa về nước, trình bày như sau:
Đầu năm 2017, anh Sâm (SN 1978), anh Nguyễn Tiến Cương (SN 1972) và Nguyễn Văn Hảo (SN 1978) cùng trú tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh đến Văn phòng Cty Triện Thủy tại Kỳ Anh tìm hiểu thông tin xuất khẩu lao động.
Các anh được Cty Triện Thủy tư vấn đi Brunei, như sau: Thời hạn lao động 2 năm, lương cơ bản 23 đô la/ngày làm việc; thời gian làm việc 8 tiếng/ngày; làm thêm ngoài giờ được trả cao hơn. Cty tiếp nhận có quy mô hàng trăm nhân công, các chế độ được chi trả đầy đủ, có ký túc xá tiện nghi...
Ước tính, sau 2 năm làm việc, trừ chi phí ăn uống, người lao động có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Công ty Triện Thủy cho biết, trường hợp nghỉ ốm đau, Cty vẫn thanh toán tiền lương tối thiểu ngày công theo quy định của Brunei.
Ngày 18.2.2017, 3 lao động trên được Cty Triện Thủy đưa ra Hà Nội. Ngày 20.2.2017, họ được đưa đến Cty IDC ký hợp đồng và làm thủ tục xuất cảnh.
Anh Sâm cho biết, trước khi đi, tổng chi phí người lao động phải đóng là 47 triệu đồng/người.
Theo anh Sâm, khác với thông tin tư vấn, Công ty ở Brunei là đơn vị thi công do người Trung Quốc đứng đầu, có khoảng hơn chục lao động. Nơi ở là nhà tạm làm bằng container, chỉ có một bóng điện, không có quạt mát, nước sạch sinh hoạt hằng ngày lúc có, lúc không... Người lao động bỏ tiền đóng các khoản chi phí mà theo lời tư vấn hoặc hợp đồng là do Cty sử dụng lao động chi trả (mua công cụ lao động, giấy phép lao động, bảo hiểm….).
Tháng đầu tiên từ khi sang, người lao động mất 20 ngày chờ đợi tại nhà tạm, không có việc làm, không được hỗ trợ khoản tiền chờ việc như đã hứa ban đầu. 20 ngày sau, người lao động mới được bố trí việc làm. Tuy nhiên, công việc thất thường. Tháng 3.2017, người lao động chỉ được bố trí làm 18 ngày công. Tình trạng thiếu việc làm tiếp tục xảy ra ở những tháng sau đó.
Sau 5 tháng làm việc, người lao động ngày càng rơi vào túng quẫn. Cực chẳng đã, họ liên hệ với Cty IDC nhờ can thiệp để về nước.
Ngày 4.1.2018, PV Lao Động có cuộc gặp với Tổng Giám đốc Cty IDC Nguyễn Phi Hùng. Chúng tôi đặt vấn đề: Có chuyện tư vấn lập lờ khiến người lao động nhầm tưởng? Quan hệ giữa Cty IDC với Cty Triện Thủy như thế nào? Người lao động về nước là lỗi Cty IDC, người lao động hay Cty sử dụng lao động ở Brunei? Phương án xử lý ra sao?
Ông Nguyễn Phi Hùng đã nói gì?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau.
Hàng loạt nạn nhân “kêu cứu” vì bị lừa đi xuất khẩu lao động
Đã có 20 người lao động (NLĐ) tại địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ký đơn tập thể “kêu cứu” gửi đến Báo Lao ... |
Hai giám đốc "bắt tay" lừa đảo xuất khẩu lao động
Ngày 8-12, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đang tiến hành điều tra vụ án Lương Thị Lan Phương lừa đảo ... |
Ngày đăng: 10:30 | 05/01/2018
/ https://laodong.vn